Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam:
“Vành đai diệt Mỹ” - thế trận sáng tạo trong chiến tranh nhân dân
Thứ hai: 12:00 ngày 22/12/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Tháng 1.2014, Tây Ninh long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia đối với “Địa điểm vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn”. Chiến tranh đã trôi qua gần 40 năm, chẳng còn mấy người biết ở vùng Trảng Lớn (huyện Châu Thành) sầm uất ngày nay từng là địa điểm Mỹ thiết lập căn cứ quân sự rất lớn. Đây vừa là căn cứ hậu cần cho nhiều căn cứ khác như Đồng Pan, Mỏ Công, Thiện Ngôn, Xa Mát, vừa là căn cứ chỉ huy tiền phương làm bàn đạp mở các cuộc tiến công triệt phá các căn cứ cách mạng, tiêu diệt cơ quan đầu não cách mạng miền Nam ở Bắc Tây Ninh, đánh phá biên giới Việt Nam - Campuchia…

Chờ giặc đến (Ảnh tư liệu).

Sau khi thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, tháng 7.1965, Mỹ quyết định đưa lực lượng trực tiếp tham chiến vào miền Nam Việt Nam và chiến trường Nam bộ để giành thắng lợi trong thời gian ngắn nhất bằng chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.

Trảng Lớn rộng khoảng 8km2, là một đồng trảng rất lớn, bằng phẳng, bao bọc xung quanh hầu hết là rừng. Trảng Lớn nằm về hướng Tây Bắc tỉnh Tây Ninh, cách thị xã Tây Ninh gần 2km, nằm giữa quốc lộ 22 và trục lộ 13 (nay là tỉnh lộ 787). Trảng Lớn vừa tiếp giáp thị xã, vừa tiếp giáp vùng căn cứ địa cách mạng, cách biên giới Campuchia khoảng 15km theo đường chim bay. Chính vì vị trí và tính chất khá đặc biệt đó, Mỹ đã quyết định chọn Trảng Lớn để xây dựng một cứ điểm quân sự loại lớn.

Ngày 12.10.1965, Mỹ đưa 2.000 binh lính thuộc Lữ đoàn Bộ binh 196, Sư đoàn 25 đóng chốt, lập căn cứ quân sự đầu tiên ở Trảng Lớn. Lực lượng đóng chốt tại đây còn có thuỷ quân lục chiến, biệt động quân… các sư đoàn 5, 18, 21, 13, 25 (thuộc phân đoàn III thay phiên có mặt). Ngoài lực lượng Mỹ đóng chốt còn có lực lượng quân đội Sài Gòn đóng 68 đồn bót và 2 căn cứ biệt kích Mỹ ở Tua Hai và Bến Sỏi, 35 khu ấp chiến lược, 10 ban tề xã, dân vệ, bảo an, bình định, thám báo tỉnh, quận chung quanh khu vực Trảng Lớn.

Căn cứ quân sự của Mỹ ở Trảng Lớn được xây dựng rất kiên cố, bao quanh bởi 5 lớp rào kẽm gai, với hàng chục ngàn trái mìn các loại được chôn cài, trang bị cả hệ thống thiết bị điện tử tối tân quan sát, đài ra-đa, đèn điện, cùng hệ thống lô cốt, công sự và hầm ngầm chiến đấu rất quy mô.

Bên trong căn cứ, Mỹ xây dựng một sân bay dã chiến để trực thăng máy bay vận tải quân sự C130 có thể lên xuống dễ dàng chở nguyên vật liệu. Để bảo vệ căn cứ từ xa, Mỹ cho công binh dùng xe tải ủi phá sạch và dùng máy bay thả bom xăng, phun xăng bột, rải chất độc làm rụng lá cây, đốt phá hàng chục ngàn ha rừng già Thanh Điền - từ bờ sông Vàm Cỏ Đông tới quốc lộ 22 thành một vùng trắng.

Nhận định đúng ý đồ của địch và ý thức được vị trí của mình trong nhiệm vụ bảo vệ cơ quan đầu não Trung ương Cục miền Nam, Tỉnh uỷ Tây Ninh và Ban Cán sự, Ban Chỉ huy Tỉnh đội thống nhất chủ trương thành lập ngay “vành đai diệt Mỹ” ở Trảng Lớn và đề ra nghị quyết đánh Mỹ.

Tỉnh uỷ cử Tỉnh đội trưởng Võ Văn Tới về huyện Châu Thành triển khai chủ trương, thành lập ngay Ban chỉ huy thống nhất “Vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn”, hình thành thế trận vành đai bao vây, lập các hàng rào chiến đấu liên hoàn từ Sa Nghe qua Bàu Sen - Xóm Trường - Hoà Hội - Cây Da đến Ninh Điền - Thanh Điền, xây dựng bãi chông, trái gài, vùng tử địa… các binh công xưởng của huyện tập trung làm mìn chống tăng, trái gài, lựu đạn ném, lựu đạn phóng để phục vụ vành đai.

Vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn hình thành 4 cụm chiến đấu tạo thành thế liên hoàn bao vây căn cứ Trảng Lớn. Xác định vị trí trung tâm là khu tam giác Thanh Điền - Thái Bình A - Trí Bình. Huyện uỷ Châu Thành cũng đã quyết định thành lập Trung đội nữ Pháo binh B12 để khống chế quân Mỹ ở Trảng Lớn.

Từ tháng 10.1965 đến tháng 4.1972, tại khu vực vành đai Trảng Lớn đã có hàng ngàn trận đánh của quân và dân Tây Ninh, góp phần cùng cách mạng toàn miền Nam làm thất bại hai gọng kìm “Tìm diệt” và “Bình định” của Mỹ - nguỵ. Trong đó có những trận lớn như trận Sa Nghe, Suối Ông Đình, Bàu Sen, Vườn Mít. Ngoài ra còn có hàng trăm trận phối hợp hoặc dẫn đường cho các đơn vị đặc công, pháo binh Miền tấn công và bắn pháo vào căn cứ Trảng Lớn bằng cối 81, tên lửa ĐKB và H12, diệt hàng trăm máy bay, các phương tiện chiến tranh của Mỹ cùng hàng ngàn tên Mỹ nguỵ…

Sau một thời gian củng cố trận địa, xây dựng căn cứ, tháng 3.1966, Mỹ bắt đầu bung ra thực hiện âm mưu càn quét “Tìm diệt”, hòng đẩy lực lượng ta ra xa dân, khống chế hành lang biên giới, bao vây căn cứ ta từ phía Tây Nam.

Ngày 6.6, thông qua bọn thám báo và chỉ điểm, Mỹ cho tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 196 đổ quân xuống khu vực Bàu Rào thuộc xã Thanh Điền - cách căn cứ Trảng Lớn 6km về phía Nam. Bàu Rào thuộc khu vực cụm I vành đai diệt Mỹ, tại đây có khoảng 50 tay súng gồm du kích Thanh Điền, cơ quan và 1 tiểu đội thuộc đại đội tập trung của huyện (C40). Trang bị có 1 cối 60mm, 1 trung liên, một số ít súng AK, CKC, còn lại là súng trường K44 (bá đỏ).

Tờ mờ sáng, pháo ở các trận địa Bến Kéo, Cẩm Giang, Giang Tân (huyện Gò Dầu), cối 106,7mm trên tàu chiến dưới sông Vàm Cỏ Đông tập trung bắn vào Bàu Rào, sau đó là đủ loại máy bay đến ném bom, bắn rocket… Rừng tan hoang, cây trụi lá. Đến lúc này, binh lính Mỹ mới càn vào.

Chờ cho đến lúc thấy rõ từng tên Mỹ, các chiến sĩ ta từ công sự ẩn náu mới nhô lên ghìm súng bắn. Trong loạt đạn đầu đã có một số tên chết, bị thương trước công sự. Đội hình quân Mỹ phía sau dạt ra hai bên thì đạp trúng trái gài. Chúng co cụm lại, lợi dụng thời cơ, các chiến sĩ ta châm mìn định hướng - tiêu diệt thêm hàng chục tên địch. Trận đánh kéo dài đến 16 giờ cùng ngày, dù binh lính Mỹ liên tiếp tổ chức các đợt tấn công nhưng vẫn không chiếm được công sự trận địa của ta, đành phải rút quân.

Sau khi rút về hậu cứ bí mật, Ban Chỉ huy cụm I họp rút kinh nghiệm sơ bộ, nhất trí nhận định và cử liên lạc báo cáo về Ban Chỉ huy thống nhất: “Mỹ dễ đánh hơn nguỵ nếu phát huy được lối đánh gần, lính Mỹ chậm chạp và thiếu linh động… ta áp sát được bộ binh Mỹ sẽ hạn chế thương vong do hoả lực Mỹ”. 

10 ngày sau trận đánh vào Bàu Rào, một đại đội Mỹ càn vào khu vực Sa Nghe - Suối Ông Đình bị du kích xã Thái Bình do Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Văn Thuyên chỉ huy đánh bật. Do bản chất chủ quan, xem thường đối phương, hơn nữa đây là những trận đầu ra quân, cậy vào hoả lực mạnh nên ngày hôm sau (17.6.1966), Mỹ lại cho 3 đại đội hành quân theo quốc lộ 22 càn vào khu vực Bàu Sen - cách căn cứ Trảng Lớn 6km.

Chúng lại gặp đối thủ cũ là đội du kích xã Thái Bình do anh hùng Bùi Văn Thuyên chỉ huy, có thêm Trung đội, Đại đội địa phương huyện Châu Thành phối hợp chiến đấu. Trận này ác liệt hơn vì địch quá đông (hơn 300 tên), ta chỉ có 40 tay súng nhưng vẫn làm chủ thế trận.

