Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng hiện còn sớm để nhận định tình hình dịch ở Việt Nam. Với các biện pháp quyết liệt, chúng ta tương đối yên tâm trước dịch nCoV.
15h hôm nay, 5/2, Bộ Y tế tổ chức họp báo lần thứ hai thông tin về quá trình khống chế dịch viêm phổi do chủng mới của virus corona gây ra. Ông Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Thứ trưởng Bộ Y tế, chủ trì cuộc họp.
Cơ chế lây lan của virus corona
GS.TS Nguyễn Thanh Long thông tin dịch nCoV bắt đầu từ Vũ Hán, Trung Quốc. Đến nay, các ca nhiễm tăng nhanh, con số tử vong cũng tăng hàng ngày. Tuy nhiên, hôm nay (5/2), thông tin từ Trung Quốc cho thấy có dấu hiệu lạc quan là số nghi nhiễm giảm so với trước, số người khỏi bệnh tăng lên.
Cách đây 17 năm, với dịch SARS, Việt Nam chữa thành công ca nhiễm bệnh đầu tiên. Đó không chỉ là niềm vui của riêng nước ta, mà cả thế giới cũng mừng, bởi điều này cho thấy có thể chữa và kiểm soát được bệnh dịch. Đó cũng là niềm tự hào của Việt Nam.
Ông Long nói các phương thức lây truyền chủ yếu virus corona là không khí (qua tiếp xúc các giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi), trực tiếp khi tiếp xúc người bệnh, kể cả khi bắt tay với người bệnh; lây truyền từ bề mặt đã bị nhiễm virus.
"Đặc trưng của virus khi ra môi trường không lơ lửng ở không khí nên khả năng lây qua không khí được đánh giá thấp. Chúng chủ yếu lây qua tiếp xúc các bề mặt, bởi virus tồn tại ở đó rất lâu. Đây là con đường lây đáng quan ngại. Ngoài ra, virus có thể lây qua phân từ người nhiễm bệnh”, ông Long thông tin.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo cần rửa tay thường xuyên, bởi theo thống kê từ các nghiên cứu, cứ 10 phút chúng ta có hành động vô thức là đưa tay lên mặt.
Phác đồ điều trị ở Việt Nam tiệm cận thế giới
Về điều trị, Bộ Y tế chỉ đạo tất cả bệnh viện trung ương chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là dịch lan rộng. Các bệnh viện tuyến này dự trữ 3.000 giường bệnh, các bệnh viện tại Hà Nội dự trữ 2.000 giường bệnh. Vì vậy, chúng ta chưa cần xây bệnh viện dã chiến, mà sử dụng bệnh viện sẵn có.
Ví dụ, tỉnh Khánh Hòa đưa ra các phương án nếu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới quá tải bệnh nhân, sẽ chuyển sang Bệnh viện Phổi, không đủ lại chuyển tiếp sang Bệnh viện Da liễu. Các địa phương đã chuẩn bị phương án điều trị phù hợp, nên chúng ta không quá hoang mang. Chúng ta phải có phương án tiếp đón bệnh nhân trong tình huống xấu nhất.
"Hy vọng những ngày tới có thêm nhiều bệnh nhân được xuất viện".
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Bộ Y tế đã thận trọng đưa ra phác đồ điều trị, đồng thời học tập các phương thức ở nước ngoài. Vì vậy, phác đồ điều trị của Việt Nam tiệm cận phương thức của thế giới, tương tự việc điều trị dịch SARS trước đây.
Ông Long thông tin Bộ Y tế đã chỉ đạo chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là dịch lan rộng.
"Chúng ta không giấu dịch, không che giấu bất kỳ thông tin nào. Trong bối cảnh hiện tại, chúng ta cũng không thể giấu được. Mạng xã hội có những thông tin không đúng, chúng ta phải bình tĩnh. Chẳng hạn những thông tin như cần tích trữ lương thực, thậm chí cả vàng là không đúng", Thứ trưởng Long khuyến cáo.
Với tình hình điều trị bệnh nhân dương tính với virus corona thời gian qua, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết: "Hy vọng những ngày tới có thêm nhiều bệnh nhân được xuất viện".
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết theo quy định của Luật Truyền nhiễm, sẽ miễn phí việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona cho đến khi khỏi bệnh.
"Chúng ta có thể tương đối yên tâm trước dịch"
Trước câu hỏi tại cuộc họp chiều 4/2, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu đỉnh điểm của dịch là 7-10 ngày tới, ngành y tế cho biết có sự hiểu chưa đúng về vấn đề này.
"Chúng tôi muốn nói về nhận định của chuyên gia đánh giá tình hình dịch Trung Quốc, cho rằng đỉnh dịch Trung Quốc có thể 7-10 ngày tới, không phải đỉnh dịch ở Việt Nam. Việt Nam quá sớm có thể nhận định. Nếu triển khai quyết liệt và đồng bộ có thể kiểm soát tốt hơn", ông Long nói.
Phương pháp xét nghiệm xác định người nhiễm virus corona hiện nay được toàn thế giới áp dụng là Real-time PCR (RT-PCR). Đây là phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu cao nhất. Toàn bộ quy trình của phương pháp này là 5,5-8,9 giờ, bao gồm thời gian phá mẫu, chuẩn bị mẫu hay ủ như thế nào...
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khuyến cáo người dân trong thời gian này không nên quên các dịch bệnh khác, cần tiêm phòng đầy đủ cho trẻ, không nên lo ngại quá mức dẫn đến căng thẳng.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y Tế, nói: "Tôi cho rằng còn quá sớm để nhận định tình hình dịch bệnh này. Hiện, chúng ta chưa có đủ thông tin về virus corona chủng mới. Trong 1-2 tuần tới, Trung Quốc mới cho các chuyên gia của WHO hay các chuyên gia Mỹ vào để nghiên cứu về dịch bệnh do virus corona mới. Vì vậy, các nghiên cứu về đặc điểm virus, cơ chế lây truyền hiện nay cũng chưa sáng tỏ. Chúng tôi chỉ có thể dự đoán nhưng chưa sáng tỏ, không thể khẳng định điều gì".
Dù vậy, Thứ trưởng Long khẳng định với các biện pháp quyết liệt hiện nay, chúng ta có thể "tương đối yên tâm" trước dịch nCoV.
Chống dịch quyết liệt hơn so với SARS
GS.TS Nguyễn Thanh Long cho hay đối với dịch bệnh do nCoV, Thủ tướng đã có những chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt ngay từ đầu. Quan điểm của nước ta là phải quyết liệt chống dịch.
“So với dịch SARS năm 2003, với nhiều biện pháp, chúng ta thực hiện mạnh mẽ hơn. Chúng ta đang cố gắng kiểm soát dịch do virus corona”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay.
Đối với việc hạn chế và cách ly những người trở về Việt Nam từ vùng có dịch, đại diện Bộ Y tế cho rằng đây là biện pháp quan trọng để ngăn chặn dịch vào Việt Nam.
“Khi về Việt Nam từ những vùng có dịch, người dân lập tức được cách ly. Đến hôm nay, khoảng 900 người được cách ly tại các địa phương vùng biên giới, đa số là người Việt Nam”, ông Long nói.
Hiện, nước ta đã cách ly ở 3 cấp độ: Cách ly ở các cơ sở y tế, cách ly tập trung và cách ly tại nhà có giám sát. Biện pháp này cũng được thực hiện từ năm 2003, nhờ đó nước ta mới khống chế được dịch bệnh, dù gây bất lợi cho người được cách ly. Ông Long cũng khẳng định Việt Nam đủ năng lực về xét nghiệm.
“Chúng tôi đã yêu cầu các cơ sở tiến hành tập huấn, chuyển giao công nghệ để nhiều nơi có thể xét nghiệp. Test kit hiện có nhiều nguồn, đặc biệt Việt Nam đã có thể tự sản xuất. Với tốc độ này, chúng ta yên tâm tới đây có đủ sinh phẩm để thực hiện sàng lọc một cách nhanh nhất”, ông Long khẳng định.
Bệnh nhân Li Zichao, 28 tuổi, người Trung Quốc, đã được xuất viện sau khi điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Lê Quân.
Ai cần đeo khẩu trang?
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết qua hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Y tế sẽ có sơ đồ vẽ những đối tượng nào cần đeo và cách sử dụng khẩu trang y tế, khẩu trang vải. Hướng dẫn về đeo khẩu trang đã được đăng trải trên website của Bộ Y tế.
Tất cả người thăm khám bệnh nhân đều phải đeo khẩu trang y tế, thậm chí phải mặc cả trang phục bảo hộ. Không được sờ vào mặt trong hay mặt ngoài của khẩu trang, tránh virus có thể xâm nhập qua đường miệng hoặc mũi, chỉ có thể sờ vào quai của khẩu trang.
"Trong lúc này, người khỏe mạnh cũng không nhất thiết phải đeo khẩu trang", ông Phu cho biết.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Long nhấn mạnh khẩu trang y tế là biện pháp hiệu quả để phòng lây nhiễm virus corona. Tuy nhiên, người dân cần sử dụng đúng. "Đeo sai khẩu trang cũng có thể lây bệnh", ông Long khẳng định.
Đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang vải khi đi xe máy để chống bụi và các loại virus khác.
Đồ họa: Minh Hồng.
Nguồn Zing