Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng họp từ ngày 27 đến ngày 31.3.1982 tại thủ đô Hà Nội với 1.033 đại biểu thay mặt 1.727.000 đảng viên hoạt động trong 35.146 đảng bộ cơ sở. Đến dự Đại hội có 47 đoàn đại biểu quốc tế.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng họp từ ngày 27 đến 31.3.1982 tại thủ đô Hà Nội
Đồng chí Trường Chinh đọc lời khai mạc Đại hội. Đồng chí Lê Duẩn đọc Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí Phạm Văn Đồng đọc Báo cáo về nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Đồng chí Lê Đức Thọ đọc Báo cáo về xây dựng Đảng. Nhiều đại biểu của Đại hội đã đọc tham luận, nhiều đại biểu quốc tế và trong nước đọc lời chào mừng.
Báo cáo chính trị đã đánh giá toàn diện những thắng lợi mà Đảng và Nhân dân ta giành được trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc từ sau đại thắng mùa Xuân 1975. Báo cáo khẳng định: Thành công rực rỡ của Đảng và Nhân dân ta đã nhanh chóng thống nhất đất nước về mặt nhà nước, triển khai thực hiện nhiều chính sách thúc đẩy quá trình thống nhất về mọi mặt, tăng cường khối đoàn kết toàn dân tộc; Thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đã bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và chế độ xã hội chủ nghĩa, tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, góp phần củng cố hoà bình và ổn định trong khu vực.
Báo cáo chính trị khẳng định: “Năm năm qua được ghi vào lịch sử dân tộc như một đoạn đường thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam”. Vượt qua muôn vàn khó khăn chồng chất, cách mạng nước ta đã phát triển lên một thế chiến lược mới, vững chắc hơn, tạo khả năng to lớn hơn để bảo vệ và xây dựng đất nước.
Trên cơ sở phân tích hiện trạng của đất nước, báo cáo chính trị cũng vạch rõ những khó khăn, yếu kém của nước ta trong quá trình phát triển. Về kinh tế, kết quả thực hiện các kế hoạch kinh tế trong 5 năm 1976-1980 chưa thu hẹp được những mặt cân đối nghiêm trọng của nền kinh tế quốc dân. Sản xuất phát triển rất chậm trong khi dân số tăng nhanh, lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng không đủ đáp ứng nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội. Đời sống nhân dân lao động gặp rất nhiều khó khăn thiếu thốn. Mặt trận tư tưởng, văn hoá, giáo dục còn bị xem nhẹ, pháp chế xã hội chủ nghĩa chậm được tăng cường, pháp luật, kỷ luật bị buông lỏng.
Mặt khác, khó khăn còn do sai lầm, khuyết điểm của các cơ quan Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở trong lãnh đạo quản lý kinh tế - xã hội của đất nước. Chúng ta đã chủ quan, nóng vội đề ra một số chỉ tiêu quá lớn về quy mô, quá cao về tốc độ xây dựng cơ bản và phát triển sản xuất; đã duy trì quá lâu cơ chế quản lý hành chính quan liêu bao cấp, chậm đổi mới các chính sách chế độ kìm hãm sản xuất; đã quan liêu, xa rời thực tế, không nhạy bén với những thay đổi của vận động xã hội, bảo thủ, trì trệ, lạc quan thiếu cơ sở.
Xuất phát từ tình hình thực tiễn đất nước, những biến động của tình hình quốc tế và những âm mưu của các thế lực thù địch chống lại Việt Nam, báo cáo nêu rõ trong giai đoạn mới của cách mạng, Đảng phải lãnh đạo nhân dân ta thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: “Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Hai nhiệm vụ chiến lược đó quan hệ mật thiết với nhau. Xây dựng chủ nghĩa xã hội làm cho đất nước lớn mạnh về mọi mặt thì mới có đủ sức đánh thắng mọi cuộc chiến tranh xâm lược của địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Ngược lại, có tăng cường phòng thủ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc mới có điều kiện để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Trong khi thực hiện nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhân dân ta phải đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Báo cáo chính trị của Đảng đã đề ra những nhiệm vụ chủ yếu về kinh tế - xã hội trong 5 năm 1981-1985 và những năm 80. Trong đó, mục tiêu kinh tế - xã hội những năm 80 là: Đáp ứng những nhu cầu cấp bách và thiết yếu nhất, dần dần ổn định, tiến tới cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân; tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, trang bị thêm thiết bị kỹ thuật cho các ngành kinh tế chuẩn bị cho bước phát triển mạnh mẽ của công nghiệp nặng trong chặng đường tiếp theo; hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; đáp ứng nhu cầu của công cuộc phòng thủ đất nước, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh trật tự.
Đại hội đã thông qua Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương; Nghị quyết báo cáo về xây dựng Đảng và những đề nghị cụ thể về bổ sung Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 116 uỷ viên chính thức và 36 uỷ viên dự khuyết.
Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 13 uỷ viên chính thức và 2 uỷ viên dự khuyết.
Đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đại hội lần thứ V của Đảng là kết quả của một quá trình làm việc nghiêm túc, tập hợp ý kiến của toàn Đảng để đề ra nhiệm vụ, phương hướng… nhằm giải quyết những vấn đề gay gắt nóng bỏng đang đặt ra của cách mạng Việt Nam. Đại hội đánh dấu một bước chuyển biến mới về sự lãnh đạo của Đảng trên con đường đấu tranh “Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân”.
Đ.H.T
(tổng hợp)