Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
110 năm ngày Bác Hồ rời Bến Nhà Rồng: “Tìm đường đi cho dân tộc theo đi”
Thứ bảy: 07:35 ngày 05/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hôm nay, tròn 110 năm người thanh niên Nguyễn Tất Thành, sau khi chia tay người cha bên bờ biển Phan Thiết, xuống tàu, rời bến Nhà Rồng để “tìm đường đi cho dân tộc theo đi”.

Nguyễn Ái Quốc tại Ðại hội toàn quốc lần thứ XVIII Ðảng Xã hội Pháp năm 1920.

Ngày này cách nay đúng 110 năm, ngày 5.6.1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng trên con tàu Ðô đốc Latouche-Tréville, hướng tới nước Pháp- quốc gia đang chiếm Ðông Dương, trong đó có Việt Nam, làm thuộc địa. Cuộc hành trình “ba mươi năm ấy chân không nghỉ/ mà đến bây giờ mới tới nơi” - mùa xuân 1941, vị lãnh tụ về nước, trực tiếp lãnh đạo toàn dân đứng lên đánh đổ ách chiếm đóng của chủ nghĩa thực dân, khai sinh nước Việt Nam mới.

Tháng 4.2017, VTV1, sau đó là VTV4 (kênh truyền hình đối ngoại của Ðài Truyền hình Việt Nam) phát sóng bộ phim tài liệu dài gần 60 phút có tiêu đề “Nguyễn Ái Quốc - ẩn số từ nước Pháp”. Ðây là bộ phim tài liệu vô cùng đặc biệt, xét về phương diện nội dung cũng như nghiệp vụ của đoàn làm phim thuộc VTV.

Có thể nói ngay rằng, nội dung bộ phim ghi lại một cách chân thực, khách quan, giàu sức thuyết phục về vị lãnh tụ của dân tộc. Nhấn mạnh điều này để thấy, phim tài liệu - một thể loại báo chí thuyết phục người xem bằng sự kiện, bằng gần mười ngàn trang hồ sơ lần đầu được công bố và bằng những đánh giá khách quan của các nhà nghiên cứu. Việc ca ngợi một cách chung chung, công thức, sáo mòn... không xuất hiện trong bộ phim tài liệu đặc biệt này.

Nội dung chính của bộ phim thể hiện, sau một hành trình dài, người thanh niên yêu nước đặt chân lên nước Pháp. Lúc này, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất vừa kết thúc, bên chiến thắng nhóm họp tại nước Pháp để phân chia lại thế giới theo ý đồ của bên thắng trận.

Ngày 18.6.1919 một bài báo được viết bởi một người An Nam xuất hiện trên tờ L’Humanité (Nhân đạo) của chính nước Pháp. Bài báo và sau đó là “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” được gửi tới hội nghị của các cường quốc đã gây chú ý không chỉ cho chính giới Pháp mà còn cho nhiều người gốc Việt đang sinh sống tại nước này.

Nhìn nhận sự kiện này, các nhà sử học (của phương Tây), giới nghiên cứu chính trị quốc tế thống nhất cao một nhận định rằng, đây là lần đầu tiên, các quyền cơ bản của dân tộc Việt Nam (đất nước đang bị nước Pháp chiếm đóng) được công bố một cách công khai, hợp pháp trước toàn thế giới.

Trong phim, một số nhà sử học người Pháp phát biểu với đoàn làm phim của VTV rằng, nội dung bản yêu sách do người thanh niên An Nam gửi đến hội nghị hoàn toàn có tính chất ôn hoà và đây được coi là bản tuyên ngôn chính trị đầu tiên của Việt Nam gửi đến quốc tế.

Sau khi bản yêu sách được phát đi một cách rộng rãi, nhà cầm quyền Pháp bắt đầu đặt câu hỏi: Nguyễn Ái Quốc là ai? Ðể trả lời câu hỏi này, chính phủ Pháp ra lệnh cho cảnh sát truy tìm tác giả để xác định nhân thân người thanh niên này.

“Người thanh niên An Nam này cao một mét sáu hai, hai mươi tám tuổi, ngày càng có tiếng nói trong các cuộc họp”- Cảnh sát Pháp báo cáo. Bốn tháng kể từ khi bản yêu sách được công bố bởi người thanh niên, Bộ Thuộc địa Pháp báo cáo với chính phủ nước này về những biểu hiện khác thường của những người An Nam đang sống tại Pháp. Theo nhận định này, người An Nam ở Pháp và Ðông Dương có ý định lật đổ sự chiếm đóng của nước Pháp ở Ðông Dương để giành độc lập.

Trong thời gian từ 1919-1923, nhất cử nhất động của Nguyễn Ái Quốc đều được giám sát chặt, lập thành bộ tài liệu dài hơn một nghìn trang, chỉ trong thời gian bốn năm. Tại nước Pháp, một nhà báo người Mỹ phỏng vấn người thanh niên An Nam: “Vì sao ông tới nước Pháp?- Ðể đòi những quyền tự do mà chúng tôi phải được hưởng. Chương trình của ông là gì?- Luôn tiến về phía trước, tuỳ theo sức mạnh của chúng tôi”.

Trong phim có một chi tiết đáng chú ý, có lẽ chưa nhiều người biết, đó là vào thời gian này, người đứng đầu Bộ Thuộc địa Pháp Albert Sarrault áp dụng một chính sách vô cùng tinh vi, khéo léo nhằm làm phân hoá những người An Nam yêu nước.

Một mặt, cho bộ máy tại xứ sở thuộc địa đàn áp thẳng tay những người yêu nước, có ý định đòi độc lập, mặt khác, ông ta trực tiếp thẩm vấn, làm việc với những người mà ông ta cho là “nguy hiểm” để mua chuộc.

Nói là làm, ông ta mời người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đến gặp mình để thẩm vấn. Hồ sơ còn luư trữ thể hiện, trong thời gian từ 1919-1923, giữa hai người có bốn cuộc gặp, nội dung những cuộc gặp này đều được cơ quan tình báo Pháp ghi chép tỉ mỉ.

Trong một cuộc gặp, ông Bộ trưởng hỏi người thanh niên An Nam: “Chúng tôi có thể giúp đỡ được điều gì cho ông?”. “Thưa ông bộ trưởng, xin ông hãy xem, nước Xiêm và nước Nhật, hai nước này không có nền văn minh lâu đời hơn nước chúng tôi mà họ đã được đứng trong số các quốc gia độc lập.

Nếu nước Pháp trả lại độc lập cho chúng tôi, ông sẽ thấy là chúng tôi biết tự cầm quyền”. “Tôi chưa thể cho Ðông Dương độc lập được”- vị quan lớn của nước Pháp trả lời. Theo các nhà sử học Pháp, ông bộ trưởng của nước này thành công trong việc lôi kéo nhiều người gốc An Nam nhưng trước Nguyễn Ái Quốc, ông ta không thành công, “người thanh niên này từ chối một căn hộ sang trọng của chính phủ Pháp, chấp nhận ở trong một phòng trọ bình dân”.

Phần cuối bộ phim có phân cảnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại nước Pháp, mùa hè năm 1946, để tìm kiếm nền hoà bình, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ðoạn phim cho thấy, trả lời phỏng vấn báo chí phương Tây, vị lãnh tụ của nước Việt Nam mới khẳng định: “Cả cuộc đời tôi chiến đấu chống lại chủ nghĩa thực dân Pháp nhưng tôi luôn ngưỡng mộ và yêu mến nhân dân Pháp. Tôi mong rằng mối quan hệ giữa hai nước được xây dựng trên cơ sở thuỷ chung, hữu nghị và tôn trọng tự do. Tôi chắc chắn rằng, chúng ta sẽ đạt được cái đích đó”.

Thẻ căn cước của Nguyễn Ái Quốc thu thập được tại Trung tâm lưu trữ Sở Cảnh sát Pháp.

Ngày 1.6, trả lời phỏng vấn Báo Quân đội Nhân dân về ý nghĩa lịch sử của việc Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước ngày 5.6.1911, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vladimir Nikolaevich Kolotov- Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh thuộc Ðại học Tổng hợp Quốc gia Saint-Petersburg (Liên bang Nga) nói, nguyên văn: “Tôi cho rằng, đây là một trong những thời điểm mang tính bước ngoặt quan trọng nhất trong lịch sử lâu đời của Việt Nam.

Giới tinh hoa Việt Nam lúc đó cho thấy sự suy đồi và không có khả năng bảo vệ lợi ích dân tộc trong điều kiện tình hình mới. Chế độ thuộc địa thì phát triển hưng thịnh, còn giới trí thức yêu nước thì không hẳn trong tình trạng bế tắc về tư tưởng, mà đúng hơn là bế tắc về lý luận. Ðiều này đã kìm hãm hoàn toàn bất kỳ khả năng nào có thể xây dựng một chiến lược thực chất để tiến hành công cuộc kháng chiến có tổ chức.

Lúc đó, một số người cho rằng, chế độ thuộc địa phải tự nó phát triển đất nước Việt Nam, còn số khác thì tin rằng, Nhật Bản sẽ giải phóng Việt Nam. Khi tư tưởng kháng chiến được xây dựng dựa trên những mâu thuẫn về mặt lý luận, thì không thể có hy vọng nào cho chiến thắng.

Trong bối cảnh như vậy, việc ra đi tìm đường cứu nước là lối thoát đúng đắn duy nhất mang tính chiến lược. Chỉ ngạc nhiên rằng, một chàng trai trẻ trong thời điểm đó lại có thể ra một quyết định rất đỗi đúng đắn. Bởi, để hiểu được bản chất cơ bản của chế độ và xác định được phương hướng cải biến chế độ thực dân phong kiến, thì cần phải vượt ra ngoài khuôn khổ của nó.

Chính người thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành đã làm được điều đó, đã vượt ra ngoài khuôn khổ của chế độ, tìm ra phương pháp chính trị và khoa học hiện đại để cải biến chế độ, rồi trở về nước sau 30 năm hoạt động để lãnh đạo cách mạng giành độc lập cho Tổ quốc”.

Hôm nay, tròn 110 năm người thanh niên Nguyễn Tất Thành, sau khi chia tay người cha bên bờ biển Phan Thiết, xuống tàu, rời bến Nhà Rồng để “tìm đường đi cho dân tộc theo đi”. Bốn mươi bốn năm (1911-1945), Người đã hai lần bị bắt giam, một lần bị toà án của chính quyền thực dân trên chính quê hương mình tuyên án tử hình vắng mặt. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chúng tôi yêu nước Pháp nhưng chúng tôi không muốn làm nô lệ”.

Việt Ðông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục