BAOTAYNINH.VN trên Google News

55 năm gìn giữ nghề tò he 

Cập nhật ngày: 22/04/2023 - 22:10

BTNO - Trong chuyến công tác tại Hà Nội, tôi có dịp gặp gỡ nghệ nhân dân gian Nguyễn Văn Đĩnh (66 tuổi, ngụ làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội), có 55 năm gắn bó nghề nặn tò he.

Ông Nguyễn Văn Đĩnh bên sạp tò he tại phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội)

Nghề “cha truyền con nối”

Làng Xuân La từ lâu nổi tiếng với nghề nặn tò he; đây không chỉ là nghề mưu sinh mà còn là nét đẹp văn hoá dân gian, được người dân ở làng gìn giữ và phát huy bao đời nay.

Sinh ra và lớn lên tại làng Xuân La, tuổi thơ của ông Đĩnh gắn liền với những con tò he đủ hình dáng, nhiều màu sắc, được tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo của cha, ông và các bậc tiền nhân, đó là lý do ông Đĩnh gắn bó với nghề hơn 5 thập kỷ qua và xem nghề như một phần cuộc sống của ông.

Ông Đĩnh chia sẻ: “Ở làng Xuân La, hầu như đứa trẻ nào cũng thừa hưởng nghề từ gia đình, lên 4-5 tuổi đã làm quen với tò he, trưởng thành có thể mưu sinh bằng nghề này. Tôi không xem đây là nghề kiếm thu nhập, mà tâm niệm làm nghề để lưu giữ truyền thống quý báu của làng”.

Trước đây, mỗi ngày ông Đĩnh đạp xe, vượt chặng đường hơn 30km từ làng ra tận đền Bà Kiệu, đền Ngọc Sơn, công viên Thủ Lệ… đem những món tò he rực rỡ sắc màu đến với trẻ em thành thị. Nay tuổi đã cao nên ông Đĩnh chỉ đi làm vào dịp cuối tuần. 

Em nhỏ được bố mẹ tặng tò he.

Khi được hỏi công thức, nguyên liệu chính để làm tò he, ông Đĩnh không ngần ngại chia sẻ, bột gạo nếp và bột gạo tẻ được pha theo tỷ lệ, rồi đem luộc chín. Kế đến chia bột thành từng vắt và nhuộm màu riêng cho mỗi vắt. Có bốn màu cơ bản là đỏ, vàng, xanh, đen. Những màu này được lấy từ rau củ tự nhiên như màu đỏ là của quả gấc, màu xanh từ lá riềng, màu vàng từ củ nghệ…

Có thời điểm nghề tò he đứng trước nguy cơ mai một, bởi thế hệ trẻ muốn chọn nghề có thu nhập cao, cùng sự xuất hiện của những món đồ chơi hiện đại khiến trẻ em dần quên đi đồ chơi dân gian. Để giữ gìn và phát triển nghề tò he, người dân ở làng Xuân La tìm mọi cách khôi phục nghề. Với sự quyết tâm của đảng bộ, chính quyền và nhân dân, nghề tò he được phục dựng và giữ vững vị trí trong lòng mỗi người dân đất Việt.

Tuổi cao, nhưng ông Đĩnh vẫn tích cực tham gia các hội chợ, sự kiện, triển lãm và sẵn lòng hướng dẫn du khách có nhu cầu tìm hiểu nghề tò he. Thế hệ con cháu của ông đều theo nghề này, ông luôn tự hào về người con trai của mình là Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Thành. Ông Đĩnh cho biết, anh Thành là người đưa ra ý tưởng thành lập Câu lạc bộ Làng nghề truyền thống tò he Xuân La và đảm nhận vai trò Chủ tịch Câu lạc bộ. Trong 2 nhiệm kỳ đầu, anh Thành đã khôi phục được các mẫu tò he cổ, quyết tâm đưa tò he song hành cùng đồ chơi hiện đại. Ngoài ra, anh Thành còn mở lớp hướng dẫn nặn tò he và tiên phong phối hợp với nhiều trường học để giới thiệu, hướng dẫn các em học sinh làm quen với nghề nặn tò he.

Với những đóng góp trong việc truyền dạy, giữ gìn và phát huy bộ môn nghệ thuật dân gian nặn tò he, ông Nguyễn Văn Đĩnh được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian năm 2010, trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; con trai ông Đĩnh là anh Nguyễn Văn Thành vừa được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân ở tuổi 45.

Bạn trẻ mua tò he tại sạp của ông Đĩnh và thanh toán với hình thức chuyển khoản.

Quảng bá nghệ thuật tò he tại hồ Gươm

7 giờ tối chủ nhật, tôi có mặt tại sạp tò he của ông Đĩnh ở phố đi bộ hồ Gươm (Hà Nội). Tại đây có hơn 10 sạp tò he được dựng đối diện đền Ngọc Sơn, rực rỡ màu sắc thu hút du khách. Chủ của các sạp tò he đều là người dân của làng nghề truyền thống Xuân La.

Chỉ với 20 ngàn đồng, du khách có thể sở hữu một mô hình tò he hoặc có thể tự tay nhào nặn tò he theo sở thích. Ông Đĩnh cho biết, ngày nay các nghệ nhân không chỉ nặn tò he với hình dáng quen thuộc về các con vật, trái cây hay nhân vật trong phim như Tôn Ngộ Không, Đoraemon… mà còn nặn người nhện, siêu nhân biến hình, công chúa Elsa, heo Peppa… để phù hợp với thị hiếu của các khách hàng nhí.

Chỉ cần vài động tác nhào nặn cùng sự khéo tay của nghệ nhân, sau vài phút, những khối màu sắc độc đáo đã biến thành hình dáng sản phẩm như yêu cầu của khách hàng. Với du khách nước ngoài hay những người trẻ ít biết đến tò he, việc đứng quan sát các nghệ nhân trổ tài là một trải nghiệm mới mẻ, thú vị.

Chị Thanh Quý, ngụ quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: “Hôm nay tôi thực hiện lời hứa khi con đạt điểm cao sẽ đưa ra phố đi bộ mua siêu nhân tò he. Vì thời tiết sắp mưa, tôi không thể cho con trải nghiệm trực tiếp, dịp sau nhất định tôi sẽ cùng con tự tay nặn tò he theo sở thích”.

Những chú tò he nhiều màu sắc thu hút du khách

Không chỉ thu hút khách trong nước, du khách nước ngoài cũng thích thú với những chú tò he ngộ nghĩnh. Ông Hattori, đến từ Nhật Bản lựa chọn mô hình tò he là các nhân vật trong truyện tranh Doraemon để tặng cháu nội. Ông cho biết ở Nhật cũng có nghề truyền thống tương tự nặn tò he ở Việt Nam, nếu như ở Việt Nam tò he là món đồ chơi thì ở Nhật tò he là một loại kẹo.

Có thể thấy, với niềm đam mê, tinh thần trách nhiệm trong bảo tồn và phát huy thành quả lao động, sáng tạo của cha ông, những nghệ nhân như ông Đĩnh, anh Thành đã và đang gìn giữ, phát huy loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

Hoàng Yến

Từ khóa
HattoriNhật Bản