Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
263 đại biểu thiếu nhi họp phiên giả định Quốc hội trẻ em
Thứ hai: 08:27 ngày 11/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Các đại biểu trẻ em sẽ đóng vai, giả định mình được là đại biểu Quốc hội tham gia Phiên họp của Quốc hội để thảo luận về hai chủ đề liên quan đến trẻ em.

Sáng 10/9, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội đã diễn ra Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I – Năm 2023. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và phát biểu chỉ đạo sau khi kết thúc Phiên họp giả định. Sự kiện được Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương đề xuất sáng kiến và phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Văn phòng Quốc hội tổ chức nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan và nâng cao nhận thức của trẻ em về Quốc hội.

Tham dự Phiên họp có 263 đại biểu thiếu nhi tiêu biểu, 64 đại biểu phụ trách tới từ 63 tỉnh, thành phố cùng Ban Tổ chức, Ban Cố vấn phiên họp, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, lãnh đạo các ban, đơn vị của Trung ương Đoàn; Thường trực các tỉnh, thành đoàn; Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và phát biểu chỉ đạo sau khi kết thúc Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em". Ảnh: Nghĩa Đức

Đây là lần đầu tiên, phiên họp giả định Quốc hội trẻ em được tổ chức nhằm góp phần triển khai hiệu quả Luật Trẻ em năm 2016, đặc biệt, là các quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 77 “tổ chức để trẻ em được tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân”; khoản 4, Điều 79 “Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp có trách nhiệm thường xuyên và định kỳ tiếp xúc với trẻ em hoặc đại diện trẻ em”. 

Phiên họp có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em, kiến nghị các cấp, các ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em - chủ nhân tương lai của đất nước. Tạo điều kiện để trẻ em phát huy năng lực, kỹ năng trình bày ý kiến, quan điểm, nhận thức và tham gia vào quá trình ra quyết định về các vấn đề liên quan đến trẻ em. Thông qua hoạt động giúp các em được trải nghiệm, tìm hiểu bộ máy cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội.

Thông qua việc tổ chức phiên họp giả định Quốc hội trẻ em, góp phần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tổ chức và hoạt động của Quốc hội; giáo dục, nâng cao nhận thức của cử tri, Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về vị trí, vai trò, hoạt động của Quốc hội trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đồng thời bảo đảm tính chất tự nguyện, tự quản của trẻ em dưới sự cố vấn, hỗ trợ của các chuyên gia, các cơ quan, tổ chức hữu quan; bảo đảm phù hợp với lứa tuổi và nhu cầu của trẻ em.

Phiên họp được diễn ra với 2 phiên, phiên thảo luận tổ diễn ra vào ngày 9/9và phiên toàn thể diễn ra vào ngày 10/9. Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp của trẻ em đề xuất các giải pháp liên quan tới các nhóm nội dung: nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em; giải pháp nâng cao kỹ năng tương tác an toàn trên không gian mạng cho trẻ em; góp ý cải thiện các điều kiện cơ sở vật chất để trẻ em được ứng dụng công nghệ thông tin; phát huy vai trò của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, xã hội và vai trò của trẻ em trong công tác bảo vệ trẻ em. Những nội dung này đã được thể hiện ở dự thảo Nghị quyết trình tại Phiên họp toàn thể.

Tại phiên họp toàn thể sáng 10/9, Quốc hội trẻ em tập trung thảo luận về các nội dung liên quan, xem xét ban hành Nghị quyết về những vấn đề đang được trẻ em và toàn xã hội đặc biệt quan tâm như: “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” và vấn đề “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em”. 


Các đại biểu tham dự  Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”. Ảnh: Nghĩa Đức

Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang, Trưởng Ban Tổ chức phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ nhất năm 2023 cho biết, việc lựa chọn chủ đề phiên họp được tiến hành dựa trên cơ sở thực hiện vai trò đại diện tiếng nói trẻ em của tổ chức Đoàn, Đội các cấp và sự quan tâm của xã hội và chính trẻ em trong thời gian qua. Các nội dung của phiên họp là kết quả làm việc của chính các đại biểu trẻ em được lựa chọn tham gia phiên họp, cũng như thể hiện ý kiến, nguyện vọng của hơn 41.000 trẻ em đại diện cho 25 triệu trẻ em cả nước.

Theo bà Nguyễn Phạm Duy Trang, dù là các ý kiến thảo luận tại phiên họp “Quốc hội trẻ em” giả định nhưng lại là những ý kiến thực chất, phản ánh sinh động những suy nghĩ, mong muốn, nguyện vọng của trẻ em, đảm bảo được các quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em theo luật định.

Qua tổng hợp, có nhiều ý kiến chất lượng, thể hiện được bản lĩnh, chính kiến, chín chắn trong suy nghĩ và lời nói, tư duy của những đại biểu Quốc hội trong tương lai, vừa thể hiện được sự trong sáng, khát vọng của lứa tuổi thiếu nhi; đề xuất nhiều ý tưởng, sáng kiến, giải pháp, hiến kế cho các bộ, ngành, tổ chức. Bước đầu, các chuyên gia, ban cố vấn đánh giá là có tính khả thi. Từ các ý kiến phát biểu, báo cáo, đề xuất và thông qua Nghị quyết giả định của các em, Ban Tổ chức phiên họp mong rằng đây sẽ là cơ sở, là căn cứ để lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành, địa phương quan tâm, đầu tư ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể hóa những vấn đề luật định có liên quan đến trẻ em, cũng như thực thi các chính sách về trẻ em một cách hiệu quả hơn, sát với thực tiễn hơn.

Theo chương trình, sau khi kết thúc Phiên họp giả định, đại diện Chính phủ, các bộ ngành sẽ phát biểu ghi nhận, động viên và trao đổi thông tin với đại biểu trẻ em. Sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ có phát biểu quan trọng với các đại biểu trẻ em./.

Nguồn dangcongsan

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục