Theo báo cáo, sau khi kết thúc Hội nghị hiệp thương lần thứ 2, tổng số người được lập danh sách ứng cử ĐBQH sơ bộ là 1.146 người. Trong đó, ở Trung ương là 197 người, địa phương là 949 người và có 154 người tự ứng cử…
Ngày 13-4, Hội đồng bầu cử Quốc gia cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, trên 63 tỉnh, thành phố của cả nước đã có tổng số 184 Ban bầu cử đại biểu Quốc hội; 1096 Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; 6.721 Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; 79.988 Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã; 91.221 tổ bầu cử được thành lập.
Việc lập và niêm yết danh sách cử tri cũng đã được Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện đúng theo thời hạn luật định, phân loại cử tri được quyền bầu cử đối với từng cấp đại biểu Hội đồng nhân dân và các trường hợp không được tham gia bỏ phiếu.
Theo báo cáo, sau khi kết thúc Hội nghị hiệp tương lần thứ hai, tổng số ĐBQH được lập danh sách sơ bộ là 1.146 người. Trong đó, ở Trung ương là 197 người, địa phương là 949 người và có 154 người tự ứng cử.
Về cơ cấu của người ứng cử trên cả nước: phụ nữ là 420 người, tỉ lệ 36,65%; người dân tộc thiểu số là 240 người, tỉ lệ 20,94%; người ngoài Đảng là 226 người, tỉ lệ 19,72%; đại biểu Quốc hội khóa XIII tái cử là 187 người, tỉ lệ 16,32%; người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) là 428 người, tỉ lệ 37,35%.
Đối với đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, tổng số đại biểu được bầu theo luật định là 3.919 người. Tổng số người ứng cử sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai thỏa thuận lập danh sách sơ bộ là 7.552 người, tăng 1.317 người so với dự kiến tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ 1.
Cử tri đi bầu cử Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp 2011-2016.
Ở cấp huyện, tổng số đại biểu được bầu theo luật định là 21.949 người. Tổng số người ứng cử sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai thỏa thuận lập danh sách sơ bộ là 47.842 người.
Ở cấp xã, tổng số đại biểu được bầu theo luật định là 263.144 người. Tổng số người ứng cử sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai thỏa thuận lập danh sách sơ bộ là 553.830 người.
Theo đánh giá, ở cả Trung ương và địa phương công tác chuẩn bị bầu cử đã bước vào giai đoạn quan trọng, khẩn trương với việc tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai chuẩn bị nhân sự tham gia ứng cử, tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người tham gia ứng cử, chuẩn bị rà soát danh sách cử tri, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử, kịp thời giải quyết, xử lý và trả lời đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân về những người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp…
Trong giai đoạn này, trong các ngày từ 10-3 đến 18-3, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử quốc gia đã thành lập 6 Đoàn đi giám sát, kiểm tra công tác bầu cử đến làm việc tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Theo dự kiến, đợt 2 sẽ thành lập 8 Đoàn kiểm tra, giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử quốc gia để giám sát, kiểm tra công tác bầu cử ở 23 tỉnh, thành phố trong khoảng thời gian từ 15-4 đến 23-4.
Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung chủ yếu vào việc thành lập Tổ bầu cử để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; việc giải quyết các ý kiến của cử tri nơi cư trú về những người ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Hội nghị Hiệp thương lần thứ 2 lập danh sách sơ bộ; việc tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba và lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; việc lập và niêm yết danh sách cử tri; việc chia khu vực bỏ phiếu; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về công tác bầu cử, về những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm, cơ sở vật chất, kỹ thuật chuẩn bị cho cuộc bầu cử; công tác thông tin, tuyên truyền trong cuộc bầu cử; công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử; những vấn đề nổi lên và ý kiến, kiến nghị của địa phương….
Nguồn Infonet