Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
140 năm Ðây Xoài-Biên Giới
Thứ tư: 11:47 ngày 16/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chính là nhờ vào tư liệu của một nhà khảo cổ người Pháp- Henri Parmentier từ năm 1909, mà tôi mới biết cái tên Ðây Xoài có từ 140 năm trước; chính là xã Biên Giới ngày nay.

Trường học xã Biên Giới.

Từ thông tin này, tìm trong Từ điển địa danh hành chính Nam bộ, mới thấy Ðây Xoài là “làng thuộc tổng Khán Xuyên, hạt tham biện Tây Ninh từ 16.8.1877 trên phần đất hữu ngạn sông Vàm Cỏ… Sau 1956 gọi là xã thuộc như cũ (quận Thái Bình, tỉnh Tây Ninh). Ðến 4.3.1958 đổi tên thành xã Phước Lộc” (trang 345).

Thế là 140 năm đã trôi qua từ khi lập làng, tổng. Ðể đến nay, hiện diện một vùng quê thanh bình mang tên Biên Giới này đây. Cũng ra đời ngày ấy, thuộc tổng Khán Xuyên còn có Tà-păng Prosoc- nay là xã Phước Vinh và Tà-păng Robon sau đổi thành xã Phước Tân- nay là Thành Long. Còn Hoà Thạnh bây giờ, lúc đầu có thể là Tà Nốt hay là Praha Miệt? Còn chưa đủ căn cứ để xác định. Chỉ biết thêm theo sách “Truyền thống cách mạng xã Phước Vinh”: “Khoảng tháng 4.1949, tỉnh thành lập huyện Khăng Xuyên (bỏ một dấu sắc, thêm một dấu á) gồm 3 xã, trong đó Phước Vinh là Khăng Xuyên Bắc ở về phía tả ngạn sông Vàm Cỏ. Còn 2 xã Khăng Xuyên Trung và Nam thì ở phía Nam, hữu ngạn của dòng sông, có lẽ ngày nay chính là Biên Giới và Hoà Thạnh. Huyện Khăng Xuyên được coi như huyện căn cứ kháng chiến của Châu Thành thời kháng Pháp”.

Lần trở lại Biên Giới này, tôi không đi ngược lên, mà xuôi xuống để trở về. Nghĩa là từ Phước Vinh, qua bến Băng Dung. Bên kia đã là ấp Rạch Tre của xã Biên Giới. Bên này, con kênh Biên Giới vừa được nạo vét lại, đất bùn xám còn ngổn ngang dọc đường vào ấp Bến Cầu. Giá như đường bờ kênh không quá xấu, có lẽ phải ngược lên ấp Lồ Cồ- nay đã đổi tên là Tân Ðịnh.

Lên! Ðể mà “thưởng thức” những con đường khấp khểnh chỉ cho phép xe bò đi qua. Còn xe máy cứ gắng gượng mà chồm chồm lên, xuống. Có như thế thì nhà thơ Cảnh Trà, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Hoà Thạnh kề bên mới có được những câu thơ khi viết về địa danh Lồ Cồ: “Nghe như vó ngựa trời chiều/ Bước thấp/ Bước cao/ Lật đật/ Trèo leo…”.

Cứ theo vài cây số bờ kênh của ấp Rạch Tre là đủ để chiêm nghiệm câu thơ ấy. Bù lại là không gian thoáng đãng mênh mông. Một bên kênh dài tít tắp, đôi chỗ có cửa nhà thì điểm trang thêm một chiếc cầu cong, kiểu cầu không gian của Cơ khí Nông nghiệp Tây Ninh ngày trước. Dưới cầu, vừa may có một con xuồng máy hăm hở lướt qua, vẽ những dải sóng hồng lan toả.

Thương thế, những mái nhà hiếm gặp ở Rạch Tre, mái tôn chảy thật dốc. Bóng tràm vàng xao xác trước sân. Lại gặp thêm một cây cầu nữa. Ðấy là nơi dòng kênh rẽ ngang hai nhánh thành một chữ T, để trở nên một ngã ba kênh nên thơ. Trên bờ có cửa nhà, có trâu gặm cỏ.

Dưới kênh có vài ba chiếc ghe thuyền cắm sào đợi chủ. Bến Ba Tài có lẽ là đây. Cách nay hơn 10 năm, đường đến xóm Khmer là đường từ ngã ba Xã đội lên bến Ba Tài. Năm ấy, con đường còn đất đỏ, nay là đá nhựa. Ðịa danh Gò Tháp nằm ngay bên tuyến đường này- nơi mà năm 1909, nhà khảo cổ Pháp đã tìm thấy dấu tích của ngôi thờ tên gọi là Ðền Thiêng mà Bảo tàng tỉnh mới lên đưa về những di vật đá còn sót lại. Gò xưa đã mất, chỉ còn lại nương mì xanh tốt. Xa xa là những rặng tre dày sẫm tối, có thể là bờ rạch Nàng Dinh.

Xóm Khmer ngay ở bên đường, nổi bật những ngôi nhà đỏ thắm dưới lênh khênh những hàng cây thốt nốt. Hơn 10 năm trước, còn chưa có ngôi nhà Sa- la, vừa là nơi thờ tự của bà con nơi đây vào những mùa lễ hội cổ truyền. Nay ngôi Sa-la mới xây đỏ óng ba chóp mái nhọn trùm lên, trên 3 gian 5 nhịp nhà lát gạch men bóng loáng. Chung quanh là thôn xóm êm đềm với đa số nhà tường gạch, mái tôn.

Nhà nào cũng có vườn rộng với năm, bảy con trâu, bò thảnh thơi gặm cỏ hoặc nằm dưới cây núp nắng. Không còn tìm đâu ra những nhà vách lá thốt nốt óng vàng màu đồng đỏ như xưa. Theo lối chỉ, phải tìm vào đến xóm trong của bà con Khmer cách xóm ngoài khoảng 2 cây số, mới tìm ra những tấm vách lá cuối cùng của ngôi nhà vừa được dỡ ra chuẩn bị “lên tường”. Ồ! Xóm trong có cả một ngôi nhà gỗ khang trang đã được lên sàn. Nhà hai nóc mái ngói hẳn hoi, và vách và cột kèo cũng ong óng màu gỗ đỏ.

Bánh xe đã lướt êm trên mặt đường, khi gần tới ngã ba rẽ về chợ xã. Ô hay, đường đã thảm bê tông nhựa tự bao giờ, với cả những vạch sơn vàng tươi mới hoặc đã bợt bạt đi trong màu bụi đỏ. Chợ vẫn y như xưa với cái nhà lồng đã ố vàng nâu màu đất. Nhưng liền kề gần bên là những mái ngói nhà dân tươi đỏ như son.

Trường THCS Biên Giới giờ cũng vô cùng sáng sủa khang trang với ba bốn dãy nhà lầu quây hình chữ U, lợp toàn ngói đỏ. Qua một đoạn nữa, có đường rẽ về một ngôi chợ sát đường biên hơn nữa, là chợ Tà Nông, nay đã mang tên Hiệp Bình thuộc về xã Hoà Thạnh. Qua chợ khoảng 3km là chốt biên phòng Ðồn 839, nơi trước mặt bỗng mở ra cả một vùng thiên nhiên kỳ thú. Dòng chính của rạch Nàng Dinh len lỏi chảy giữa những rừng le, rừng chồi xanh ngút ngát. Còn vô số các dòng phụ của đầu nguồn con rạch ôm ấp những hòn cù lao cũng ngời ngời biếc xanh. Phải nhắc đến miền đất này, bởi biết đâu đấy, vùng biên giới gồm các xã hữu ngạn sông Vàm Cỏ Ðông này giờ đã có một con đường thảm bê tông nhựa hẳn hoi, có thể liên kết thành một tuyến “phượt” đầy ắp thiên nhiên thơ mộng. Và cũng là tuyến của các sắc màu văn hoá dân tộc Kinh, Khmer hoà hợp bên nhau. Con đường tuyệt đẹp này đưa ta rời xã Biên Giới về Hoà Thạnh, khi qua cầu Nàng Dinh, nhìn ngắm dòng nước đỏ hồng hào soi bóng lửng lơ những vó lưới vàng ươm vớt nắng, những giề lục bình lững thững trôi. Mặt nhựa bảy mét thôi nhưng cho cảm giác thật hào phóng giữa trời cao đất rộng. Ðiểm trang thêm chỉ một hàng cột điện bê tông thẳng tắp đứng bên đường. Vẫn còn đó thâm nghiêm rừng Hoà Thạnh, nơi từng trụ bám căn cứ huyện uỷ một thời kháng chiến. Ngày nay, đây cũng là nơi đất rừng chỉ có nở thêm ra, do bảo vệ tốt nên rừng tái sinh tự mọc; dù sức ép của nền kinh tế cũng đã đưa những rẫy, vườn cao su và mì áp sát tới rừng cây. Cầu Hoà Bình bắc qua kênh Sóc Hoà Hội, đưa ta về Hoà Hội. Kênh thẳng băng, nước vẫn đỏ miệt mài. Nếu không vội về thì rẽ ngược đường vào ấp Lưu Văn Vẳng viếng di tích căn cứ của bộ đội Si-vô-tha thời kháng Pháp. Còn vội về thì băng qua ấp Bố Lớn mà về Bến Sỏi, Thành Long. Ðến đây mới chấm hết con đường bê tông nhựa phẳng phiu để trở lại với con đường đá nhựa cũ kỹ nối cửa khẩu Phước Tân về thị trấn Châu Thành. Vẫn còn một ấn tượng nữa dọc đường, là nhà máy tinh bột mì Hùng Duy trên địa bàn Hoà Hội. Bên những dãy nhà xưởng xanh lét bằng tôn kia là túi khí phồng căng như một trái đồi. Trước cổng nhà máy đỏ lập loè bông giấy. Và bên hông là vài dãy cau vua, hoàng nam như ở Khu chế xuất Linh Trung III dưới An Tịnh, Trảng Bàng. Nhưng đây là ở miền sinh thái hữu ngạn sông Vàm Cỏ Ðông, nên thấy lạ!

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục