Thời Sự - Chính trị   Cải cách hành chính

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông:

6/17 cơ quan cấp tỉnh, 3/9 cơ quan cấp huyện, 39/94 cơ quan cấp xã được đánh giá đạt loại xuất sắc 

Cập nhật ngày: 28/11/2021 - 16:39

BTNO - Năm 2021, việc tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh cùng với việc thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã góp phần làm thay đổi mối quan hệ giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp theo hướng hành chính phục vụ, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch tại cơ quan hành chính, giảm được tình trạng công dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần, phải gặp nhiều cơ quan, nhiều cấp hành chính để giải quyết công việc.

Thực hiện nghiêm việc đánh giá giải quyết thủ tục hành chính.

Năm 2021, các cơ quan, đơn vị đã có sự quan tâm, trách nhiệm hơn trong chỉ đạo, điều hành và nghiêm túc tổ chức thực hiện việc đánh giá giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa một cửa liên thông.

Việc đánh giá giải quyết TTHC tại cấp tỉnh (Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh) được thực hiện trên hệ thống máy tính bảng khảo sát sự hài lòng cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC đối với sự phục vụ của đội ngũ CBCCVC làm việc tại các quầy của Trung tâm.

Tại cấp huyện và cấp xã thực hiện khảo sát trực tiếp cá nhân, tổ chức bằng phiếu khảo sát và thực hiện đánh giá nội bộ theo quy định. Các thông tin phục vụ đánh giá giải quyết TTHC được kết nối với hệ thống thông tin Một cửa điện tử của tỉnh, được công khai trên Cổng, trang thông tin điện tử của tỉnh, của các cơ quan và Cổng dịch vụ công tỉnh.

Năm 2021, ở cấp tỉnh có 06/17 cơ quan được đánh giá đạt loại xuất sắc (Sở Xây dựng; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Nội vụ; Sở Tài chính; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Công Thương). 7 cơ quan được đánh giá đạt loại tốt (Sở Tư pháp; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Giao thông Vận tải; Ban Quản lý khu kinh tế). 3 cơ quan được đánh giá đạt loại khá (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Y tế). 1 cơ quan được đánh giá loại trung bình (Sở Ngoại vụ).

Ở cấp huyện có 3/9 cơ quan được đánh giá đạt loại xuất sắc (UBND thành phố Tây Ninh; UBND thị xã Trảng Bàng; UBND huyện Gò Dầu). 5 cơ quan được đánh giá đạt loại tốt (UBND huyện Tân Châu; UBND huyện Tân Biên; UBND thị xã Hoà Thành; UBND huyện Bến Cầu; UBND huyện Dương Minh Châu). 1 cơ quan được đánh giá loại khá (UBND huyện Châu Thành).

Ở cấp xã có 39/94 cơ quan được đánh giá đạt loại xuất sắc, 49 cơ quan được đánh giá đạt loại tốt, 06 cơ quan được đánh giá loại khá (UBND thị trấn Bến Cầu thuộc huyện Bến Cầu; UBND xã Thái Bình, UBND xã Trí Bình, UBND xã An Bình thuộc huyện Châu Thành; UBND xã Bàu Năng thuộc huyện Dương Minh Châu; UBND xã Suối Dây thuộc huyện Tân Châu).

Tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến có xu hướng tăng ở cấp huyện, cấp xã

Trong năm 2021, tỉnh Tây Ninh tiếp nhận 325.620 hồ sơ. Trong đó, 315.955 (97,03%) hồ sơ được giải quyết trước hạn và đúng hạn;  5.629 (1,73%) hồ sơ đã giải quyết quá hạn; hồ sơ chưa giải quyết (quá hạn 726- 0,22%), hồ sơ chưa giải quyết (còn hạn 3.313-1,02%).

Do dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp, trong năm 2021 UBND tỉnh đã ban hành 2 văn bản về việc tạm dừng tiếp nhận trực tiếp các TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã và khuyến khích người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến.

Do đó trung bình mỗi ngày thông qua số điện thoại đường dây nóng về phản ánh, kiến nghị quy định hành chính và giải quyết TTHC, Văn phòng UBND tỉnh tiếp nhận và hướng dẫn hơn 20 cuộc điện thoại liên hệ về công tác TTHC trên địa bàn tỉnh và trả lời trung bình mỗi ngày 30 câu hỏi của người dân và doanh nghiệp trên Cổng hành chính công tỉnh Tây Ninh trên mạng xã hội zalo.

Trong năm 2021, bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả các cấp tiếp nhận 64.053 (19,87%) hồ sơ nộp trực tuyến, trong đó có 4.781 (1,48%) hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 58.327 (18,1%) hồ sơ trực tuyến mức độ 4. Tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến của các đơn vị, địa phương có xu hướng tăng cao, đặc biệt là ở cấp huyện và cấp xã.

Cơ chế một cửa, một cửa liên thông được đẩy mạnh thực hiện, gắn kết chặt chẽ về quy trình, thủ tục hành chính, phân chia thời gian cụ thể, chi tiết của các cá nhân, đơn vị tham gia vào quá trình xử lý các hồ sơ liên thông. UBND tỉnh đã công bố Danh mục 477 TTHC thực hiện liên thông cùng cấp và thực hiện liên thông giữa các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 2716/QĐ-UBND ngày 16.12.2019).

Cụ thể, cấp tỉnh: 256 TTHC thực hiện liên thông cùng cấp và 41 TTHC thực hiện liên thông giữa các cấp chính quyền; cấp huyện: 110 TTHC thực hiện liên thông cùng cấp và 38 TTHC thực hiện liên thông giữa các cấp chính quyền; cấp xã: 5 TTHC thực hiện liên thông cùng cấp và 27 TTHC thực hiện liên thông giữa các cấp chính quyền.

Đồng thời, tất cả các TTHC thực hiện liên thông nêu trên đã được các cơ quan ban hành quy chế thực hiện liên thông và giao nhiệm vụ phối hợp thực hiện cho từng cơ quan bảo đảm việc phối hợp hiệu quả phục vụ tốt việc giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức.

Công tác tiếp nhận xử lý, phản ánh kiến nghị của cá nhân tổ chức về quy định hành chính được thực hiện nghiêm túc và ngày càng chặt chẽ hơn. Tỉnh đã triển khai thêm nhiều kênh giao tiếp giữa chính quyền và nhân dân như Cổng hành chính công tỉnh trên ứng dụng Zalo, kênh "Hỏi đáp trực tuyến", phản ánh, kiến nghị qua số điện thoại đường dây nóng, Tổng đài 1022, đặc biệt là qua Trung tâm Giám sát điều hành kinh tế xã hội tập trung của tỉnh… nên số lượng phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp cũng tăng lên nhiều so với trước đây.

Nhiều vấn đề cụ thể, các quy định, chính sách, TTHC các cá nhân, tổ chức hỏi được các cơ quan có thẩm quyền trả lời trực tiếp công khai, đầy đủ chất lượng tại đây. Đây cũng là các kênh thông tin quan trọng góp phần vào công tác cải cách TTHC của tỉnh.

BCXB