Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, Bộ Công an đang sắp xếp theo hướng không còn 6 tổng cục, giảm từ 125 đơn vị cấp cục còn 60, giảm 20 sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy.
Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ 6 tháng đầu năm; về xây dựng Chính phủ điện tử và kết quả kiểm tra của Tổ công tác.
Quảng Ninh tiết kiệm gần cả trăm tỷ đồng
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chính phủ xác định nhiệm vụ mới về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó ban hành 2 nghị định cắt giảm, đơn giản hóa hơn 700 điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành thuộc ngành Công thương, Y tế.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng
Riêng lĩnh vực an toàn thực phẩm đã cắt giảm trên 95% thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với thực phẩm nhập khẩu, 90% sản phẩm DN được phép tự công bố, tiết kiệm 7,7 triệu ngày công, tương đương trên 3.100 tỷ đồng. Lĩnh vực khoa học, công nghệ đã chuyển 91% nhóm sản phẩm hàng hóa sang áp dụng cơ chế hậu kiểm.
Thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về xây dựng Chính phủ điện tử, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, địa phương. Thủ tướng đã chỉ đạo VPCP phải là cơ quan đi đầu về văn phòng điện tử “không giấy tờ”.
Chủ nhiệm VPCP cũng thông tin thêm, qua website Chính phủ với người dân, Chính phủ với DN, đã tiếp nhận 389 kiến nghị của DN, đã chuyển 256 đến các cơ quan có thẩm quyền, có 180 kiến nghị được trả lời; tiếp nhận và chuyển 113 kiến nghị của người dân đến bộ, cơ quan, đã xử lý có kết quả 96 kiến nghị.
Ở các địa phương đã thành lập 30 trung tâm hành chính công (trực thuộc UBND tỉnh hoặc VP UBND tỉnh).
“Điển hình tại Quảng Ninh đã quyết liệt thực hiện nguyên tắc “bốn tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả). Tỷ lệ trả trước hạn theo nguyên tắc này đạt 94,1%, cắt giảm 47% thời gian giải quyết so với quy định. Tỷ lệ hồ sơ trả qua dịch vụ bưu chính đạt 82,4%, giải quyết qua mạng đạt 99,9%,... Từ đó, tiết kiệm được 70 tỷ đồng cho ngân sách và 25 tỷ đồng cho người dân mỗi năm”. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn chứng.
Nói về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, đổi mới quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết TƯ6, Chủ nhiệm VPCP cho biết, các cơ quan hành chính tinh giản biên chế 4.294 người, đơn vị sự nghiệp công lập 24.717 người, công chức cấp xã 5.767 người.
Ngoài ra, các bộ ngành sắp xếp giảm 15 vụ thuộc Bộ, 189 phòng thuộc vụ, cục. Riêng Bộ Công an đang sắp xếp theo hướng không còn 6 tổng cục, giảm từ 125 đơn vị cấp cục còn 60, giảm 20 sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy.
Cùng với đó, Chính phủ tổ chức hội nghị về công tác giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài. Rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định về thu hồi đất, bồi thường thiệt hại… để bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân.
Còn tình trạng né tránh
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng chỉ rõ một số tồn tại như chất lượng xây dựng thể chế chưa đáp ứng yêu cầu, việc chuẩn bị một số dự án luật còn chậm, phải xin lùi tiến độ.
Việc thực hiện quy chế làm việc, kỷ luật, kỷ cương hành chính có nơi chưa nghiêm. Công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan chưa hiệu quả, nhất là việc phối hợp xử lý các vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Vẫn còn tình trạng né tránh, ngại đề xuất những vấn đề mới có tính đột phá, chưa mạnh mẽ trong việc đề xuất phân cấp gắn với kiểm tra giám sát và trách nhiệm người đứng đầu.
Ảnh: VGP
Công tác quản lý, điều hành của một số ngành, địa phương còn hạn chế nhưng chậm được khắc phục, như: công tác lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, bồi thường, tái định cư; cổ phần hóa, thoái vốn DNNN; ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, phá rừng, khai thác cát sỏi; đạo đức, lối sống, trật tự an toàn xã hội...
“Những hạn chế nêu trên một phần do nguyên nhân khách quan nhưng chủ quan là chủ yếu. Nhiều nơi thiếu quyết liệt trong triển khai nhiệm vụ, đến khi được kiểm tra, đôn đốc mới tập trung thực hiện. Kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, chưa làm hết trách nhiệm; có lúc, có nơi còn nhũng nhiễu, tiêu cực”, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh.
Ông cũng lưu ý, một số địa phương chưa sâu sát thực tiễn, chưa chủ động nắm tình hình, còn bị động, bất ngờ trong xử lý tình huống, để xảy ra sự việc gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng môi trường đầu tư và hình ảnh Việt Nam.
Trong 6 tháng, Tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc với 17 bộ, cơ quan, 2 địa phương, 1 Tổng công ty; thực hiện 3 cuộc kiểm tra nhiệm vụ, 8 cuộc kiểm tra chuyên đề theo chỉ đạo của Thủ tướng, tập trung đôn đốc tiến độ ban hành văn bản quy định chi tiết, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thực hiện mục tiêu tăng trưởng…
Qua kiểm tra, nhiều nhiệm vụ được đẩy nhanh tiến độ, một số vướng mắc về cơ chế, chính sách được kiến nghị tháo gỡ kịp thời. Đặc biệt, với các cuộc kiểm tra chuyên đề về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm các điều kiện kinh doanh đã tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội và cộng đồng DN.
Nguồn vietnamnet