Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
5 thông điệp mang tính thời đại trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thứ tư: 21:09 ngày 28/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành “bảo vật quốc gia” để lại muôn đời sau. Bản văn chứa đựng 5 vấn đề mà Bác đã gói gọn trong “mấy lời để lại”.

Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân là bản văn chỉ có 1.000 từ nhưng Bác công phu chuẩn bị 4 năm liền. Năm 1965 khi tròn 75 tuổi, Bác khởi thảo lần đầu tiên và sửa lần cuối vào tháng 5/1969, khi Người 79 tuổi. Bốn tháng sau, Bác vĩnh biệt nhân dân về cõi vĩnh hằng.

Zing.vn ghi lại lời của GS Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, phân tích những thông điệp lớn trong bản Di chúc mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị, tính thời sự và thời đại.

Thông điệp thời đại

Toàn văn Di chúc Bác chỉ gọi khiêm tốn là một bức thư với “mấy lời để lại” cho toàn Đảng, toàn dân, nhưng càng đọc càng thấy sâu sắc về tư tưởng và đạo đức cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh - con người một đời hy sinh vì dân, vì nước.

Thông điệp đầu tiên Bác gửi vào trong Di chúc, đó là niềm tin tất thắng vào cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta ở 2 miền Nam - Bắc. Từ thông điệp này, Người đã truyền cảm hứng cho cả dân tộc vượt qua mưa bom, bão đạn, khó khăn, gian khổ để giành thắng lợi hoàn toàn.

Cuối cùng, lịch sử đã chứng minh tiên đoán của Bác là đúng, chỉ tiếc một điều là khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nam - Bắc sum họp một nhà, Bác lại không được chứng kiến giây phút thiêng liêng ấy.

Thông điệp thứ hai nổi bật trong Di chúc là vấn đề về Đảng, mà trước hết là tính đoàn kết. Bác căn dặn phải giữ gìn đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi trong mắt mình.

Trong lời điếu của Ban chấp hành Trung ương hôm Quốc tang Bác Hồ, lời căn dặn này đã trở thành lời thề vĩnh biệt Bác, rất thiêng liêng.

Thông điệp nói về Đảng tập trung vào 4 chữ “thật” trong đoạn viết về Đảng cầm quyền: “Phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng; thật sự cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư; phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch; xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Từ đây hiển lộ cả một tư tưởng lớn mà có thể gọi đó là chủ thuyết xây dựng đảng cầm quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một đóng góp vô giá vào lý luận cách mạng Đảng cầm quyền của các đảng cộng sản.

Ở bản viết năm 1968 - năm diễn ra sự kiện Mậu Thân, Bác trù tính giải phóng miền Nam xong thì việc đầu tiên phải làm là tập trung chỉnh đốn lại Đảng. Cho đến nay, Đảng ta vẫn đang thực hiện điều ấy bằng cách quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đẩy lùi quan liêu, tham nhũng để lấy lại niềm tin của nhân dân.

Thông điệp thứ ba, Bác nhắc tới vấn đề về con người. Người dặn việc đầu tiên phải làm là đền ơn đáp nghĩa cho những người có công, những gia đình thương binh liệt sĩ, không để họ rơi vào cảnh túng thiếu, đói khổ. Đảng phải có chủ trương, chính sách, kế hoạch thật tốt để chăm sóc đời sống của nhân dân cả hai miền Nam - Bắc.

Bác còn dặn Đảng phải giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, đưa các cháu ưu tú nhất trong công an, quân đội, thanh niên xung phong và các tầng lớp khác đi đào tạo, bồi dưỡng. Bác nhấn mạnh đây là việc rất cần thiết để các cháu trở thành đội quân chủ lực xây dựng đất nước, những người "vừa hồng, vừa chuyên".

Bác còn dặn Đảng ta phải đặc biệt quan tâm phụ nữ, tạo điều kiện cho chị em phát triển tiến bộ, đưa chị em tham gia vào công tác lãnh đạo.

Các bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được sửa đổi qua từng năm. Ảnh: Dũng Trịnh.

Rồi với tầng lớp nông dân, phải miễn thuế nông nghiệp cho bà con ngay sau khi giải phóng miền Nam để bà con yên tâm, phấn khởi sản xuất. Tư tưởng này xuất phát từ bài học của cha ông về “an dân trị quốc”.

Cũng trong phần này, Người nói về vấn đề đổi mới, đấu tranh giữa những cái cũ kỹ, lạc hậu với những cái tốt tươi, mới mẻ. Bác căn dặn để thực hiện mục đích cao cả ấy thì phải dựa vào dân, động viên sức dân, xây dựng phong trào để dân thực hiện, để dân thành chủ thể xây dựng đất nước.

Bác dặn trên mộ không cần bia đá, tượng đồng, chỉ cần ngôi nhà nhỏ để ai đến thăm Bác có chỗ nghỉ ngơi, rồi mỗi người đến thăm hãy trồng một cây làm kỷ niệm để dần dần cây sẽ thành rừng, vừa đẹp phong cảnh, vừa lợi cho nông nghiệp.

Thông điệp thứ tư liên quan đến quốc tế. Bác căn dặn Đảng ta phải làm hết sức mình củng cố tình đoàn kết quốc tế giữa các Đảng anh em. Trong Di chúc có một câu Bác viết rất cảm động, rằng càng tự hào về cách mạng bao nhiêu, Bác càng đau lòng bấy nhiêu về sự bất hòa của các đảng anh em.

Điều này cho thấy Bác là chiến sĩ cộng sản suốt đời trung thành với chủ nghĩa quốc tế chân chính. Lời dặn của Bác, Đảng ta đã thực hiện suốt 50 năm nay.

Cuối cùng, Di chúc của Người nhắc đến “việc riêng”, nhưng lại là một thông điệp rất cảm động.

Cả một đời hy sinh vì nước, vì dân đến mức khi ra đi, dường như Bác hóa thân vào dân tộc, nhân dân. Bác dặn thi hài Bác hãy được đốt (hỏa táng), sau này có nhiều điện thì điện táng, vừa tốt vì hợp vệ sinh cho người đang sống, lại đỡ tốn đất.

Bác đã linh cảm một điều mình sẽ không chờ được ngày toàn thắng nên dặn nếu Bác qua đời mà miền Nam chưa được giải phóng thì xin gửi một chút tro xương cho đồng bào miền Nam. Rồi sau đó khi sửa Di chúc, Người dặn để tro vào ba hộp sành, chia cho ba miền Bắc - Trung - Nam, để đồng bào mỗi miền tìm đồi cao chôn hộp tro đó xuống cho đỡ tốn đất, ruộng.

Bác thương mọi người, vì đất nước trải rộng, Bác không muốn đồng bào vất vả mỗi lần thăm viếng nên muốn cả ba miền đều có hình hài của Bác. Đó là một nghĩa cử cao thượng, một suy nghĩ sâu xa. Bác còn dặn trên mộ không cần bia đá, tượng đồng, chỉ cần ngôi nhà nhỏ để ai đến thăm Bác có chỗ nghỉ ngơi, rồi mỗi người đến thăm hãy trồng một cây làm kỷ niệm để dần dần cây sẽ thành rừng, vừa đẹp phong cảnh, vừa lợi cho nông nghiệp.

Đó là 5 vấn đề lớn thể hiện trong Di chúc của Bác về cả việc chung và việc riêng, việc trong nước và quốc tế, việc trong Đảng và nhân dân. Bản Di chúc đến nay đã trở thành bảo vật quốc gia để muôn đời thực hiện, bởi đó đều là những thông điệp có tính chất thời đại mà Bác gửi lại cho chúng ta trước khi Bác về với tổ tiên.

Về việc riêng, Trung ương xin phép Bác được “làm khác”

Nhắc đến Di chúc, không thể không nhắc đến thời khắc thiêng liêng khi Bác chuẩn bị vĩnh biệt nhân dân.

Lúc sắp đi, Người khóc nhiều lắm, diềm gối và phần áo trước ngực đẫm nước mắt. Nước mắt trên ngực áo Bác là nước mắt của các y, bác sĩ trong tổ y tế hồi sức cho Bác, nhưng tim Người không đập lại. Còn nước mắt quanh diềm gối là nước mắt của Bác.

Câu chuyện cảm động nhất là trước lúc lâm chung, Bác bảo chôn Bác đi, nhưng Đảng xin phép được “làm khác” ý Bác, lúc ấy Bác chỉ khóc thôi.

Những lãnh đạo cấp cao đứng quanh giường Bác, xin phép về việc riêng của Bác, mong Người yên tâm để Trung ương thảo luận và quyết định. Nhưng Trung ương xin phép được làm khác với ý Bác, để gìn giữ lâu dài thi hài Bác theo đúng tâm nguyện, mong muốn của toàn Đảng, toàn dân. Vì nếu chôn Bác đi, sau này đồng bào miền Nam ra muốn thăm Bác sẽ không được thấy Người.

Trong những ngày lâm bệnh, Bác nằm trên giường, tiết trời những ngày đó oi nồng. Nhưng khi mang quạt máy vào, Bác bảo không cần vì đã có bóng mát của cây, nên mang quạt máy vào trạm điều dưỡng cho các chú thương binh. Giường của Bác lúc nào cũng “chăn đơn gối chiếc”, chỉ có một chiếc quạt mo cau do Tỉnh ủy Nghệ An tặng để Bác nhớ về quê hương.

Thời điểm ấy, Mỹ ném bom ác liệt, đê vỡ hàng loạt. Tình huống xấu nhất được tính tới là Thủ đô Hà Nội chìm trong biển nước. Trung ương rất lo lắng cho sức khỏe của Bác, muốn mời Bác đến khu Đá Chông (Ba Vì) để chữa bệnh và an dưỡng. Nhưng, Bác khóc, Bác nói không thể bỏ dân mà đi.

Dù ốm nặng, lúc nào Bác cũng hỏi hôm nay chiến trường thắng ở đâu. Trong phòng bệnh của Người còn treo cả bản đồ chiến sự để chỉ những nơi chiến thắng cho Người vui.

Rồi khi ấy, lại sắp đến ngày khai giảng, Bác hỏi: “Các chú chuẩn bị trường sở, sách bút cho các cháu đến đâu rồi?”.

Như vậy đủ để thấy, Bác là người quên hết tất cả về mình, chỉ hướng đến nhân dân. Bác là con người một đời vì nước vì dân.

Học Bác trong lựa chọn cán bộ, làm trong sạch Đảng

Lại nói về Di chúc, ngay từ bản viết đầu tiên năm 1965, Bác căn dặn phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Mỗi đảng viên nếu hết lòng phục vụ nhân dân, làm tròn trách nhiệm sẽ có niềm tin sâu sắc ở nhân dân, như vậy thì khó khăn mấy cũng vượt qua được. Và nhất định phải xây dựng Đảng ta thành Đảng chân chính cách mạng, thật trong sạch, vững mạnh.

GS Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoài Thu.

Điều căn dặn ấy đến nay rất thời sự, có ý nghĩa rất hệ trọng trong giai đoạn chúng ta đang chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng, quyết tâm của Đảng ta là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phải chỉnh đốn, chống suy thoái, biến chất, tự chuyển hóa trong Đảng.

Ngay từ bản viết đầu tiên năm 1965, Bác căn dặn phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Mỗi đảng viên nếu hết lòng phục vụ nhân dân, làm tròn trách nhiệm sẽ có niềm tin sâu sắc ở nhân dân, như vậy thì khó khăn mấy cũng vượt qua được.

Về cán bộ, Người luôn nhấn mạnh là gốc của mọi công việc. Bác nhìn nhận con người, cán bộ như một nguồn vốn của Đảng, tài sản của quốc gia.

Nếu cán bộ tốt, cán bộ giỏi thì cách mạng phát triển thuận lợi, thắng lợi. Như thế chúng ta có lãi. Cán bộ yếu kém, hư hỏng thì cách mạng sẽ gặp khó khăn, thất bại. Như thế chúng ta lỗ vốn.

Thông điệp xuyên suốt của Đảng là kiên quyết không đưa vào đội ngũ lãnh đạo những người cơ hội, chủ nghĩa, tham lam, danh vọng, lợi dụng chức quyền, lợi ích nhóm. Và để phát hiện và sàng lọc được cán bộ yếu kém, chỉ có dựa vào dân và dựa vào tập thể, tổ chức đảng từ cơ sở.

Chúng ta phải rút kinh nghiệm vì từng phải trả giá đau đớn cho những lựa chọn sai, đánh giá sai, kiểm tra, giám sát chưa tốt khiến cán bộ hư hỏng, kể cả cán bộ cấp cao.

Có hai thông điệp quan trọng gần đây của Đảng qua phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cho thấy sự thấm nhuần từ những lời dạy của Bác, đó là lấy sự hài lòng của dân làm thước đo đánh giá năng lực lãnh đạo, hiệu quả quản lý và đánh giá cả uy tín, phẩm chất cán bộ. Niềm tin của dân với Đảng, chế độ là tài sản vô giá phải phát huy và gìn giữ, nên phải giữ Đảng trong sạch, vững mạnh.

Nguồn Zing

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục