BAOTAYNINH.VN trên Google News

50% người nước ngoài đang lao động không phép ở VN

Cập nhật ngày: 11/06/2009 - 06:30

Sáng 11.6, trong bộ áo dài đằm thắm, bà Nguyễn Thị Kim Ngân mở màn phiên chất vấn. Trước đó, nữ bộ trưởng đã nhận được 22 chất vấn bằng văn bản.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân

Trong phần đề dẫn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết, các nhóm vấn đề chất vấn Bộ trưởng Lao động tập trung vào lao động việc làm trong điều kiện kinh tế suy thoái, thực trạng lao động trong nước, khó tìm việc làm với sinh viên ra trường, trẻ em bị lạm dụng thời gian lao động, lao động Việt Nam ở nước ngoài và lao động nước ngoài vào Việt Nam...

Băn khoăn về việc trong khi lao động trong nước thiếu việc làm thì vẫn có lượng lớn lao động nước ngoài tràn vào nước ta, đại biểu Võ Thị Lý yêu cầu Bộ trưởng Ngân lý giải nguyên nhân cũng như đưa ra giải pháp xử lý.

Dường như có sự chuẩn bị trước cho câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân rành rẽ trả lời, qua khảo sát của Bộ, lao động phổ thông tràn vào Việt Nam có nhiều nguyên nhân như đi thăm người thân, du lịch... sau đó thay đổi mục đích, và hiện chưa đến 50% lao động nước ngoài ở Việt Nam có phép. Các địa phương do không nắm rõ tình hình nên khó kiểm tra.

"Lao động nước ngoài vào nhiều nhưng đóng góp lớn vào tiến độ công trình, đặc biệt, khi nhiều nhà thầu không tuyển được lao động Việt Nam. Về giải pháp, người đủ điều kiện thì cấp phép, người không đủ điều kiện thì không gia hạn visa. Ngoài ra cần tăng cường kiểm tra việc lưu trú, tạm trú", bà Ngân nói.

Băn khoăn trước những số liệu không thống nhất về tình trạng mất việc làm, đại biểu Nguyễn Đức Hiền đặt câu hỏi: "Căn cứ vào đâu để Bộ tổng hợp thống kê mất việc làm của lao động trong nước và lao động về nước?"

"Thống kê khác nhau là vì mất việc làm tăng lên. Hơn nữa, trong số 63 tỉnh, thành chỉ có 48 địa phương báo cáo đầy đủ về số lao động mất việc làm", Bộ trưởng Ngân lý giải.

Cũng theo bà Ngân, ở nước ta, số lao động phi chính thức rất lớn, còn lao động có hợp đồng, có bảo hiểm chiếm chỉ 37%. Do vậy, rất khó kiểm soát lực lượng này bởi không biết họ làm ở đâu, có việc làm hay thất nghiệp... và để quản lý lực lượng này cần có thời gian.

"Tôi tha thiết đề nghị Quốc hội cần có Luật Tiền lương tối thiểu, Luật Việc làm và Luật người nước ngoài làm việc ở Việt Nam", người đứng đầu ngành Lao động đề xuất.

(Theo VNE)