BAOTAYNINH.VN trên Google News

6 tháng, tổng thu ngân sách đạt 327.800 tỷ đồng

Cập nhật ngày: 30/06/2011 - 09:46

Tiếp tục phiên họp thứ 41, sáng 30.6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ tài chính, ngân sách 6 tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, tài chính ngân sách 6 tháng cuối năm.

Tham dự phiên họp có Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên chủ trì phiên họp.

Báo cáo của Chính phủ cho biết: 6 tháng đầu năm 2011, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 327.800 tỷ đồng, bằng 55,1% dự toán, tăng 22,8% so với cùng ký năm ngoái. Bội chi ngân sách ước đạt 27.780 tỷ đồng, là mức bội chi thấp nhất so với cùng kỳ một số năm gần đây. Việc rà soát, cắt giảm và điều chuyển vốn đầu tư theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ thực hiện nghiêm túc.

Giá tiêu dùng tăng cao đe dọa chất lượng sống của người nghèo.

Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng chậm lại trong các tháng gần đây và có chiều hướng giảm dần. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ: Do phải tập trung thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm có bị ảnh hưởng, ước đạt 5,57%, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. An sinh xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại đạt kết quả tốt.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng còn ở mức rất cao là 13,29%, vượt xa chỉ tiêu 7% đề ra cho cả năm. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự yếu kém của nội tại nền kinh tế. Việc điều chỉnh tăng giá một số hàng hoá thiết yếu, điều chỉnh tỉ giá, tăng lãi suất liên ngân hàng dồn dập... ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, gây phản ứng dây chuyền lên nhiều hàng hoá khác.

Về thực hiện Nghị quyết 11, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho rằng: Hướng dẫn cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ dự án chưa rõ ràng, tiêu chí chưa thống nhất. Ông Trần Đình Đàn nói: “Vấn đề đặt ra là cần cắt giảm những công trình nào, bởi đây là nơi sơ hở dễ nảy sinh tiêu cực. Đặc biệt, nhiều công trình dở dang, trong khi các công trình này thuộc Chương trình Trái phiếu của Chính phủ và một số chương trình khác. Tôi đồng tình cần thực hiện nghiêm túc Nghị Quyết 11 của Chính phủ, nhưng đề nghị cần nghiên cứu phương thức tổ chức triển khai”.

Có ý kiến nhận định, việc giảm đột ngột mức tăng trưởng tín dụng từ 31% năm 2010 xuống dưới 20% năm 2011, sẽ đạt được kết quả nhất định trong mục tiêu kiềm chế lạm phát nhưng sẽ gây những khó khăn bất thường cho nền kinh tế. Đề nghị Chính phủ giữ mức tăng trưởng tín dụng khoảng 23% như dự kiến đầu năm.

Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ nhằm đảm bảo chính sách an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo, tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng: Ở nhiều bộ, ngành, địa phương, quá trình thực thi, tuyên truyền chưa tốt làm cho người dân chưa tiếp cận được các chính sách này.

Bà Trương Thị Mai đề nghị Chính phủ tập trung để kiểm tra, tính toán các giải pháp để người dân tiếp cận các chính sách đã ban hành được tốt hơn. Ví dụ chính sách về bảo hiểm y tế, bởi năm nào Quốc hội cũng phân bổ ngân sách cho bảo hiểm y tế khoảng 10.000 tỷ, trong đó người cận nghèo cũng được thừa hưởng 1.000 tỷ, nhưng hiện nay người cận nghèo mới tiếp cận được 10%; hay như chính sách hỗ trợ giá điện. Nếu để chính sách thực sự mang lại hiệu quả hơn cho người dân thì tôi đề nghị cần tăng cường kiểm tra và tổ chức thực thi chính sách được tốt hơn. 

Về những giải pháp thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất: Cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc những giải pháp đề ra trong Nghị quyết 11 của Chính phủ; thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, linh hoạt, thận trọng, hạn chế sử dụng biện pháp hành chính gây phản ứng đột ngột cho thị trường; tích cực cân đối ngân sách, phấn đấu giảm bội chi ngân sách nhà nước dưới mức 5% ; tiếp tục thực hiện an sinh xã hội, nhất là đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.

(Theo VOV)