Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Sáng 6.8, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án hành chính, bà Đặng Thị Gấm kiện Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh về quyết định hành chính liên quan đến quản lý đất đai.
Chủ toạ phiên toà là thẩm phán Trần Văn Mười. Ông Lữ Thanh Tùng- Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường Thành phố tham dự với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện.
Bà Trần Thị Đỉnh tham dự phiên toà với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Bà Đỉnh là người đã theo đuổi vụ khiếu nại tranh chấp đất giữa bà và gia đình bà Gấm hơn 33 năm qua, mà Báo Tây Ninh đã nhiều lần phản ánh.
Bà Trần Thị Đỉnh buồn bã ra về khi TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh hoãn xử.
Sau phần trình bày của các bên liên quan, HĐXX tập trung hỏi ông Lữ Thanh Tùng về quyết định của Chủ tịch UBND Thành phố cưỡng chế giao đất lần thứ nhất vào năm 2012 và năm 2019.
HĐXX hỏi ông Tùng về quyết định cưỡng chế lần 2 buộc gia đình bà Gấm phải giao 6,3m2 đất cho bà Đỉnh, thời gian cách nhau 7 năm, nội dung như nhau, thời điểm này có thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND Thành phố hay không? HĐXX cũng đề nghị ông Tùng cho biết, Chủ tịch UBND Thành phố có giữ nguyên quyết định cưỡng chế lần hai hay không, nếu không thể trả lời đề nghị ông Tùng trao đổi với Chủ tịch UBND Thành phố và trả lời HĐXX trong phiên toà lần sau và quyết định hoãn phiên toà.
Cưỡng chế hai lần nên kiện
Theo hồ sơ vụ án, tại phiên toà sơ thẩm ngày 29.11.2019, bà Gấm cho rằng, Quyết định số 1533/QĐ-UBND ngày 16.8.2010 (Quyết định 1533) và Quyết định số 2381/QĐ-UBND ngày 20.12.2010 (Quyết định 2381) của Chủ tịch UBND tỉnh công nhận phần đất tranh chấp 28,4m2 thuộc thửa 181 tờ bản đồ 75 tại khu phố 3, phường 1, thành phố Tây Ninh cho bà Đỉnh, buộc gia đình ông Đặng Minh Hai (cha bà Gấm) giao diện tích lấn chiếm là 6,3m2 theo đúng Trích lục bản đồ địa chính số 305/SĐ-TL/P1 ngày 27.11.2009 của Văn phòng đăng ký QSDĐ thị xã Tây Ninh (Trích lục bản đồ 305).
Ngày 13.6.2012, Chủ tịch UBND thị xã Tây Ninh (nay là thành phố Tây Ninh) ban hành Quyết định số 403/QĐ-UBND (Quyết định 403) về việc cưỡng chế buộc giao lại phần đất diện tích 6,3m2. Ngày 28.8.2012, đoàn cưỡng chế cưỡng chế xong 6,3m2 đất, thể hiện tại báo cáo của đoàn cưỡng chế.
Ngày 11.1.2019, Chủ tịch UBND Thành phố tiếp tục ban hành Quyết định số 47/QĐ-UBND (Quyết định 47), buộc gia đình bà tháo dỡ công trình kiến trúc, tường rào, mái che, trong phạm vi diện tích 6,3m2. Theo bà Gấm, quyết định này là quyết định trái pháp luật, ảnh hưởng xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi.
Bà Gấm cho rằng, đoàn cưỡng chế đã bàn giao đất, bà Đỉnh cắm trụ ranh bê tông xi măng, xây gạch chân tường rào cao 0,5m phía giáp ranh với đất ông Hai. Quyết định 1533 và 2381 là 2 quyết định hành chính nên chỉ được áp dụng một lần đối với một đối tượng cụ thể.
Hai quyết định này thi hành xong, hết hiệu lực nhưng Quyết định số 47 tiếp tục cưỡng chế thi hành tiếp là không đúng pháp luật. Nội dung Quyết định 47 mâu thuẫn với nội dung UBND Thành phố vận động bà giao đất.
Chủ tịch UBND Thành phố có văn bản trình bày rằng, ngày 16.8.2010, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định 1533, công nhận phần đất tranh chấp diện tích 28,4m2 thuộc QSD của vợ chồng bà Đỉnh, sau đó tiếp tục ban hành Quyết định 2381 bổ sung Quyết định 1533, công nhận cho vợ chồng bà Đỉnh 28,4m2 đất tranh chấp, buộc gia đình ông Hai có trách nhiệm giao lại diện tích lấn chiếm theo đúng Trích lục bản đồ 305.
Hai quyết định của UBND tỉnh đã có hiệu lực pháp luật giao Chủ tịch UBND Thành phố tổ chức cưỡng chế đối với hộ bà Gấm (đại diện gia đình ông Hai) thực hiện quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh. Đoàn cưỡng chế giao đất nhưng bà Đỉnh không đồng ý nhận ranh đất, cho rằng UBND Thành phố chưa thực hiện đầy đủ quyết định của UBND tỉnh.
Sau đó, UBND Thành phố xác định lại, năm 2012 cưỡng chế nhưng giao chưa đủ diện tích cho bà Đỉnh nên tiếp tục giao phần diện tích còn lại là đúng. UBND Thành phố vận động gia đình ông Hai tự nguyện giao phần diện tích đất còn thiếu nhưng không thành. Do đó, Chủ tịch UBND Thành phố ban hành Quyết định số 47 cưỡng chế thi hành Quyết định 1533 và 2381 là đúng quy định.
Toà sơ thẩm: quyết định cưỡng chế có căn cứ
HĐXX nhận định rằng, Quyết định 1533 và 2381 của Chủ tịch UBND tỉnh đã có hiệu lực thi hành. Ngày 28.8.2012, đoàn cưỡng chế bàn giao 6,3m2 đất, bà Đỉnh đã cắm trụ xi măng theo vị trí đoàn cưỡng chế yêu cầu.
Tuy nhiên, tại biên bản cưỡng chế thể hiện bà Đỉnh không đồng ý vị trí diện tích đất mà đoàn cưỡng chế đã giao. Như vậy, sự việc cưỡng chế đối với Quyết định 1533 và 2381 vẫn chưa được thi hành xong.
Tài liệu chứng cứ do người bị kiện cung cấp tại sơ đồ hiện trạng đất trích đo ngày 22.2.2017, bà Đỉnh và gia đình bà Gấm sử dụng thể hiện, diện tích đất gia đình ông Hai còn đang sử dụng trong diện tích đất tranh chấp phải giao cho bà Đỉnh là 1,6m2.
Ngày 15.8.2019, Toà án tiến hành xem xét thẩm định vị trí đất cưỡng chế gia đình bà Gấm đã giao cho bà Đỉnh. Bản trích đo bản đồ chỉnh lý bản đồ địa chính số 1352/SĐ-TĐCL thể hiện, khi thẩm định, diện tích đất của gia đình bà Gấm có diện tích 7m2, trừ lộ giới hẻm còn 6m2.
Như vậy thực tế thiếu 0,3m2. Hiện trạng đất cưỡng chế đã giao cho bà Đỉnh không giống Trích lục bản đồ 305. Phần đất đã giao ngày 28.8.2012 có một phần diện tích thuộc đất giao thông nên việc cưỡng chế này không đúng như ý kiến của kiểm sát viên là phù hợp.
Vì vậy, quyết định của UBND tỉnh chưa được thi hành xong. Do đó, Chủ tịch UBND Thành phố ban hành Quyết định số 47 tiếp tục cưỡng chế thi hành quyết định của UBND tỉnh là có căn cứ. Vì vậy, HĐXX tuyên không chấp nhận đơn khởi kiện của bà Gấm.
33 năm mỏi mòn vì tranh chấp
Được biết, trước đây, vào năm 1979, vợ chồng bà Đỉnh từ TP. Hồ Chí Minh đến Tây Ninh sinh sống, mua một căn nhà lá, vách đất của ông Thân rồi cất nhà trên phần đất của ông Hoài. Phần đất này có nguồn gốc là đất của ông Đặng Văn Chạy, diện tích 0,5 ha, không có giấy tờ, bằng khoán.
Hằng năm, vợ chồng bà Đỉnh đóng tiền thuê đất cho ông Hoài. Sau đó, ông Hoài "ký giấy nhượng đất vĩnh viễn cho vợ chồng bà Đỉnh ngang 6m dài 20m", được UBND phường 1 và Phòng Nhà đất Thị xã chấp thuận. Năm 1987, Sở Xây dựng cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà đất cho vợ chồng bà Đỉnh với diện tích 120m2.
Năm 1987, khi vợ chồng bà Đỉnh định cất thêm một chái nhà trước cửa thì gia đình ông Hai ngăn cản. Phần tranh chấp là phía sân nhà bà Đỉnh có diện tích 30m2. Việc tranh chấp giữa hai bên chính thức bắt đầu vào ngày 26.6.1987, khi chồng bà Đỉnh gửi đơn đến UBND phường 1.
Sau đó, việc giải quyết khiếu nại kéo dài, mãi đến năm 2010, quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh có hiệu lực thi hành. Năm 2012, đoàn cưỡng chế yêu cầu cắm ranh phần đất được giao nhưng bà Đỉnh phát hiện không đủ diện tích nên khiếu nại, 7 năm sau, UBND Thành phố đo lại và ban hành quyết định cưỡng chế lần thứ hai vào năm 2019 thì bà Gấm không đồng ý và khởi kiện Chủ tịch UBND Thành phố.
Vụ việc của bà Đỉnh, kể từ khi xảy ra tranh chấp vào năm 1987, đến năm 2010 kết thúc với quyết định của UBND tỉnh có hiệu lực thi hành, mất 23 năm. Hai năm chờ đợi, sau đó đến phần thực hiện cưỡng chế giao đất và phải hầu toà với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan mất thêm 10 năm nữa. Bà Đỉnh năm nay 68 tuổi, lại tiếp tục chờ phán quyết của toà để mong được nhận đủ đất.
Như vậy, với nhận định ban đầu cho rằng, quyết định cưỡng chế lần thứ hai của Chủ tịch UBND Thành phố có dấu hiệu chưa đúng thẩm quyền, khi cho rằng, vào năm 2012, việc cưỡng chế giao đất đã hoàn thành, còn việc khiếu nại chưa giao đủ 1,6m2 đất tiếp theo của bà Đỉnh là quan hệ tranh chấp đất mới phải giải quyết bằng một phán quyết của toà án.
Điều này là trái ngược với bản án của TAND tỉnh khi cho rằng quyết định của Chủ tịch UBND Thành phố là tiếp tục thực hiện quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh có hiệu lực thi hành nhưng chưa thi hành xong là có căn cứ. Hy vọng, HĐXX TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh sẽ có nhận định và phán quyết đúng đắn, bảo đảm quyền và lợi ích của tổ chức và công dân.
ĐỨC TIẾN