BAOTAYNINH.VN trên Google News

20 năm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc 

Cập nhật ngày: 17/11/2023 - 15:37

BTNO - Ngày hội Đại đoàn kết như một sợi dây gắn kết, mà ở đó cộng đồng các dân tộc từ nông thôn đến thành thị cũng như cộng đồng các dân tộc thiểu số khác của Tây Ninh đều cùng chung tinh thần đoàn kết, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa- Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chúc mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc xã Tân Đông.

Ngày 1.8.2003, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc" và quyết định lấy ngày 18.11 hằng năm làm ngày tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới.

Từ đó, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành diễn đàn dân chủ của nhân dân, tạo không khí thi đua sôi nổi rộng khắp tại các khu dân cư và trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, là cơ sở vững chắc để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tại Ngày hội, nhân dân nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình, dân chủ đưa ra ý kiến góp ý xây dựng cộng đồng dân cư, tích cực bàn bạc thống nhất giải pháp giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống, như vấn đề điện, nước, ô nhiễm môi trường, cải thiện cảnh quan khu dân cư, giảm nghèo, đầu tư phát triển…

Hằng năm, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh tham mưu Thường trực Tỉnh uỷ chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh phối hợp tổ chức tốt Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư.

Ông Nguyễn Văn Nên- Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo Trung ương UBMTTQVN tặng quà cho cán bộ Ban Công tác Mặt trận tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc phường IV, TP. Tây Ninh năm 2019

Mỗi năm, 100% ấp, khu phố tổ chức ngày hội, tuỳ tình hình thực tế của địa phương, Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã, phường, thị trấn báo cáo cấp uỷ, đồng thời phối hợp với UBND cùng cấp thống nhất về nội dung, hình thức, quy mô (từng ấp hoặc liên ấp, toàn xã), thời gian, kinh phí và các điều kiện khác để khu dân cư tổ chức tốt “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” và chọn các hình thức tổ chức ngày hội phù hợp như: tổ chức ngày hội từng khu dân cư, liên khu dân cư từ 2 ấp, khu phố trở lên hoặc tổ chức ngày hội theo quy mô toàn xã hoặc liên xã, thị trấn… Đối với các xã biên giới mời các xã thuộc nước bạn Campuchia cùng tham dự ngày hội của huyện nhà. Đồng thời, các địa phương tổ chức ngày hội vận động 100% hộ gia đình treo cờ Tổ quốc.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức trong những năm qua có ý nghĩa to lớn trong việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước gắn kết tình làng nghĩa xóm, phát huy ý chí tự lực tự cường, ý chí khát vọng vươn lên, tăng cường đồng thuận xã hội góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Ngày hội có sự tham dự của lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương cùng đông đảo nhân dân tại khu dân cư, cùng nhau ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang qua từng chặng đường của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và khẳng định vai trò quan trọng của công tác Mặt trận trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam.

Đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với xây dựng khu dân cư xanh - sạch - đẹp; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” và phong trào “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”... tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc tạo nên không khí đầm ấm, vui tươi, phấn khởi góp phần củng cố khối đại đoàn kết từ cơ sở, cộng đồng dân cư.

Lãnh đạo tỉnh, huyện, xã chụp ảnh lưu niệm với gương điển hình tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu năm 2023.

Ngày hội còn là dịp tuyên truyền và giao lưu văn hoá cộng đồng, tạo không khí thi đua sôi nổi rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, gắn kết tình làng nghĩa xóm, ngày càng được lan toả rộng khắp, dần dần trở thành nếp sống tự giác tốt đẹp của nhân dân ở khu dân cư, phát huy vai trò tự quản của mỗi cộng đồng, từng cá nhân, hộ gia đình trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.

Thông qua ngày hội, Mặt trận Tổ quốc tuyên truyền về lịch sử truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tuyên truyền về những kết quả nổi bật trong công tác Mặt trận; tuyên truyền, giới thiệu các tập thể, hộ gia đình và cá nhân đã tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở khu dân cư.

Dịp này, Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp các ngành, các tổ chức thành viên vận động tổ chức các hoạt động chăm lo cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn như: tổ chức thăm hỏi gia đình chính sách, hỗ trợ hộ nghèo…

Trong 20 năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã vận động trao tặng hơn 78.000 phần quà trị giá trên 22 tỷ đồng tặng hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; xây mới và bàn giao hơn 1.700 căn nhà Đại đoàn kết trị giá 65 tỷ đồng, sửa chữa 34 căn nhà trị giá 450 triệu đồng; trao nhiều xe đạp và tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn...; phát động phong trào nói không với rác thải nhựa và túi nylon; vận động phát quang, vệ sinh đường sá, nơi công cộng tại từng ấp, khu phố.

Qua đúc kết thực tiễn các phong trào thi đua yêu nước, có nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo như: “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới”; Khu dân cư “Thực hiện con hẻm hàng rào cây xanh”; “Hộ gia đình tự quản không có rác thải trước cửa nhà”; “Hộ gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm không gây ô nhiễm môi trường”; “Hộ gia đình tín đồ Cao Đài gương mẫu thực hiện bảo vệ môi trường”; “Họ đạo Cao Đài xây dựng môi trường xanh, sạch đẹp, ứng phó biến đổi khí hậu”; “Xứ đạo an toàn về an ninh trật tự”; “Khu dân cư An toàn về ANTT và bảo đảm ATGT”; “Thắp sáng đường quê bảo đảm ATGT và ANTT”; “Đoạn đường tự quản, bảo đảm ATGT”…

Ông Nguyễn Văn Vy- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: “Ngày hội là dịp tuyên truyền và giao lưu các giá trị văn hoá của cộng đồng, tạo không khí thi đua sôi nổi rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, là cơ sở vững chắc để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Điểm mới và nổi bật của Ngày hội Đại đoàn kết trong thời gian qua là tổ chức các diễn đàn lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân; tổ chức các phong trào thi đua, văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian, hội thi nấu ăn, gian hàng ẩm thực, “Bữa cơm đại đoàn kết”, khen thưởng, biểu dương gương điển hình, gia đình văn hoá, gia đình tiêu biểu toàn diện…

Đặc biệt, từ năm 2022, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh triển khai thực hiện phong trào tiết kiệm trong dân nhằm thực hiện các hoạt động hỗ trợ người nghèo nhân dịp địa phương tổ chức ngày hội, góp phần huy động nội lực trong Nhân dân để chăm lo cho người nghèo”.

Có thể thấy, Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc là giải pháp trọng tâm trong công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở; thể hiện trách nhiệm, vai trò là cầu nối mật thiết của tổ chức Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp với nhân dân. Ngày hội chính là phương thức quan trọng thực hiện có hiệu quả việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công tác Mặt trận từ mỗi địa bàn cơ sở; triển khai thực hiện và nhân rộng nhiều mô hình có hiệu quả, với sự tham gia tích cực của người dân, góp phần xây dựng đất nước, chăm lo đời sống cho nhân dân.

Tiến Hưng