Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
10 sự kiện thế giới nổi bật nhất năm 2009
Thứ sáu: 12:02 ngày 01/01/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - 10 sự kiện thời sự nổi bật trong năm 2009 vừa qua được các hãng truyền thông và thông tấn trên thế giới bình chọn.

10 sự kiện thời sự nổi bật trong năm 2009 vừa qua được các hãng truyền thông và thông tấn trên thế giới bình chọn.

1. Hải quân quốc tế hợp sức đánh hải tặc Somalia

Tàu khu trục Nivose của hải quân Pháp mang 11 tên cướp biển, cặp cảng Mombasa ngày 22.4.2009, giao cho chính phủ Kenya xét xử.

Nạn cướp bóc lan tràn khắp vùng biển ngoài khơi Somalia trong năm 2009 với gần 40 tàu biển bị cướp cùng 500 thuỷ thủ bị bắt làm con tin. Lực lượng hải quân từ Nga, Ấn Độ, Liên minh châu Âu và Tổ chức Hàng hải quốc tế đã họp tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc trong hai ngày 6- 7.11 để bàn về việc hợp tác trong nỗ lực bảo vệ tàu biển khỏi hải tặc Somalia. 

Bất chấp sự có mặt của hàng chục tàu chiến, các vụ tấn công trên biển vẫn không hề thuyên giảm. Những tên cướp biển được vũ trang tận răng ở Somalia vẫn tiếp tục khủng bố các tuyến đường thuỷ ở Ấn Độ Dương và vịnh Aden, tuyến nối châu Âu và châu Á thông qua biển Đỏ. Những khoản tiền chuộc hàng chục triệu USD mà những tên hải tặc thu được từ các chủ tàu đã trở thành món lợi béo bở khiến chúng càng gia tăng các vụ tấn công hơn.

2. Obama lên nắm quyền, đưa nước Mỹ bước vào kỷ nguyên của sự thay đổi

Ông Barack Obama phát biểu nhậm chức Tổng thống tại đồi Capital, Washington D.C, ngày 20.1.2009

Vào ngày 20.1, lãnh đạo Dân chủ Barack Obama đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 44 của Mỹ và trở thành Tổng thống Mỹ gốc Phi đầu tiên trong lịch sử nước này.

Trong bài diễn văn tại Prague hồi tháng 4, Ông Obama đã kêu gọi vì “một thế giới không có vũ khí hạt nhân”; ông theo đuổi “một khởi đầu mới” trong mối quan hệ với thế giới Hồi giáo khi đến thủ đô Cairo hồi tháng 6, và cố thắt chặt mối quan hệ với các nước châu Á như bài phát biểu của ông nhân chuyến công du thủ đô Tokyo hồi tháng 10.

Tổng thống Barack Obama cũng có nhiều thay đổi trong chính sách ngoại giao sau khi ông công khai những chiến lược quân sự mới tại Iraq và Afghanistan, xem xét lại hệ thống lá chắn tên lửa đặt tại châu Âu và nhấn mạnh mối quan tâm của ông đối với châu Á, đặc biệt là Trung Á.

3. Đàm phán 6 bên đình trệ sau vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên

Hội đồng Bảo an LHQ bỏ phiếu thông qua dự thảo Nghị quyết phản đối việc CHDCND Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân ngày 12.6.2009

Vào ngày 30.1, CHDCND Triều Tiên tuyên bố huỷ bỏ tất cả những thoả thuận ngăn chặn đối đầu quân sự và chính trị giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên.

Ngày 14.4, trong một động thái nhằm phản đối chỉ trích của Liên Hợp Quốc về vụ phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã huỷ bỏ cuộc đàm phán 6 bên về việc phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên.

Ngày 12.6, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt một nghị quyết trừng phạt, mà cho phép mở rộng cấm vận chống lại CHDCND Triều Tiên, sau vụ thử hạt nhân hồi tháng 5 và một loạt vụ thử tên lửa tầm ngắn hồi tháng 6 của Bình Nhưỡng.

Thế nhưng, đến cuối tháng 8, Bình Nhưỡng lại tiếp tục “châm dầu vào lửa” khi tuyên bố trong một lá thư gửi đến Chủ tịch HĐBA LHQ nói rằng “hoạt động tái chế nhiên liệu thô đã qua sử dụng của Bình Nhưỡng đã đi đến giai đoạn cuối”. Hàn Quốc bày tỏ sự giận dữ trước tuyên bố kể trên của Triều Tiên.

Mặc dù vậy, đến tháng 11, Bộ Ngoại giao Triều Tiên lại kêu gọi đàm phán trực tiếp giữa Bình Nhưỡng và Washington, và đặc biệt nhấn mạnh, nếu như Mỹ từ chối đối thoại trực tiếp, Bình Nhưỡng "sẽ tự đi theo con đường của mình", đồng nghĩa với việc sẽ tiếp tục quá trình làm giàu plutonium chừng nào Washington không chịu ngồi vào bàn đàm phán.

4. Vụ va chạm Vệ tinh Nga-Mỹ kêu gọi có sự quản lý tốt hơn về chuyển động trên vũ trụ

Hình vẽ của Cơ quan vũ trụ châu Âu cho thấy các vật thể bay ở tầng quỹ đạo thấp nhìn từ Xích đạo.

Vào ngày 10.2, một vệ tinh truyền thông thuộc sở hữu của công ty Iridium Satellite LLC của Mỹ đã va chạm với một vệ tinh “chết” Cosmos 2251 của Nga ở độ cao khoảng 790km trên bầu trời Siberia, gây ra một tiếng nổ lớn với nhiều mảnh vụn. Vụ va chạm khiến người ta lo ngại, những mảnh vỡ có thể gây nguy hiểm cho tàu vũ trụ khác.

Đây là lần đầu tiên, hai vệ tinh đụng nhau trong vũ trụ, vốn nêu bật nhu cầu cấp thiết đối với việc quản lý tốt hơn về “giao thông” trong không gian đang ngày càng dày đặc.

5. Xác định lại mối quan hệ Mỹ - Trung

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Đại lễ đường Nhân dân tại thủ đô Bắc Kinh ngày 17.11.2009.

Vào ngày 1.4, Chủ tịch nước Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào đã có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ, Barack Obama bên lề Hội nghị G-20 về khủng hoảng tài chính diễn ra tại London, Anh.

Hai nguyên thủ quốc gia đã thống nhất xây dựng lại mối quan hệ tích cực, hợp tác và toàn diện trong thế kỷ 21 và thiết lập chiến lược Mỹ - Trung cũng như cơ chế Đối thoại kinh tế để hợp tác song phương được sâu sắc hơn.

6. Dịch cúm A/H1N1 hoành hành khắp toàn cầu

Tiêm vaccine phòng cúm A/H1N1 tại Trung Quốc

Được phát hiện đầu tiên ở Mexico vào tháng 4, cúm A/H1N1 đã nhanh chóng lây lan mạnh. Ngày 11.6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nâng mức báo động lên cấp 6, chính thức tuyên bố đại dịch cúm A/H1N1 đã lan rộng khắp toàn cầu.

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, một số quốc gia đã bắt đầu tiến hành chương trình tiêm chủng vaccine phòng cúm A/H1N1 sau khi các nước Australia, Hungary và Mỹ nghiên cứu thành công.

Theo Tổng giám đốc WHO Margaret Chan, mặc dù các nước đã đưa ra nhiều biện pháp phòng chống đối phó với đại dịch cúm A/H1N1, nhưng việc này chưa đủ. Bà Margaret Chan cũng kêu gọi thế giới tiếp tục cảnh giác và theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch cúm A/H1N1 trong vòng từ 6 đến 12 tháng tới. Theo số liệu thống kê mới nhất của WHO, tính đến nay đã có hơn 12.000 người chết vì cúm A/H1N1.

Tại Việt Nam, tính đến 17 giờ ngày 28.12, đã ghi nhận 11.104 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, 53 trường hợp tử vong.

Về vấn đề vaccine, một số phòng xét nghiệm tại Việt Nam đã nhận được mẫu để thử nghiệm lâm sàng và tính an toàn. Vì đây là vaccine hoàn toàn mới, một chủng cúm hoàn toàn mới nên mọi thủ tục phải làm theo đúng quy định như mọi loại vaccine khác.

7. Đảng Dân chủ đối lập Nhật Bản giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội

Lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập Yukio Hatoyama phát biểu trong cuộc họp báo công bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội.

Ngày 30.8, Đảng Dân chủ đối lập tại Nhật Bản (DPJ) đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử quốc hội tại nước này, kết thúc thời kỳ cầm quyền kéo dài hơn nửa thế kỷ của Đảng Dân chủ Tự do (LDP).

DPJ liên minh với các Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và Đảng Tân Dân (PNP) hình thành chính phủ mới vào ngày 16.9, tập trung vào chi tiêu tiêu dùng, giảm lãng phí ngân sách và hạn chế quan liêu.

Về ngoại giao, chính phủ của Thủ tướng Yukio Hatoyama vẫn duy trì vai trò đồng minh với Mỹ nhưng dựa trên cơ sở “bình đẳng”, kêu gọi thành lập “Cộng đồng Đông Á”, tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực 

Tuy nhiên Thủ tướng Yukio Hatoyama đối mặt với khá nhiều khó khăn, trong đó có việc kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp, tình trạng dân số già đi khiến chi phí an sinh xã hội ngày càng tăng.

8. Kinh tế thế giới từng bước thoát khỏi khủng hoảng:

Khói bốc lên từ một nhà máy ở khu công nghiệp tại Tokyo. Nền công nghiệp Nhật Bản bắt đầu phục hồi, giá trị sản xuất công nghiệp tăng liên tiếp trong 9 tháng đầu năm 2009

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, bắt nguồn từ sự sụp đổ của hệ thống cho vay thứ cấp ở Mỹ, đang dần bị đẩy lùi. Các nước giàu ở phương Tây đã thoát khỏi suy thoái từ mùa Hè, hoạt động kinh tế tốt hơn và dần đạt đến mức trước khi Ngân hàng Mỹ Lehman Brothers sụp đổ. Thương mại thế giới cũng đã phục hồi, thị trường chứng khoán tăng hơn 60% so với mùa Đông vừa qua, các ngân hàng đã cho vay trở lại với lãi suất hợp lý hơn. Đó là những tín hiệu đáng phấn khởi. Năm tới được các nhà phân tích nhận định là năm kinh tế phát triển mạnh hơn trong lúc chờ đợi sự phục hồi thật sự. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã gia tăng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2010 từ 2,5% lên 3,1%.

9. Hiệp ước Lisbon có hiệu lực tháng 12.2009, chấm dứt 8 năm ròng tranh cãi liên quan đến quá trình thể chế hoá EU với 27 thành viên:

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso tại buổi lễ đánh dấu sự kiện Hiệp ước Lisbon bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1.12.2009

Đây là sự kiện đầy ý nghĩa vì Hiệp ước Lisbon bị thất bại có thể đẩy EU rơi vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử. Ngày 3.11, Tổng thống Czech Vaslav Klaus trở thành nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên minh Châu Âu (EU) ký thành luật văn kiện cải cách mang tính bước ngoặt này. EU đã bầu Chủ tịch và Ngoại trưởng đầu tiên của khối theo hiến pháp mới.

10. Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu tại Copenhagen không đạt kết quả mong đợi:

Ông Yvo de Boer - Giám đốc cơ quan khí hậu Liên Hiệp Quốc – tự bịt mắt mình trong cuộc họp báo vào ngày kết thúc Hội nghị Copenhagen.

Hội nghị ở Copenhagen (Đan Mạch) – hội nghị về khí hậu lớn nhất trong lịch sử, đã kết thúc ngày 18.12 mà không đạt được thoả thuận mới để thay thế Nghị định thư Kyoto, hết hạn vào năm 2012.

Kết thúc các phiên họp căng thẳng với sự tham dự của hơn 15.000 đại biểu từ 193 nước và sau đó là hơn 100 nguyên thủ quốc gia, tuyên bố mang tính chính trị đưa ra tại phiên cuối cùng được đánh giá là chưa đủ, nhưng rõ ràng mang nhiều ý nghĩa khi thay đổi nhận thức của con người về hậu quả nghiêm trọng của tình  trạng biến đổi khí hậu trên thế giới.  

Tuyên bố đề ra mục tiêu chung dài hạn cho 193 quốc gia là  hạn chế mức tăng nhiệt độ trái đất tối đa là 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Bản tuyên bố cũng dự trù trợ giúp các nước đang phát triển trước mắt mỗi năm 30 tỷ USD trong ba năm 2010 đến 2012, rồi sau đó nâng lên thành 100 tỷ USD mỗi năm từ đó đến năm 2020. Đây không phải là thoả thuận mang tính ràng buộc về mặt pháp lý.

THUÝ TRINH – Đ.H.T

(tổng hợp)

Từ khóa:
data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục