BAOTAYNINH.VN trên Google News

4.800 tỷ đồng xây Nhà Quốc hội

Cập nhật ngày: 17/07/2009 - 05:57

Tổng mức đầu tư dự án xây dựng công trình Nhà Quốc hội mới do liên danh tư vấn thiết kế gmp International GmbH - Inros Lackner - CHLB Đức lập khoảng 4.800 tỷ đồng, trong đó chưa tính phí xây dựng khu di tích 18 Hoàng Diệu, theo báo cáo của Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 17.7.

Phương án D1 hay A2?

Ông Quân cho hay trong quá trình hoàn thiện phương án kiến trúc, theo đề xuất của nhà tư vấn thiết kế và các chuyên gia, hai phương án A2 và D1 có nhiều điểm nổi trội hơn so với các phương án còn lại, trong đó phương án D1 được nhiều ý kiến đánh giá cao, đề nghị lựa chọn để hoàn thiện, triển khai thiết kế.

Tuy nhiên, tại cuộc họp, nhiều thành viên UBTVQH lại không đồng tình, cho rằng phương án A2 + B1 hợp lý hơn, với lý do công trình được "thiết kế nhẹ nhàng, có khuôn viên cây xanh phong phú".

Là người duy nhất ủng hộ phương án D1, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội lại tin vào con mắt chuyên môn của các nhà thiết kế, chuyên gia. Với quan điểm không thể thẩm định bằng cặp mắt cảm tính, bà Mai cho rằng: "Nhà Quốc hội là công trình lớn của đất nước, dân tộc nên việc lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, thiết kế là điều quan trọng".

Phương án D1

Hướng nào?

Về hướng trục chính của phòng họp Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho hay theo nhiệm vụ thiết kế, hướng dự kiến được đặt theo hướng của tòa nhà, tức hướng Đông - Tây, theo hướng của tòa nhà cũ, ghế ngồi đại biểu quay lưng về phía Lăng Bác.

Tuy nhiên, trong quá trình lập dự án, tham khảo ý kiến các nhà nghiên cứu khoa học, nhà thiết kế đề xuất hướng trục chính của phòng họp Quốc hội nên theo hướng Bắc - Nam. Bởi lẽ, nếu theo hướng Đông - Tây, các đại biểu đến dự họp hay lễ kỷ niệm những ngày trọng đại của quốc gia sẽ đi vào công trình từ hướng Tây nên giao thông đường Độc Lập dễ bị ùn tắc. Mặt khác, các ghế ngồi của đại biểu đều quay lưng về phía Lăng Bác sẽ không phù hợp với truyền thống và lễ nghi của người Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều thành viên UBTVQH không đồng tình với đề xuất trên và cho rằng hướng Đông - Tây là thích hợp.

Phương án A2

Hoàn thành chậm hơn dự kiến

Với quan điểm xây dựng công trình chất lượng, hiệu quả, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nói việc triển khai thực hiện dự án "không chạy theo tiêu chí thời gian".  Theo Bộ trưởng Xây dựng, Nhà Quốc hội có thể sẽ hoàn thành vào tháng 6.2012, tức chậm hơn so với thời hạn dự kiến là đầu năm 2011 để phục vụ kỳ họp cuối của Quốc hội khoá XII.

Theo ông Quân, phải chờ kết quả khai quật khảo cổ trong khuôn viên Hội trường Ba Đình cũ, dẫn đến việc đàm phán, ký hợp đồng tư vấn thiết kế không như tiến độ dự kiến.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cũng lưu ý việc thiết kế công trình thư viện của Nhà Quốc hội. Theo tư vấn, toà nhà chỉ dành vài phòng để làm thư viện. Ông Đàn nói việc này không hợp lý vì như vai trò của thư viện quan trọng, so sánh kinh nghiệm với Hàn Quốc, nước này đã dành hẳn một tòa nhà 5 tầng nổi, 1 tầng hầm để lưu trữ và phục vụ hơn 1 triệu bản sách liên quan đến hoạt động của Quốc hội.

Công trình Nhà Quốc hội có hai tầng hầm, 5 tầng nổi, khoảng 36.540 mét vuông sàn và 26.700 mét vuông tầng hầm.

Phòng họp chính, nơi diễn ra các kỳ họp của Quốc hội, dự kiến có 600 chỗ ngồi. Nhà Quốc hội có nơi đỗ xe ngầm (500 xe), đỗ xe nổi (200 xe) và gara cho 50 xe của các vị lãnh đạo cao cấp khi làm việc tại Nhà Quốc hội. 

Xung quanh tòa nhà làm việc chính sẽ có các công trình gồm công viên lịch sử văn hóa (khu di tích 18 Hoàng Diệu).

(Theo Vietnamnet)