BAOTAYNINH.VN trên Google News

13 năm bám trụ, sống và chiến đấu trên sườn núi 

Cập nhật ngày: 14/03/2024 - 05:03

BTNO - Đó là cựu chiến binh Vũ Trần Tắc (tên khác là Trần Lê), quê ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre (hiện ngụ xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh). Ít ai ngờ, ông là một trong những người bám trụ sườn núi Bà Đen, đã có 4.806 ngày đêm sống, chiến đấu trên đó.

Ông Trần Lê kể về hoạt động của Liên đội 7 trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Lấy hang đá làm nhà

Năm nay đã 92 tuổi, ông Lê vẫn rất khoẻ mạnh, trí nhớ minh mẫn. Ông Lê nhớ lại, đầu năm 1962, Trung ương Cục miền Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam từ chiến khu D (Đồng Nai) chuyển về Tây Ninh. Lúc đó, Đại tướng Lê Đức Anh (biệt danh Sáu Nam)- Tham mưu trưởng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, sau này là Chủ tịch nước, xác định ở miền Đông Nam bộ có núi Bà Đen cao nhất, có nhiều lợi thế về quân sự.

Từ trên đỉnh núi có thể quan sát được mọi hoạt động ở khu vực phía Tây bắc Sài Gòn và Căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở Tây Ninh. Vì thế, ông Lê Đức Anh ra lệnh Phòng Quân báo (thuộc Bộ Chỉ huy miền Nam) thành lập chốt trinh sát ở núi Bà Đen.

Ngày 20.2.1962, Phòng Quân báo thành lập Đội trinh sát với quân số 14 người, lấy phiên hiệu A14, do ông Trần Lê làm Chính trị viên. “Chúng tôi được giao nhiệm vụ lập đài quan sát theo dõi mọi diễn biến hoạt động của địch đánh vào căn cứ của Miền, chiến đấu chặn bước tiến của địch. Tổ chức mạng lưới Quân báo nhân dân để nắm tình hình của địch khu vực thị xã Tây Ninh và vùng phụ cận.

Chuẩn bị đạn dược, lương thực, thực phẩm, thuốc men để chiến đấu và công tác lâu dài. Khi địch đánh hoặc bị bao vây có thể đánh trả, cầm cự tối thiểu được từ một đến hai tháng. Bám trụ địa bàn, không có lệnh không được tự động rút lui”- ông Lê nhớ lại.

Các Cựu chiến binh về thăm Căn cứ Liên đội 7.

Ông Lê kể tiếp, sau khi thành lập, Đội trinh sát đến khu vực yên ngựa ở núi Phụng (thuộc quần thể núi Bà Đen) xây dựng căn cứ. Mỗi người tự tạo cho mình một cái hang để ở, dự trữ lương thực, thực phẩm. Hầu hết những hang động này đều thông với nhau để anh em hỗ trợ khi chiến đấu. Cán bộ, chiến sĩ lấy tấm nylon trải trên đá làm giường và che chắn bên trên để tránh mưa.

Lương thực, thực phầm thiếu thốn. Có thời điểm bị quân địch bao vây suốt 2 tháng, chiến sĩ phải ở trần bò xuống suối dưới chân núi bắt cá, hái rau xà lách xoong làm thức ăn. Những lúc rảnh thì đi vào hang động bắt dơi, thằn lằn núi, ốc núi sống cầm cự.

Đội trinh sát còn nhờ vào sự giúp đỡ của người dân địa phương. Khi đi làm đồng, mỗi người đem theo một lon gạo để nấu cơm, nhưng bà con chỉ nấu nửa lon, số gạo còn lại đổ vào hủ, giấu trong ruộng rồi báo chiến sĩ trong Đội biết. Khi đơn vị đến làm công tác dân vận ở các xã Phan, Suối Đá (huyện Dương Minh Châu), bà con cho cá khô và muối đem về để dành ăn.  

Lạp nhiều chiến công hiển hách

Theo tài liệu còn lưu trữ, tháng 1.1964, A14 được tăng cường thêm 2 tiểu đội, đổi phiên hiệu là C14. Tháng 3.1969, C14 được tăng cường thêm 1 trung đội, đổi tên là Liên đội 7. Thời điểm đó, Liên đội 7 hoạt động rất mạnh, các hoạt động quân sự của địch như di chuyển bộ binh, xe tăng, xe quân sự, trọng pháo đều bị phát hiện.

Vì thế, Mỹ, nguỵ quyết tâm tiêu diệt căn cứ này bằng mọi giá. Chúng tổ chức nhiều trận đánh lên quần thể núi Bà Đen hòng tiêu diệt Liên đội 7 và các tổ chức cách mạng. Cán bộ, chiến sĩ Liên đội 7 trải qua nhiều trận chiến đấu ác liệt, trong đó có trận diễn ra suốt 3 ngày liền, từ ngày 7 - 9.3.1970.

Địch sử dụng Lữ đoàn 196 bộ binh Mỹ, Tiểu đoàn biệt kích dù và lực lượng thuộc Trung đoàn thiết giáp Mỹ; đồng thời sử dụng 5 cụm pháo từ Dầu Tiếng, Trảng Lớn, dốc Ông Tà, Bàu Cỏ, Khedol bắn yểm trợ từ xa, dùng máy bay B52 ném bom, rải chất độc hoá học.

Các cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên thắp hương tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ Liên đội 7 đã hy sinh.

Về phía Liên đội 7, xác định trận này có tính chất một mất một còn, quân ta phải kiên quyết bám trận địa, chiến đấu đến cùng, giữ vững truyền thống quyết chiến quyết thắng của đơn vị. Đơn vị đề ra nhiều tình huống, phương án tác chiến, chuẩn bị chu đáo mọi mặt kể cả dùng khăn vải thấm nước tiểu đề phòng hơi ngạt và chất độc hoá học.

Rạng sáng ngày 7.3.1970, 12 lượt máy bay B52 của địch thả hàng ngàn tấn bom làm rung chuyển các hang đá. Tiếp theo là pháo các loại liên tục bắn vào căn cứ. Sau đó, máy bay rải chất độc hoá học bao trùm cả vùng núi. Máy bay trực thăng phóng loa gọi chiêu hồi. 7 giờ cùng ngày, chúng bắt đầu tấn công bằng bộ binh. Khi tốp lính đầu tiên đến sát chân núi, Liên đội 7 bất ngờ nổ súng phản công, hạ gục 1 xe tăng M113 và diệt phần lớn tốp lính đi đầu, buộc chúng lui ra sau tổ chức lại đội hình.

Đợt thứ hai, quân địch tổ chức lực lượng lớn hơn đánh vào sườn phải của đơn vị. Đợi chúng tới gần, quân ta đồng loạt nổ súng. Sau 30 phút chiến đấu, quân ta đã diệt 2 xe tăng M113, bắn rơi 1 trực thăng, đánh thiệt hại nặng Trung đội bộ binh, buộc chúng phải lui ra xa củng cố lại đội hình.

Trong lúc bộ binh Mỹ tấn công ta dưới chân núi, lực lượng biệt kích dù của Mỹ trên đỉnh núi Bà đánh thẳng xuống sườn núi. Vì đã dự kiến tình huống này nên Liên đội 7 phục kích, bẻ gãy mũi tấn công này của địch. Hai ngày sau, địch tiếp tục dùng bom, pháo và bộ binh tấn công mỗi ngày 4- 5 đợt.

Ta vẫn áp dụng chiến thuật đợi địch tới gần mới đánh, nếu địch lui ra xa thì dùng hoả lực bắn diệt, không cho chúng nghỉ xả hơi. Mặt khác, quân ta tích cực bắn máy bay, hạn chế tối đa hỏa lực của địch. Sau 3 ngày chiến đấu, Liên đội 7 hy sinh 2 người, bị thương 2 người nhưng tiêu diệt được 87 tên Mỹ, bắn rơi 3 trực thăng, bắn cháy 3 xe tăng M113, thu 5 súng AR15, 2 súng M79, 12.000 viên đạn, 120 đạn M79, 1 máy quay phim, 3 máy chụp ảnh và nhiều quân trang, mặt nạ phòng độc.

Ông Trần Lê vừa được tặng Huy hiệu 75 tuổi Đảng.

Sau những trận thua này, địch không còn tổ chức tấn công lên sườn núi nữa.

Liên đội 7 tiếp tục nhiệm vụ trinh sát, đồng thời kết hợp với Tiểu đoàn 47 trinh sát anh dũng chiến đấu, giải phóng đỉnh núi Bà Đen. Suốt 13 năm (4.806 ngày đêm), cán bộ, chiến sĩ Liên đội 7 đã đánh hơn 30 trận lớn và vừa; tiêu diệt và làm bị thương 1.941 tên địch, trong đó có 368 tên Mỹ; bắn rơi 8 máy bay trực thăng, phá hủy 56 xe quân sự, thu nhiều vũ khí đạn dược và đồ dùng quân sự. Cán bộ, chiến sĩ Liên đội 7 và các lực lượng cách mạng khác đóng quân trên quần thể núi Bà Đen đã góp phần làm nên Đại thắng 30.4.1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với những chiến công hiển hách nêu trên, Liên đội 7 được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân; Bộ Tư lệnh Miền tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 2, hạng 3 cho 5 cá nhân.

Bia tưởng niệm hơn 40 cán bộ, trinh sát Liên đội 7 đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

Sau ngày miền Nam giải phóng, ông Lê tiếp tục công tác trong quân đội, đến năm 1982, ông nghỉ hưu. Từ năm 1983 - 1985, ông được mời làm cố vấn Bảo tàng tỉnh, sau đó, ông về tham gia công tác Đảng ở xã Thạnh Tân; tham gia Hội Cựu chiến binh thị xã Hòa Thành. Hiện nay, 4 người con của vợ chồng ông đã yên bề gia thất, trong đó có người con trai công tác tại Công an tỉnh. 

Nơi đóng quân chính của Liên đội 7 trên sườn núi Phụng đã được đầu tư xây dựng nhà bia tưởng niệm và trở thành điểm về nguồn của thế hệ trẻ vào những ngày lễ, tết.

Đại Dương