BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh:

20 năm vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” và 15 năm vận động “Ngày vì người nghèo”

Cập nhật ngày: 17/12/2015 - 11:00

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” được  Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam  phát động vào ngày 3.5.1995. Qua 20 năm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã triển khai thực hiện 5 nội dung cuộc vận động, qua đó, mang lại những kết quả đáng kể, tác động tích cực đến đời sống kinh tế văn hoá xã hội của nhân dân trên toàn tỉnh.

Cuộc vận động đã có tác động toàn diện đến sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong tỉnh, góp phần tích cực vào quá trình thực hiện chủ trương “Xoá đói giảm nghèo”.

Trong quá trình triển khai phong trào, các địa phương đặc biệt quan tâm đến phát triển đời sống kinh tế gia đình, kinh tế tập thể, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Thông qua nhiều hình thức như: hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ giống, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề… đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế.

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, kết quả nổi bật là đến cuối năm nay, dự kiến trên địa bàn các huyện, thành phố có 16 xã được công nhận xã nông thôn mới.

Tại các khu dân cư đăng ký xây dựng danh hiệu ấp (khu phố) văn hoá, bộ mặt ấp, khu phố thay đổi rõ rệt, đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp, tỷ lệ bê tông hoá đường nông thôn, kiên cố hoá kênh mương nội đồng tăng lên hằng năm từ nguồn kinh phí đóng góp của người dân và sự hỗ trợ của Nhà nước.

Những chuyển biến trên đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của địa phương, động viên ý chí phấn đấu vươn lên trong cuộc sống của mọi người dân, từng bước xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, các gia đình chính sách, trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm giúp đỡ. Đến nay trên địa bàn tỉnh không còn hộ đói, tỷ lệ hộ thoát nghèo hằng năm đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Phong trào xây dựng ấp, khu phố, gia đình văn hoá đã thực sự đi vào cuộc sống của người dân, bước đầu tạo sự chuyển biến trong nếp sống của từng cá nhân, gia đình, xã hội. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân được thực hiện dưới nhiều hình thức đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước của người dân ngày càng cao, góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Đặc biệt, tổ hoà giải ở các ấp, khu phố được thành lập và hoạt động có hiệu quả, đã góp phần giải quyết những mâu thuẫn, xích mích, bất hoà xảy ra ngay tại cộng đồng dân cư, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện vượt cấp.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” là thành quả của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương V (khoá VIII) của Đảng về “Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Những giá trị di sản văn hoá dân tộc đã được giữ gìn và phát huy, thuần phong mỹ tục được khôi phục và phát triển, các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang từng bước được xoá bỏ. Quan hệ xóm làng được thắt chặt, “tối lửa tắt đèn có nhau”, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hoá mới, làm cho bộ mặt mỗi khu dân cư ngày càng khởi sắc.

Việc xây dựng nhà văn hoá luôn được cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá, thể thao hiện có, đồng thời đầu tư xây dựng một số công trình văn hoá, thể thao, chăm lo đời sống văn hoá cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương trong tỉnh gắn với việc xây dựng nông thôn mới, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, TDTT, hội họp của nhân dân tại các khu dân cư góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Thực tế sau 20 năm thực hiện, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” đã thực sự đi sâu vào cuộc sống, đã huy động mọi nguồn lực của nhân dân tạo nên sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế, văn hoá xã hội bảo đảm an ninh, trật tự;

Phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, ý chí tự lực tự cường làm cho các giá trị văn hoá thấm sâu vào mỗi người, mỗi gia đình và cả cộng đồng khu dân cư; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, tạo nền tảng tư tưởng vững chắc, tạo những chuyển biến trong đời sống xã hội.

Đời sống văn hoá, tinh thần của người dân được từng bước nâng lên làm thay đổi bộ mặt từng địa phương trong tỉnh, việc tuân thủ pháp luật của người dân ngày càng cao, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội ổn định.

Đặc biệt, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” được tỉnh Tây Ninh thực hiện đã trở thành điểm sáng trong phong trào thi đua yêu nước nói chung và có tác dụng rõ rệt vào việc nâng cao vai trò của MTTQ trong giai đoạn mới.

Cuộc vận động đã được triển khai sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân trên toàn tỉnh, thu hút sự ủng hộ đông đảo của các tầng lớp nhân dân, bởi nó thắm đượm tính nhân văn sâu sắc, thể hiện chủ trương của Đảng, ý nguyện của dân. Cuộc vận động khơi dậy mạnh mẽ đạo lý, văn hoá cao đẹp của dân tộc ta và đã thu được những kết quả mang ý nghĩa kinh tế - xã hội sâu sắc.

15 năm qua, cuộc vận động mang tính nhân văn sâu sắc này đã được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng và đã đạt được kết quả quan trọng.

Từ năm 2000 đến nay, Quỹ vì người nghèo các cấp trong tỉnh đã huy động được trên 285 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng 14.662 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, trị giá 237 tỷ đồng;

Hỗ trợ thêm cho các hộ nghèo xây dựng nhà ở theo Quyết định 167/CP của Chính phủ là 2.828 căn. Ngoài ra còn trợ giúp sản xuất, hỗ trợ khám, chữa bệnh, khó khăn đột xuất, học sinh nghèo vượt khó với số tiền hàng chục tỷ đồng.

Thông qua chương trình vận động “Tết cho người nghèo”, hằng năm Ban vận động Quỹ vì người nghèo, các tổ chức thành viên của Mặt trận đã vận động hàng vạn suất quà giúp người nghèo đón tết, vui xuân.

Kết quả đó đã góp phần thiết thực chăm lo cho người nghèo, đóng góp vào sự nghiệp xoá đói, giảm nghèo của tỉnh, tăng cường khối đại đoàn kết  toàn dân tộc, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6% vào năm 2000 xuống còn 2,38% năm 2014, dự kiến đến cuối năm 2015 còn 1,59%. 

Hiệu quả mang lại từ 15 năm cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” không những góp phần vận động nhân dân tham gia thực hiện chủ trương xoá đói giảm nghèo của Đảng, Nhà nước, khơi dậy và phát huy truyền thống đoàn kết tương thân, tương ái của dân tộc, xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó xóm làng, củng cố tình làng nghĩa xóm ở địa bàn dân cư mà còn góp phần nâng cao nhận thức, năng lực tổ chức hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận ở cơ sở.

Đặc biệt, cuộc vận động đã tạo ra niềm tin động viên, khuyến khích người nghèo vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.

LÊ DUY