Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
70 năm ngày mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử
Thứ tư: 09:39 ngày 13/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày 13/3/1954 là ngày mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử - nguồn cổ vũ lớn lao cho toàn thể nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Lá cờ quyết chiến quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. (Nguồn: hochiminh.vn)

Cách đây đúng 70 năm, ngày 13/3/1954 được coi là ngày mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu, hy sinh, gian khổ, Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc với thắng lợi hoàn toàn thuộc về nhân dân Việt Nam, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược (1945-1954) ở Đông Dương, miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng.

Những quyết sách đúng đắn

Tháng 11/1953, khi phát hiện hướng tiến công chiến lược của quân ta vào Tây Bắc, Lai Châu và Thượng Lào, thì ngày 20/11/1953, thực dân Pháp đã cho quân nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ, manh nha ý định xây dựng căn cứ quân sự ở đây.

Đến ngày 3/12/1953, sau khi cân nhắc kĩ vị trí chiến lược của Điện Biên Phủ, tướng Henrry Navarre, Tổng chỉ huy quân đội Viễn chính Pháp ở Đông Dương, quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược với quân đội Việt Nam. Pháp bắt tay vào xây dựng nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm kiên cố, với hệ thống binh lực, hỏa lực mạnh, hệ thống công sự chiến hào vững chắc, hàng rào dây thép gai và bãi mìn dày đặc, dưới sự dẫn dắt, chỉ huy của Đại tá De Castries, Chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Đại tá De Castries, Chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. (Nguồn: hochiminh.vn)

Pháp và Mỹ đã liên tiếp cho tăng cường lực lượng, xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, với 16.200 quân gồm 21 tiểu đoàn trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội không quân, 1 đại đội vận tải cơ giới, được bố trí thành 3 phân khu Bắc, Trung, Nam với 49 cứ điểm;

Hệ thống hỏa lực mặt đất có 2 tiểu đoàn pháo 105mm, 1 đại đội pháo 155mm, 1 đại đội súng cối 120mm được bố trí ở Mường Thanh và Hồng Cúm; 2 sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm với gần 100 lần máy bay lên, xuống mỗi ngày có thể vận chuyển khoảng 200 đến 300 tấn hàng và thả dù từ 100 đến 150 tên địch.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được tướng Navarre coi như “một pháo đài không thể công phá”, là nơi thu hút để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta.

Trước tình hình đó, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp bàn, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến, thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đảng ủy mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch.

Sau khi Điện Biên Phủ được chọn làm điểm quyết chiến, chiến lược trong Đông Xuân 1953 – 1954, nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu là sửa đường, mở đường để hành quân, vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược vào mặt trận, đặc việt là công tác mở đường đưa pháo vào trận địa. Thực hiện phương án tác chiến “Đánh nhanh, thắng nhanh”, chiều ngày 16/1/1954, quân ta bắt đầu kéo pháo vào trận địa.

Tuy nhiên, do tình hình địch có nhiều thay đổi cùng với việc kéo pháo vào của quân ta gặp nhiều khó khăn, chưa kịp chiếm lĩnh trận địa nên ngày nổ súng được lùi từ 20/1 đến 25/1/1954 và sau đó chuyển sang ngày 26/1/1954.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp bàn, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến, thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đảng ủy mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. (Nguồn: hochiminh.vn)

Thế nhưng, Bộ chỉ huy chiến dịch nhận thấy, nếu đánh theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” thì khó bảo đảm “chắc thắng”. Trên cơ sở phân tích so sánh tương quan lực lượng, đánh giá khả năng của ta và địch tại Điện Biên Phủ, đặc biệt là thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng tập thể Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch bàn bạc, thống nhất quyết định thay đổi phương châm tác chiến, chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Đầu tháng 3/1954, sau khi mọi công tác chuẩn bị cho chiến dịch theo phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” cơ bản được hoàn tất, ngày 13/3/1954 được chọn là ngày mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đúng 17h ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tấn công cứ điểm Him Lam, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Phát huy cao nhất sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Trước Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã mở nhiều chiến dịch lớn, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã được động viên và phát huy. Đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, sức mạnh đó đã được phát huy ở mức cao nhất trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Phối hợp với Điện Biên Phủ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, quân và dân ta ở khắp các địa phương trên cả nước, từ Tây Bắc, Liên khu III, Tả Ngạn, đến Bình-Trị-Thiên, Liên khu V, Nam Bộ... đều đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, liên tiếp tiến công tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai và nhân dân, buộc thực dân Pháp phải phân tán lực lượng khắp nơi để đối phó.

Bên cạnh đó, các lực lượng thanh niên, phụ nữ khắp mọi miền đất nước đều tích cực tham gia các hoạt động đấu tranh chính trị, “phá tề trừ gian”, binh, địch vận... phối hợp với Điện Biên Phủ.

Trận quyết chiến Điện Biên Phủ diễn ra ở địa hình rừng núi hiểm trở, xa hậu phương, có nhiều đèo cao, vực sâu, mạng lưới giao thông chiến lược hầu như chưa có. Trong khi đó, miền Tây Bắc vừa được giải phóng, kinh tế còn chậm phát triển, đời sống của đồng bào còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Chính vì vậy, để bảo đảm một khối lượng lớn vật chất hậu cần, kỹ thuật cho một chiến dịch lớn chưa từng có và diễn ra dài ngày là điều cực kỳ khó khăn, đòi hỏi phải phát huy cao độ bản lĩnh và trí tuệ của cả dân tộc.

Trước tình hình đó, Đảng ta đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cả hậu phương và tiền tuyến nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời mọi yêu cầu của bộ đội trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch.

Hàng trăm nghìn dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn hướng về Điện Biên Phủ để bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch. (Nguồn: hochiminh.vn)

Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, tính chung trong Chiến dịch, nhân dân ta đã đóng góp 25.560 tấn gạo, 226 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt dân công, 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền.

Ở nhiều nơi do địch đánh phá không làm kịp, để có lương thực kịp thời nuôi bộ đội, đồng bào đồng ý giao cả những rẫy lúa, nương ngô cho các đơn vị tự thu hoạch rồi sau ghi số lại.

Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn giã gạo vào cả ban đêm cho bộ đội, điều mà trước đó theo phong tục lâu đời rất kiêng kỵ. Chỉ có sự tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào Bác Hồ, đồng bào mới sẵn sàng đóng góp cho Chiến dịch như vậy.

Đó là một nỗ lực phi thường thể hiện bản lĩnh của một dân tộc, một đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, đang phải tiến hành cuộc kháng chiến cứu nước trường kỳ đầy gian khổ, hy sinh. Truyền thống đoàn kết dân tộc, tư tưởng đại đoàn kết trong thời đại Hồ Chí Minh đã được phát huy mạnh mẽ, thể hiện tinh thần cả nước đồng lòng, toàn dân đánh giặc.

70 năm đã trôi qua nhưng tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn là nguồn cổ vũ lớn lao cho toàn thể nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đặc biệt, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta đã, đang và mãi tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc ra vững bước trên con đường xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Nguồn baoquocte (tổng hợp)

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục