Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
[Thông điệp từ lịch sử]Trí thức Việt Nam với công cuộc “tự khai hóa” những năm đầu thế kỷ XX
Thứ bảy: 11:40 ngày 04/12/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Từ giữa thế kỷ XIX, với những biến động xã hội do sự xâm lăng của thực dân Pháp, tầng lớp trí thức Việt Nam đã có nhiều thay đổi từ thành phần xuất thân, con đường học tập, trưởng thành, nhất là tư tưởng, ý thức dân tộc và cách hành động. Họ là lực lượng tinh hoa mở đường canh tân văn hóa những năm đầu thế kỷ XX.

“Cựu học” và “tân học” Trước hết cần khẳng định tầng lớp trí thức Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX có sự hình thành đa dạng hơn và đời sống tinh thần, tư tưởng phong phú hơn, mới mẻ hơn.Bộ phận thứ nhất là trí thức “cựu học”. Đó là các nho sĩ đã từng học tập, đỗ đạt theo hệ thống giáo dục Nho giáo.

Theo truyền thống, một bộ phận lớn những nho sĩ đỗ đạt tham gia vào bộ máy nhà nước phong kiến với chức vụ và địa vị khác nhau. Tuy nhiên, cũng có nhiều người đỗ đạt nhưng không ra làm quan. Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế, Lê Văn Huân, Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc, Nguyễn Hữu Cầu, Trần Quý Cáp…Một số người đỗ đạt ra làm quan nhưng sau từ bỏ để hoạt động yêu nước, tham gia cuộc vận động duy tân như Đào Nguyên Phổ, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Đặng Nguyên Cẩn, Nguyễn Quyền…

Trong bộ phận này cũng có nhiều nho sĩ đã tiếp nhận kiến thức tân học, biết chữ Quốc ngữ, chữ Pháp và nhiều kiến thức của nền giáo dục mới - tân học như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Lương Văn Can, Đào Nguyên Phổ… Cũng có một số người đã đỗ đạt Hán học nhưng sau sang Pháp học tiếp như Bùi Kỷ.

Nho sĩ Huỳnh Thúc Kháng đã tiếp nhận kiến thức tân học, biết chữ Quốc ngữ, chữ Pháp và nhiều kiến thức của nền giáo dục mới - tân học.

Bộ phận thứ hai là “Trí thức Tân/ Tây học” mới được đào tạo từ hệ thống giáo dục thuộc địa ở Đông Dương hoặc từ các trường tại Pháp. Có thể kể đến một số nhân vật tiêu biểu như Diệp Văn Kỳ, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Trần Trọng Kim, Phạm Duy Tốn, Nguyễn An Ninh, Trần Chánh Chiếu, Lê Văn Miến, Hoàng Trọng Phu...

Một bộ phận khác là tự học theo hướng Tây học theo nhiều cách khác nhau như Nguyễn Ái Quốc (ở nước ngoài), Trần Huy Liệu (ở trong nước). Đội ngũ này bắt đầu thể hiện vai trò của mình trong những năm đầu thế kỷ XX và sẽ chiếm lĩnh vị trí dẫn dắt hầu hết các cuộc vận động xã hội và văn hóa ở Việt Nam cho đến những năm giữa thế kỷ XX.

Thành phần xuất thân, con đường học vấn, môi trường giáo dục có thể khác nhau nhưng đa phần trí thức Việt Nam, dù là “cựu học” hay “tân học”, đều có tinh thần yêu nước và có khát vọng giành độc lập dân tộc, đều nhiệt thành cống hiến cho công cuộc duy tân văn hóa, chấn hưng đất nước những năm đầu thế kỷ XX.

Tiên phong “tự khai hóa”Văn hóa Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đứng trước tình trạng bị đứt gãy truyền thống. Trước hết là văn hóa chính trị, khi mà hệ tư tưởng phong kiến, thể chế quân chủ đã lỗi thời và các hệ tư tưởng mới, tiến bộ hơn, và thể chế dân chủ chưa được thiết lập.

Thay vào đó là một chế độ thực dân - phong kiến; độc lập dân tộc không còn, người dân chịu cảnh “một cổ hai tròng”. Xã hội rơi vào tình trạng khủng hoảng, văn hóa giáo dục ngày càng hủ lậu, lạc hậu không thể làm nền tảng cho công cuộc giành độc lập.

Tìm con đường đi cho dân tộc trở nên bức thiết nhất vào lúc này. Giới trí thức yêu nước đã có những lựa chọn khác nhau với hai ngọn cờ, hai nhà đại ái quốc là Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh.

Phan Bội Châu là một trí thức Nho học, đỗ đạt nhưng không ra làm quan mà tìm đường cứu nước. Cựu học nhưng ông sớm tiếp thu tân thư, tân văn theo tư tưởng cải cách của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu (Trung Quốc) và Minh Trị duy tân (Nhật Bản).

Ông chủ trương bạo động để đánh đuổi thực dân Pháp xây dựng lại nền quân chủ. Điều đó có nghĩa là ông vẫn chưa thoát ly được hệ tư tưởng phong kiến. Để tổ chức lực lượng cho công cuộc này, năm 1904, ông và Nguyễn Hàm thành lập Hội Duy Tân, dựng Cường Để là hoàng thân nhà Nguyễn làm minh chủ.

Hội Duy Tân hướng đến sự giúp đỡ của Nhật Bản để chống Pháp. Phong trào Đông du do ông khởi xướng và lãnh đạo nhanh chóng thất bại vì chính quyền Nhật Bản thỏa hiệp với người Pháp trục xuất toàn bộ du học sinh Việt Nam. Sau đó, Phan Bội Châu thành lập Việt Nam Quang phục hội.

Ông thay đổi tôn chỉ từ chủ nghĩa quân chủ sang chủ nghĩa dân chủ để đánh đuổi quân Pháp, “thành lập nước Cộng hòa Dân quốc kiến lập Việt Nam”, nhưng vẫn chủ trương bạo động. Tuy nhiên, ông cũng thấy rõ vai trò của duy tân văn hóa, giáo dục khi đã chủ trương Đông du và cùng Phan Chu Trinh cổ vũ và bàn bạc với các sĩ phu về việc thành lập Đông Kinh nghĩa thục.

Cùng tư tưởng, cùng chí hướng với Phan Bội Châu còn có nhiều trí thức “cựu học” như Nguyễn Hàm, Đặng Tử Kính, Đặng Thái Thân, Nguyễn Thượng Hiền, Tăng Bạt Hổ… và khá đông đảo thanh niên yêu nước.

Cũng xuất thân là trí thức Nho học, cũng sang Trung Quốc, sang Nhật Bản, tiếp kiến các nhà tư tưởng duy tân Trung Quốc và Nhật Bản, đọc tân thư, tân văn của họ nhưng Phan Chu Trinh lại lựa chọn con đường khác.

Ông chủ trương bất bạo động và hướng đến tự chủ, tự lực, tự cường bằng con đường văn hóa và giáo dục; “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” để giành lại độc lập và “làm mới dân tộc”. Dân tộc mới mà ông hướng đến là một thể chế mới, thể chế dân chủ tư sản, một kiểu nhà nước hiện đại và tiến bộ nhất lúc bấy giờ.

Ông còn khác Phan Bội Châu ở chỗ, nếu Phan Bội Châu trông chờ sự giúp đỡ của Nhật Bản thì ông lại tận dụng các chính sách cải cách giáo dục của người Pháp ở Đông Dương, đặc biệt là tiếp nhận các tiến bộ về văn hóa, văn minh, khoa học kỹ thuật của phương Tây, kêu gọi sự hỗ trợ của người Pháp để chấn hưng nền văn hóa - giáo dục của đất nước, xây dựng sức mạnh nội sinh của nền văn hóa, của dân tộc để giành độc lập khi thời cơ đến.Cùng chia sẻ và hưởng ứng tư tưởng của Phan Chu Trinh có đông đảo tầng lớp trí thức, cả “cựu học” và “tân học”.

Phong trào Duy tân do ông và các đồng chí phát động là cuộc vận động nhằm thay đổi nền văn hóa - giáo dục dân tộc theo hướng hiện đại.Sau khi bàn bạc với Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu, năm 1907, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Đào Nguyên Phổ, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Hữu Cầu, Dương Bá Trạc, Lê Đại, Đặng Kinh Luân và các đồng chí của mình, đã thành lập Đông Kinh nghĩa thục.

Trường còn có sự tham gia của nhiều trí thức tân học như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học… Đông Kinh nghĩa thục là mô hình giáo dục mới với công cụ mới là chữ Quốc ngữ. Chữ Quốc ngữ và các kiến thức khoa học hiện đại đã khai tử nền giáo dục Nho học đã lỗi thời và bắt đầu mở ra một kỷ nguyên mới của văn hóa, giáo dục dân tộc.

Đông Kinh nghĩa thục không chỉ dạy chữ, dạy văn chương mà dạy cả kiến thức khoa học mới, hiện đại; Dạy cả bài trừ hủ tục và xây dựng nếp sống mới.Không dừng lại ở mô hình trường nghĩa thục, tư thục, các nhà duy tân còn tổ chức thực hành các mô hình làm ăn mới như mở hiệu buôn, thành lập công ty sản xuất, buôn bán.

Những năm đầu thế kỷ XX, báo chí Quốc ngữ không còn “cát cứ” ở Nam Kỳ mà lan ra miền Bắc. Đại Việt tân báo, Đông cổ tùng báo (1907) đến Đông Dương tạp chí (1913), Nam Phong (1917)… xuất bản ở Hà Nội gắn liền với vai trò của các nhà sáng lập Đông Kinh nghĩa thục, với Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh... và các trí thức tân học.

Song hành cùng báo báo chí, về văn học có bước phát triển mới, đã có tiểu thuyết Hà Hương phong nguyệt của Lê Hoằng Mưu (1912), Ai làm được của Hồ Biểu Chánh (1912) và các tiểu thuyết khác của Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Bân, Đặng Trần Phất, Huỳnh Thị Bảo Hòa…

Nhiều tác phẩm văn học nước ngoài được dịch sang Quốc ngữ.Duy tân là con đường để tiếp cận, du nhập các lĩnh vực, các thể loại, hệ hình sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật mới như kịch nói, hội họa, nhiếp ảnh… của phương Tây với nhiều giá trị mới; tinh thần nhân văn, nhân bản được đề cao, các giá trị phổ quát được thừa nhận và đi vào cuộc sống. Đó cũng là con đường để tầng lớp trí thức giáo dục ý thức dân tộc, truyền bá tư tưởng cứu nước và chấn hưng dân tộc theo kiểu mới.

Công cuộc duy tân văn hóa - giáo dục những năm đầu thế kỷ XX đúng là một cuộc “tự khai hóa” mà người dẫn đường không ai khác là các trí thức yêu nước. Công nghiệp này cho đến nay vẫn còn những bài học cho sự nghiệp chấn hưng văn hóa hiện nay, đặc biệt là cách ứng xử và phát huy vai trò tầng lớp trí thức.

Nguồn kinhtedothi

Tin cùng chuyên mục