BAOTAYNINH.VN trên Google News

10 sự kiện đối ngoại nổi bật của Việt Nam trong năm 2018 

Cập nhật ngày: 26/12/2018 - 13:34

Việt Nam khép lại 2018 với nhiều sự kiện, dấu ấn chính trị, ngoại giao và kinh tế-xã hội thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế.

Sau đây là 10 sự kiện đối ngoại nổi bật do Thông tấn xã Việt Nam bình chọn:

1. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ chức Chủ tịch nước

Ngày 23-10-2018, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021, với 99,79% phiếu.

Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 8, 100% ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã nhất trí đề cử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước, thể hiện sự đồng thuận tuyệt đối trong ý Đảng và lòng dân. Đông đảo các nhà lãnh đạo thế giới đã gửi điện mừng, trong khi báo chí quốc tế cũng dành nhiều thời lượng đưa tin về sự kiện này.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

2. Việt Nam phê chuẩn Hiệp định CPTPP

Ngày 12-11-2018, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sẽ có hiệu lực từ 1-1-2019. Đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao và khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay.

Ước tính, CPTPP sẽ tạo nên một thị trường gần 500 triệu người tiêu dùng, với quy mô kinh tế hơn 13.000 tỷ USD, chiếm 13% GDP toàn cầu và khoảng 14% tổng thương mại thế giới.

Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn CPTPP.

3. Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF-ASEAN) 2018

Nhiều nguyên thủ quốc gia ASEAN, lãnh đạo cấp cao các nước đối tác cùng 1.000 đại diện của các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp ASEAN và quốc tế đã tham gia WEF-ASEAN 2018 diễn ra tại Hà Nội vào tháng 9, với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.”

Theo thống kê, có gần 8.000 bài viết về sự kiện này, khoảng 7 triệu lượt người tương tác trên mạng xã hội và 90.000 lượt người xem trực tuyến trên trang của WEF. Chủ tịch sáng lập WEF Klaus Schwab đánh giá đây là diễn đàn thành công nhất trong 27 năm tổ chức diễn đàn WEF về khu vực ASEAN và Đông Á.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch sáng lập WEF Klaus Schwab (thứ năm, từ phải sang) và các trưởng đoàn tham dự Phiên khai mạc hội nghị chụp ảnh chung. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

4. Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26)

APPF-26 diễn ra vào tháng Một tại Hà Nội, với sự tham gia của 22 đoàn nghị viện và hơn 300 khách mời, là điểm nhấn trong công tác đối ngoại của Quốc hội khóa XIV. Hội nghị đã xác định tầm nhìn mới của APPF sau một phần tư thế kỷ hình thành và phát triển, kiên trì thực hiện mục tiêu chung, góp phần thúc đẩy hợp tác và đối thoại vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực với hơn 4,5 tỷ dân.

APPF-26 truyền tải mạnh mẽ thông điệp và hình ảnh của nước Việt Nam đổi mới, năng động, tích cực và trách nhiệm tới bạn bè quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch APPF-26 chụp ảnh chung với các đại biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

5. Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL)

Trong khuôn khổ khóa họp lần thứ 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc, với số phiếu 157/193, Việt Nam được bầu làm thành viên của UNCITRAL nhiệm kỳ 2019-2025. Sự kiện này thể hiện uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, trong đó có những đóng góp tích cực, đầy trách nhiệm vào lĩnh vực luật thương mại quốc tế.

Những thành tựu của công cuộc Đổi mới, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại của Việt Nam cũng đã được các nước thừa nhận thông qua kết quả bầu chọn này. Là thành viên của UNCITRAL, Việt Nam sẽ có cơ hội tăng cường tham khảo, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế để hoàn hiện khuôn khổ pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, vì mục tiêu phát triển bền vững.

Toàn cảnh khóa họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

6. Thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS-6) và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 10 (CLV-10)

GMS-6 và CLV-10 diễn ra vào cuối tháng 3 tại Hà Nội, với sự tham dự của hơn 2.000 đại biểu và 200 tập đoàn, doanh nghiệp. GMS-6 đã thông qua ba văn kiện quan trọng gồm Tuyên bố chung, Kế hoạch hành động Hà Nội và Khung Đầu tư khu vực tới năm 2022 với hơn 220 chương trình, dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật có tổng trị giá 66 tỷ USD.

Trong khi đó, tại CLV-10, Thủ tướng ba nước Campuchia, Lào, Việt Nam đã rà soát về tình hình triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam đến năm 2020 và ra Tuyên bố chung.

Ba Thủ tướng Campuchia-Lào-Việt Nam thể hiện tinh thần đoàn kết và hợp tác ba nước sau khi ký kết Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao hợp tác Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 10 (CLV-10) . (Ảnh: TTXVN)

7. Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư nước ngoài

Năm 2018, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt hơn 30 tỷ USD, trong đó vốn giải ngân đạt khoảng 18 tỷ USD. Tạp chí Forbes của Mỹ mới đây nhận định Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư nóng nhất châu Á, trong khi một khảo sát của PWC thực hiện trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2018 cho thấy Việt Nam giữ vị trí hàng đầu năm thứ hai liên tiếp trong số những điểm đến dự kiến thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất trong khu vực APEC.

Sau 30 năm mở cửa thu hút FDI, khu vực đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Tính đến tháng 11-2018, cả nước có khoảng 27.000 dự án đầu tư đến từ 128 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký gần 340 tỷ USD và tổng vốn thực hiện khoảng 188,8 tỷ USD.

Lắp ráp điện thoại di động tại Tổ hợp công nghệ cao Samsung, Khu công nghiệp Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: TTXVN)

8. Việt Nam đón lượng khách quốc tế kỷ lục

Năm 2018, Việt Nam ước đón 15,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, cao nhất từ trước đến nay và gấp 3 lần so với năm 2010. Đây thực sự là thành tích vượt trội, ghi đậm dấu ấn, đầy nỗ lực của toàn ngành du lịch với sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, các hoạt động xúc tiến, quảng bá được tăng cường hiệu quả ở trong và ngoài nước.

Du lịch Việt Nam cũng nhận được nhiều giải thưởng quốc tế danh giá, uy tín trong đó lần đầu tiên được trao tặng giải thưởng “Điểm đến du lịch hàng đầu khu vực châu Á” của World Travel Awards và giải thưởng “Điểm đến golf hàng đầu châu Á” do Golf World Travel Awards trao tặng. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp lữ hành, khu nghỉ dưỡng, hãng hàng không của Việt Nam cũng được quốc tế trao tặng nhiều danh hiệu danh giá.

Vị khách quốc tế thứ 15 triệu đến Việt Nam ngày 19-12-2018 là ông James Kopenec, mang quốc tịch Mỹ, cùng vợ là bà Hermine Kopenec. (Ảnh: Trung Nguyên/TTXVN)

9. Bệnh viện dã chiến đầu tiên của Việt Nam tham gia Lực lượng giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc

Ngày 1-10, 63 thành viên Bệnh viện dã chiến của Việt Nam lên đường thực thi nhiệm vụ tại Nam Sudan. Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai một đơn vị độc lập tham gia vào các hoạt động của Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Trước đó, Việt Nam đã cử 29 lượt sỹ quan đi thực hiện nhiệm vụ tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan, thể hiện sự chủ động và trách nhiệm của Việt Nam trong các hoạt động quốc tế.

Các bác sỹ quân y Việt Nam tại sân bay quốc tế Juba, bắt đầu thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan. (Ảnh: TTXVN)

10. Việt Nam thăng hạng trên bản đồ nhan sắc trên thế giới

2018 là năm người đẹp Việt Nam đạt được nhiều thành tích bất ngờ: H'Hen Niê xuất sắc lọt vào tốp 5 Hoa hậu Hoàn vũ thế giới (Miss Universe) và Nguyễn Phương Khánh đăng quang Hoa hậu Trái đất (Miss Earth).

Theo bình chọn của trang Missosology, năm nay Việt Nam thăng hạng từ vị trí 65 lên 56 nhờ thành tích của H'Hen Niê và Nguyễn Phương Khánh, cũng như Tiểu Vy ở Miss World (top 30) và Minh Tú ở Miss Supranational (top 10).

Đặc biệt trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới, H'Hen Niê đã nhận được sự ngưỡng mộ của đông đảo công chúng trên thế giới bởi câu chuyện vượt khó để tìm đến thành công của cô gái dân tộc Ê Đê. Trên các trang mạng xã hội, những bài viết về đại diện Việt Nam nhận được sự tương tác rất tích cực từ cộng đồng yêu sắc đẹp.

Người đẹp H Hen Niê xuất sắc lọt vào tốp 5 Miss Universe 2018. H Hen Niê cao 1,72m với số đo ba vòng 84-60-93cm. (Nguồn: Ban tổ chức Miss Universe 2018)

Nguồn Vietnam+


 
Liên kết hữu ích