Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Bến phà Tạ Khoa (huyện Bắc Yên, Sơn La) nối liền hai bờ sông Đà, là điểm trọng yếu trên cung đường chuyển quân, lương thực, vũ khí cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Lần này, chúng tôi ghé thăm, ghi lại chuyện ở bến phà xưa, và được ông Trần Công Chính, Chủ tịch Hội TNXP tỉnh Điện Biên, giới thiệu gặp cựu thanh niên xung phong (TNXP) từng chiến đấu tại bến phà này…
Mỗi ngày, phà hứng 13 tấn bom
Người chúng tôi được gặp là ông Trần Ngọc Lâm (SN 1932) quê ở xã Đạo Lý (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Nhà ông Lâm hiện nay ở phố Nguyễn Chí Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, cạnh dòng sông Nậm Rốm lịch sử.
Đầu năm 1953, anh thanh niên Lâm (21 tuổi) tham gia đội thanh niên xung phong (TNXP Đội 34), rồi được cử đi làm đường Đồng Mỏ (tỉnh Lạng Sơn). Cuối năm 1953, khi chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, đội TNXP 34 được lệnh hành quân về phục vụ tại bến phà Tạ Khoa.
Ông Trần Ngọc Lâm kể chuyện về thời gian phục vụ tại bến phà Tạ Khoa.
Phà Tạ Khoa cách ngã 3 Cò Nòi chừng hơn 40km. Theo tài liệu lưu tại tỉnh Sơn La, trong chiến dịch Điện Biên lịch sử, mùa xuân năm 1954, để có thể vận chuyển con người, vũ khí và các vật lực khác lên tiền tuyến, một con đường gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng được khẩn trương xây dựng. Đó là con đường từ Lạng Sơn qua Thái Nguyên lên Yên Bái, vượt sông Hồng ở bến phà Âu Lâu, qua đèo Lũng Lô lên Phù Yên - Bắc Yên (Sơn La). Đường vận tải này vượt sông Đà ở bến Tạ Khoa, băng qua đèo Chẹn lên gặp đường 6 ở ngã ba Cò Nòi. Trong đó, đoạn từ đèo Lũng Lô qua phà Tạ Khoa sang ngã ba Cò Nòi là trọng điểm đánh phá của máy bay Pháp. Và, ngày đó, cung đường huyền thoại này cõng phần lớn khí tài từ Liên Xô, Trung Quốc viện trợ chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ.
Năm 2003, bến phà được thay thế bằng cây cầu bê tông nối đôi bờ sông Đà phục vụ việc đi lại, giao thương hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện vùng cao Bắc Yên, tỉnh Sơn La.
Đoạn đường này kéo dài, lúc đó, địch không đủ điều kiện đánh phá diện rộng, mà tập trung vào những trọng điểm xung yếu. Và bến phà Tạ Khoa là một trong những trọng điểm vượt sông Đà của bộ đội ta. Theo ngành công binh Việt Nam tổng kết, tại ngã ba Cò Nòi cứ 13 phút là có một đợt máy bay địch đánh phá, có ngày lên tới gần 70 tấn bom. Còn bến phà Tạ Khoa trên sông Đà cũng phải hứng chịu 13 tấn bom mỗi ngày.
Bến phà Tạ Khoa qua sông Đà xưa giờ đã được thay thế bằng cây cầu bê tông.
Phà Tạ Khoa xưa giờ đây được thay bằng cây cầu bê tông nối hai bờ sông Đà. Việc đi lại không còn lo ngại gì nữa. Ông Lâm nhớ lại, năm 1953 khi đến phục vụ tại bến phà này, ông là tiểu đội trưởng, cùng 12 TNXP được giao nhiệm vụ phân tán, điều tiết những đoàn xe quân sự, người qua phà. Tiểu đội của ông ăn ở, sinh hoạt cùng với một đội công binh bảo vệ phà.
Lúc bấy giờ, tiểu đội TNXP của ông Lâm được chia làm hai đội nhỏ. Một đội 6 người đóng ở lưng chừng núi thay nhau gác phát hiện máy bay do thám, đánh kẻng báo hiệu để phà tắt đèn, sơ tán phương tiện. Một đội 6 người ở dưới được chia sang 2 bờ sông làm công tác điều tiết xe, người lên phà.
Thông minh, linh hoạt
Quá trình trực chiến, đội giám sát trên núi của ông Lâm nắm được nguyên tắc hoạt động của những đội máy bay ném bom. Chúng chỉ hoạt động ban ngày, khi đi bắn phá, chúng chia thành các tốp bắn phá liên tục từ 6 giờ đến 17 giờ thì ngừng.
Ông Lâm cho biết: “Ban đêm, máy bay xuất hiện chủ yếu là để trinh sát chứ ít khi ném bom. Vì chốt của đội nằm trên lưng chừng núi nên dễ dàng quan sát phát hiện được máy bay trinh sát bật đèn pha. Khi đó, chúng tôi sẽ gõ kẻng báo để phà, xe tắt đèn, di tản ra xung quanh để không bị phát hiện”.
Ông Lâm kể, tại bến Tạ Khoa có 2 chiếc phà, luân chuyển như con thoi suốt đêm. Chiếc này sang thì chiếc còn lại quay về. Để đi đêm, trên phà được trang bị đèn báo bão để báo hiệu. “Khi đó, phà được thiết kế đơn giản lắm, công suất cũng nhỏ. Phà là những tấm gỗ lớn được ghép vào nhau rồi gắn ca nô vào dắt. Một chiếc phà khi đó có chiều rộng chừng 4,5m, chiều dài khoảng 10m. Mỗi lần sang sông chỉ chở được một xe ô tô có kéo pháo phía sau. Cứ khoảng 1 giờ thì sẽ có một chuyến chở xe tải và pháo qua sông. Trong thời gian chờ thì chở người, lương thực, đạn dược. Nếu không có phương tiện thì cứ 60 người là đủ tải một chuyến. Và nhiệm vụ của đội TNXP là phân tán, điều tiết để chuyến phà đủ tải trọng khi qua sông”, ông Lâm nhớ lại.
Di tích bến phà Tạ Khoa nay là Cầu Tạ Khoa.
Ông kể công tác giữ bí mật lúc đó được đảm bảo tuyệt đối. Ngay cả điểm lập bến phà qua dòng Đà Giang hung dữ tại Tạ Khoa cũng được cấp trên tính toán, lựa chọn kỹ càng. Bởi đoạn được chọn hoạt động phà lòng sông chỉ rộng chừng 200m, không có thác ghềnh, không có đá ngầm. Hai bên bờ sông có các dãy núi cao che chắn. Nếu máy bay có ném bom cũng sẽ rơi trên các đỉnh núi, ít có khả năng ảnh hưởng đến chuyến phà.
Thời điểm đó, phà chạy suốt đêm, đến 5 giờ sáng hôm sau cả người, xe và phà đều phải sơ tán vào rừng. Còn vị trí giấu phà cách điểm sang sông hơn 1km. Phà được đưa vào chỗ kín, có cây to ngả xuống, nhiều cành lá được chặt để che đậy. Có những lúc, phà được cho đá lên để dìm xuống dưới mặt nước.
Ông Lâm kể về một sự kiện sau Chiến dịch Điện Biên Phủ mà ông vẫn còn nhớ. Ngoài việc bộ đội lên chiến trường chiến đấu, chiến thắng trở về qua phà Tạ Khoa để về chiến khu. Mấy ngày sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đơn vị của ông nhận được tin báo sẽ có đoàn tù binh được đưa qua phà để sang Yên Bái, lên tàu về xuôi. Tù binh phải được đảm bảo an toàn, bí mật. “Nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo an toàn thông suốt, không để tù binh trốn khi qua phà. Đêm hôm đó, tất cả tù binh là các tướng tá được chở trên 5 xe tải. Còn lại hơn 16.000 lính đều đi bộ đến khu vực phà thì dừng lại. Đoàn người trải dài, hai bên là rừng núi nên cứ khoảng vài chục mét lại có một chiến sỹ của ta làm nhiệm vụ giám sát. Khi lên phà sang sông, cả tướng Đờ Cát và cả đoàn tướng tá đi cùng đều phải xuống xe. Qua ánh đèn le lói, tôi được chỉ cho biết mặt vị tướng này. Lúc đó, mặt ông ta tái sạm đi, không còn điệu bộ oai phong với chiếc mũ ca lô lệch trên đầu như người ta vẫn kể”.
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông về công tác tại Đội 34 Công trường 111 TNXP và tiếp tục lên khu vực biên giới tỉnh Lai Châu mở đường từ Pa Tần (huyện Sìn Hồ) đến Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ), rồi sau đó nghỉ hưu. Đến nay, tuy đã 92 tuổi nhưng ông Lâm vẫn còn khỏe. “Tôi đi kiểm tra định kỳ, không có bệnh tật gì. Mỗi sáng tôi vẫn đạp xe 5, 6km bên dòng sông Nậm Rốm để luyện tập, dạo mát và ngẫm nghĩ về cuộc đời mình. Và, quãng thời gian phục vụ tại bến phà Tạ Khoa là quãng đời đáng nhớ nhất của tôi”, ông Lâm bộc bạch.
(Còn nữa)
Nguồn TPO