BAOTAYNINH.VN trên Google News

6 yêu cầu đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới

Cập nhật ngày: 14/09/2009 - 05:40

Bộ Chính trị chỉ thị phát động cuộc vận động toàn dân tham gia BHYT

Theo Chỉ thị 38-CT/TW của Ban Bí thư, song song với việc phát động cuộc vận động toàn dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), Chính phủ cần xây dựng lộ trình thích hợp để tiến đến BHYT bắt buộc toàn dân trong những năm tiếp theo. (Chỉ thị 38-CT/TW của Bộ Chính trị)

17 năm BHYT hoạt động

Ban Bí thư nhận định, sau gần 17 năm hoạt động, số người tham gia BHYT không ngừng tăng lên, từ 5,6% dân số tham gia vào năm 1993 lên 46% vào năm 2008. Người nghèo và các đối tượng hưởng chính sách xã hội đã được Nhà nước dùng ngân sách để mua và cấp thẻ BHYT nên việc tiếp cận dịch vụ y tế của các đối tượng này đã được cải thiện rõ rệt.

Cùng với ngân sách nhà nước dành cho y tế, BHYT đã tạo ra nguồn tài chính công đáng kể cho việc khám bệnh, chữa bệnh, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, trong tình hình mới hiện nay, một số hạn chế và yếu kém về BHYT đang bộc lộ như: tỷ lệ dân số tham gia BHYT chưa chiếm đa số trong nhân dân; mức đóng BHYT của các nhóm đối tượng chưa tương xứng với mức độ gia tăng của chi phí khám chữa bệnh, quỹ BHYT những năm gần đây bắt đầu mất khả năng cân đối thu, chi; thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ y tế và thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh BHYT còn gây bức xúc cho người bệnh.

Có nhiều hình thức BHYT, nhưng hình thức mang tính ưu việt nhất mà nước ta phải hướng tới trong chính sách BHYT là BHYT bắt buộc toàn dân với nguyên tắc mọi người dân đóng góp BHYT theo thu nhập cá nhân, người nghèo và người trong diện chính sách xã hội được Nhà nước hỗ trợ, nhưng khi khám bệnh, chữa bệnh hưởng theo quyền lợi đã được quy định dựa trên nhu cầu chữa bệnh.

6 yêu cầu đẩy mạnh BHYT trong tình hình mới

Chỉ thị của Ban Bí thư đưa ra 6 yêu cầu đối với các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân cần thực hiện tốt để chính sách BHYT thực sự góp phần đảm bảo an sinh xã hội và công bằng trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc và nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của BHYT.

Thứ hai, tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách BHYT. Trong đó nhấn mạnh việc phải xác định chỉ tiêu về dân số tham gia BHYT khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cấp cơ sở, đồng thời nhanh chóng khắc phục và xóa bỏ tình trạng không tham gia hay nợ bảo hiểm xã hội - BHYT kéo dài của các doanh nghiệp.

Thứ ba, đổi mới công tác thông tin, truyền thông và tuyên truyền về BHYT. Hoạt động truyền thông cần tập trung vào các đối tượng: nông dân, người cận nghèo, học sinh, sinh viên, các chủ sử dụng lao động, nhất là các chủ doanh nghiệp tư nhân.

Thứ tư, tăng cường quản lý nhà nước về BHYT và quản lý Quỹ BHYT, trong đó tăng cường quản lý Quỹ BHYT, đảm bảo cân đối giữa thu-chi quỹ, kết hợp với việc chống lạm dụng và trục lợi BHYT.

Thứ năm, tổ chức tốt việc khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo đầu tư, phân bổ ngân sách thích hợp để củng cố, phát triển mạng lưới khám chữa bệnh, đặc biệt là mạng lưới cơ sở, đáp ứng nhu cầu tại địa phương; chuyển việc chi ngân sách nhà nước cho các cơ sở khám chữa bệnh sang chi trực tiếp cho người được hưởng thụ BHYT thông qua việc hỗ trợ BHYT cho vùng nghèo, người nghèo, người hưởng các chính sách xã hội, hỗ trợ một phần mức đóng BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo.

Thứ sáu, phát động cuộc vận động toàn dân tham gia BHYT và chuẩn bị lộ trình tiến đến BHYT bắt buộc trong những năm tiếp theo.

(Theo chinhphu.vn)