Ta áp dụng cách đánh gần làm địch không phát huy được hoả lực, dựa vào giao thông hào, công sự được chuẩn bị sẵn từ trước, cơ động chiến đấu, vừa bắn tỉa, vừa dùng mìn định hướng diệt địch. Sau nhiều đợt xung phong ào ạt đều bị đánh bật trở ra, lính Mỹ lớp chết, lớp bị thương nằm khắp nơi, có tên chết vắt người trên giao thông hào.

Mỹ không dám cho quân rút theo đường bộ mà cho trực thăng bốc về Trảng Lớn. Khi chúng vừa cụm lại chờ máy bay thì bị đạn cối của Trung đội nữ pháo binh Châu Thành bắn đuổi theo. Một số quả đạn cối 82 nổ giữa đội hình địch, làm chết và bị thương thêm một số tên.

Rút kinh nghiệm sau 3 lần thua đau, trong trận đánh khu vực Gò Nổi, thuộc vùng căn cứ xã biên giới Ninh Điền, Mỹ điều 1 tiểu đoàn có xe tăng, thiết giáp và máy bay yểm trợ. Trong khi đó, lực lượng nguỵ kéo tàu chiến ở Bến Kéo (Gò Dầu) lên án ngữ trên một đoạn sông Vàm Cỏ Đông hình thành thế trận bao vây căn cứ Ninh Điền, bịt kín đường rút lui của lực lượng ta về phía Tây sông Vàm Cỏ.

Trong trận đánh này, sau nhiều đợt xung phong, lính Mỹ chiếm được một đoạn chiến hào phía Nam, chiến sĩ ta dũng mãnh lao vào quân địch đánh xáp lá cà. Những cuộc đấu bằng dao găm, bằng lê và cả bằng xẻng diễn ra rất ác liệt. Có chiến sĩ hy sinh khi vẫn còn nắm chặt xẻng trong tay.

Một chiếc xe tăng M41 của địch từ phía Bắc trận địa lao tới, xích sắt vừa chạm giao thông hào đã bị quân ta ném thủ pháo, bốc cháy dữ dội, địch hoảng sợ lùi ra, quân ta chiếm lại được đoạn chiến hào, giữ vững trận địa. Đến 15 giờ cùng ngày, sau khi lấy xác và gom những tên bị thương, quân Mỹ rút ra một trảng trống gần đó và cho trực thăng đưa về Trảng Lớn.

Sau trận càn vào căn cứ Ninh Điền, Gò Nổi bị thất bại, lính Mỹ không còn nghênh ngang ra khỏi căn cứ Trảng Lớn như lúc chúng mới đổ quân chiếm đóng. Mỗi lần “nống ra” đều bị lực lượng du kích bắn tỉa. Ngày nào cũng có lính Mỹ chết, bị thương buộc chúng phải co lại trong căn cứ, mức độ càn quét, đánh phá hành lang biên giới thưa dần.

Điều này tạo điều kiện cho ta huy động lực lượng hậu cần, kỹ thuật thu mua vận chuyển lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác đưa vào căn cứ Bắc Tây Ninh, tích luỹ tiềm lực, góp phần phục vụ các lực lượng chủ lực của ta và tự vệ các cơ quan Trung ương Cục, Quân uỷ, Bộ chỉ huy Miền đánh bại âm mưu leo thang chiến tranh của Mỹ trong cuộc phản công chiến lược mùa khô 1966 - 1967 mà đỉnh cao là cuộc càn Junction City của Mỹ, đánh vào căn cứ Bắc Tây Ninh.

Đến năm 1972, Mỹ rút dần quân khỏi căn cứ Trảng Lớn và giao lại cho nguỵ. Với 2.250 ngày tại vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn, quân dân Tây Ninh đã thực hiện 3.825 trận đánh Mỹ-nguỵ và bình định. Những thắng lợi lớn trên Vành đai Trảng Lớn đã góp phần cùng cả nước làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ.

Không chỉ ở Trảng Lớn, trên khắp chiến trường miền Nam, nhờ có thế trận “Vành đai diệt Mỹ” mà lực lượng vũ trang giải phóng đã thực hiện được hàng ngàn trận đánh vào căn cứ Mỹ- nguỵ, trong đó trận đánh vào căn cứ Đồng Dù (ngày 26.7.1966), căn cứ Biên Hoà (ngày 28.10.1966), căn cứ An Khê và sân bay Pleiku (ngày 29.2 và 24.4.1966), căn cứ Chu Lai (ngày 20.2 và 3.3.1966), sân bay Đà Nẵng (ngày 24.1.1966)…

Cách đánh hiểm, hiệu quả của quân và dân ta tại vành đai diệt Mỹ là một trong những cơ sở quan trọng để hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 12.1965) hạ quyết tâm kiềm chế và đánh thắng Mỹ trên chiến trường, khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định sức mạnh của chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân Việt Nam có thể đánh thắng chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.

HY UYÊN

 (Bài viết có sử dụng tư liệu của Bảo tàng Tây Ninh và thượng tá Hà Duy Cường)

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục