Thời Sự - Chính trị   Việt Nam - Thế giới

BAOTAYNINH.VN trên Google News

20 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - EU (28.11.1990 – 28.11.2010): Triển vọng sáng sủa

Cập nhật ngày: 28/11/2010 - 10:06

Lễ ký tắt Hiệp định PCA Việt Nam - EU, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch EC J. M. Barroso.

Sau 20 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 11.1990, quan hệ Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã có những bước phát triển nhanh chóng và vững chắc. Ngày nay, EU là đối tác quan trọng của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Lãnh đạo cấp cao hai bên luôn khẳng định coi trọng tăng cường hợp tác nhiều mặt, tương xứng với tiềm năng và vị thế của hai bên. Đặc biệt, gần đây quan hệ Việt Nam và một số thành viên EU (Anh, Tây Ban Nha) đã được nâng lên tầm “Đối tác chiến lược”, thể hiện chiều hướng phát triển ngày càng sâu rộng trong quan hệ Việt Nam - EU nói chung và giữa Việt Nam với các nước thành viên EU nói riêng.

Việt Nam là nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á chủ động có chiến lược tổng thể về hợp tác với EU, khẳng định vị thế của EU trong đối ngoại của mình nhằm xây dựng quan hệ Việt Nam - EU thành quan hệ đối tác bình đẳng, hợp tác toàn diện, lâu dài, vì hòa bình và phát triển.

Mới đây, tại Hội thảo "Triển vọng kinh tế hợp tác Việt Nam-EU giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến 2020", Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: Triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) trong vòng 5- 10 năm tới là "sáng sủa và thuận lợi" bởi một số yếu tố như vị trí kinh tế quan trọng của Việt Nam và khu vực, phát triển quan hệ với Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để EU thúc đẩy quan hệ và tăng cường vai trò ở khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 28.11.1990 và ngày 17.7.1995 đã đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ ngoại giao Việt Nam - EU với việc ký kết Hiệp định khung về hợp tác, thiết lập các nguyên tắc cơ bản nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai bên.

Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, một số nước thành viên EU đã bày tỏ mong muốn nâng tầm quan hệ với Việt Nam so với mức hiện nay. Điều này càng được củng cố khi Việt Nam đảm nhiệm rất thành công cương vị Uỷ viên không thường trực HĐBA/LHQ nhiệm kỳ 2008 – 2009 và Chủ tịch ASEAN năm 2010.

Ngoài ra, việc EU mở rộng hợp tác sang các nước Đông Âu có quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam, nơi đông người Việt Nam sinh sống cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển quan hệ Việt Nam -EU.

Đại sứ Phái đoàn EU tại Việt Nam Sean Doyle cũng khẳng định: Việt Nam luôn đóng vai trò chiến lược trong khu vực và là đối tác quan trọng của EU. Các nước EU nhìn chung đều coi trọng, đánh giá cao tiềm năng, vai trò, vị thế khu vực và quốc tế của Việt Nam, muốn phát triển hơn nữa mối quan hệ với Việt Nam trong những năm tới.

Đối tác thương mại hàng đầu

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, sau 20 năm thiết lập quan hệ, thương mại song phương là lĩnh vực đạt tiến bộ nổi bật. EU nhanh chóng trở thành đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam.

Tổng kim ngạch thương mại hai chiều tăng nhanh từ 1,5 tỷ USD năm 1995 lên mức kỷ lục 16,2 tỷ USD vào năm 2008, vượt mức định hướng 15 tỷ USD đặt ra cho năm 2010 trong Đề án tổng thể về phát triển quan hệ Việt Nam – EU đến năm 2010 và định hướng cho năm 2015, nghĩa là đã hoàn thành kế hoạch định hướng trước 2 năm.

Năm 2009, dù kinh tế thế giới khủng hoảng, nhưng kim ngạch thương mại giữa hai bên vẫn đạt 15,2 tỷ USD.

9 tháng năm 2010, Việt Nam xuất khẩu 7,8 tỷ USD vào EU, tăng 13% so với cùng kỳ trong khi nhập khẩu từ EU đạt 5 tỷ USD, tăng 26,2. EU là thị trường lớn cho một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như may mặc, hải sản, giầy dép, cà phê, đồ gỗ. Hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ EU là máy móc thiết bị, tân dược, sắt thép các loại, sản phẩm hoá chất, dụng cụ quang học và phương tiện vận tải.

Xét cán cân thương mại song phương, Việt Nam luôn là bên xuất siêu.

Nhà đầu tư lớn 

Tính đến ngày 20.10.2010, với 1.036 dự án, tổng vốn đăng ký xấp xỉ 16 tỷ USD, EU đang là một trong các nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam.

Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam nhưng tập trung nhiều nhất vào ngành công nghiệp và xây dựng (chiếm 52% số dự án và khoảng 59% tổng số vốn đầu tư), trong đó công nghiệp nặng khoảng 40% số dự án, tổng vốn đầu tư 6 tỷ USD, tiếp theo là khai thác dầu khí với gần 20 dự án và 2,4 tỷ USD vốn đầu tư.

Do có ưu thế về công nghệ, các nhà đầu tư EU đã góp phần tích cực trong việc tạo ra một số ngành mới và sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao.

Hiện, các tập đoàn lớn của EU đều đã có mặt tại Việt Nam và đang hoạt động hiệu quả như Shell (Anh), Siemens (Đức), Alcatel (Pháp), BP (Anh), Total Elf Fina (Pháp), Daimler (Đức)… Thời gian gần đây, dù vẫn tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao nhưng đầu tư từ EU đã có xu hướng quan tâm hơn tới các ngành dịch vụ như viễn thông, tài chính, văn phòng cho thuê, bán lẻ…

Bên cạnh thương mại và đầu tư, EU còn là đối tác quan trọng và là một trong những nhà tài trợ lớn nhất về hỗ trợ phát triển cho Việt Nam với các lĩnh vực chủ yếu như y tế, giáo dục, văn hoá, bảo vệ môi trường, chuyển đổi nền kinh tế, cải cách hành chính và xoá đói giảm nghèo.

Từ năm 1993 đến năm 2009, tổng cam kết ODA của Uỷ ban châu Âu và các nước thành viên EU dành cho Việt Nam đạt xấp xỉ 10 tỷ USD, trong đó giải ngân được gần 5 tỷ USD. Năm 2010, tổng ODA cam kết của EU là 1,05 tỷ USD.

Triển vọng hợp tác

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh: Hiệp định đối tác, hợp tác toàn diện (PCA) vừa được ký tắt vào ngày 4.10.2010, tạo ra một khuôn khổ mới, dài hạn và toàn diện cho quan hệ Việt Nam – EU. PCA sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hai bên có thể khai thác được tốt hơn lợi thế so sánh và bổ sung lẫn nhau. Nhiều lĩnh vực EU có thế mạnh như cơ khí, chế tạo, giao thông vận tải, hoá chất, dược phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng cao trong khi Việt Nam có nhu cầu lớn nhưng khả năng đáp ứng trong nước còn hạn chế. Đồng thời, nhiều mặt hàng Việt Nam có lợi thế, có thể đáp ứng nhu cầu nhập khẩu lớn của EU như cao su nguyên nhiên liệu, thủ công mỹ nghệ, giày dép, may mặc, thuỷ hải sản, cà phê, chè, hạt tiêu…

Đặc biệt, PCA đã tạo tiền đề để có thể đi đến một Hiệp định tự do thương mại song phương (FTA) và hiện nay hai bên đang tham vấn để sớm chính thức tiến hành đàm phán hiệp định này. Việc đàm phán và ký kết FTA sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại cho cả hai bên. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn khi vào thị trường EU; đồng thời tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam cũng tăng lên đối với các nhà đầu tư EU.

Đại sứ Sean Doyle cho rằng, việc Việt Nam và EU hướng tới đàm phán FTA với phạm vi đàm phán toàn diện nhằm tác động đến quy mô, dòng chảy thương mại giữa hai bên, là yếu tố bắt buộc mang tính tiêu chuẩn. EU vẫn tiếp tục là đối tác hết sức quan trọng, là thị trường then chốt của Việt Nam trong những năm tới đây và ngày càng trở nên quan trọng hơn sau khi Hiệp định này được ký kết.

Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 nước thành viên với trên 500 triệu dân, là thực thể chính trị, kinh tế lớn và quan trọng hàng đầu trên thế giới, chiếm 2 trên 5 Uỷ viên thường trực HĐBA LHQ, 4 trong 7 nhóm công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), 4 trong Nhóm kinh tế lớn (G20).

EU là nền kinh tế lớn nhất thế giới (năm 2010 đạt gần 15.000 tỷ USD), chiếm khoảng 21% GDP toàn cầu tính theo ngang sức mua). EU có kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ cao nhất thế giới, đạt 3177 tỷ Euro năm 2009 (tương đương 4321 tỷ USD), trong đó xuất khẩu đạt 1608 tỷ Euro (2187 tỷ USD), nhập khẩu đạt 1569 tỷ Euro (2134 tỷ USD).

Năm 2009, 27 nước thành viên EU đầu tư trực tiếp ra nước ngoài 263 tỷ Euro, tương đương 358 tỷ USD. EU cũng là nhà tài trợ phát triển lớn nhất thế giới (năm 2009, cả khối đã cung cấp 49 tỷ euro viện trợ cho các nước đang phát triển, chiếm 60% tổng viện trợ của thế giới).

Năm 2010, EU có 161 trong số 500 công ty lớn nhất thế giới.

(Theo VOV)