Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 3.9 tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức giao ban tình hình hoạt động công nghiệp và thương mại tháng 8 và 8 tháng năm 2013. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng dự và chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo tại buổi giao ban, điểm sáng tiếp tục nằm ở khu vực xuất khẩu. Nhập khẩu được kiểm soát tốt. Công nghiệp tuy tiếp tục đà tăng trưởng, nhưng mức tăng có thấp hơn so với tháng 7.
Cụ thể, theo Bộ Công Thương, tình hình sản xuất công nghiệp tháng 8 ước tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp khai khoáng giảm 5,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,9%; sản xuất và phân phối điện năng tăng 8,4%... Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các ngành có tốc độ tăng cao gồm: khai thác khí đốt tự nhiên, sản xuất đồ uống, dệt, sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy, sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất…
|
8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước (Ảnh: K.D) |
Về tình hình tiêu thụ, toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 7 chỉ tăng
0,9% so với tháng trước và tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7
tháng, chỉ số tiêu thụ tăng 9,2% so với cùng kỳ, trong đó một số ngành tiếp tục
có mức tiêu thụ tăng ổn định như: sản xuất bia tăng 9%; sản xuất thuốc lá tăng
6%; sản xuất giày, dép tăng 30,5%; sản xuất thiết bị điện tăng 23,4%...
Ông Huỳnh Tất Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết: chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tại thời điểm 1.8.2013 tăng 9% so với cùng thời điểm 2012, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho cao như: sản xuất sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 25,7%; sản xuất đồ uống tăng 59,6%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 81,6%... Những ngành có chỉ số tồn kho giảm nhiều so với cùng thời điểm năm 2012 gồm: sản xuất vải dệt thoi giảm 28,3%; sản xuất phân bón và hợp chất nitơ giảm 3,9%.
Mặc dù có sự
cải thiện trong ngành công nghiệp, tuy nhiên một số ngành sản xuất công nghiệp
vẫn đang rất khó khăn như ngành thép, ngành phân bón và hóa chất… Ông Nguyễn
Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, ngành thép hiện đang
rất khó khăn, đầu vào tăng nhưng đầu ra không tăng vì sức tiêu thụ kém. Hiệp hội
đang phải can thiệp vì một số doanh nghiệp hiện đang bán sản phẩm dưới giá
thành. Dự kiến tháng 9, nhiều doanh nghiệp thép buộc phải điểu chỉnh tăng giá.
Ông Nghi cũng cho biết, trong 7 tháng, lượng tiêu thụ thép tăng 3%, điều này là do xuất khẩu tăng chứ không phải do sức tiêu thụ của thị trường. Để giảm lượng thép tồn kho, ngoài 4 doanh nghiệp đang xuất khẩu hiện nay, Hiệp hội khuyến khích các doanh nghiệp thép khác tăng cường xuất khẩu.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), tháng 8 sản lượng khai thác và sản xuất giảm do ảnh hưởng mưa, bão liên tiếp ngay từ đầu tháng. Hoạt động tiêu thụ than cũng chưa được cải thiện do các hộ sản xuất cầm chừng, ước giảm 25,5% so với tháng 7 và giảm 25,3% so với tháng 8 năm 2012; tính chung 8 tháng giảm 40,2% so với cùng kỳ. Xuất khẩu than giảm một phần là do khó khăn về tiêu chuẩn chất lượng từ thị trường Trung Quốc. Tính đến hết tháng 8, tồn kho là 5,8 triệu tấn than tiêu chuẩn các loại. Vinacomin cho rằng, nguyên nhân chính do Chính phủ tăng thuế xuất khẩu than từ 10% lên 13%.
Trước những ý kiến trên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, theo đề xuất của Vinacomin, Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh thuế tài nguyên. Ngày 1.9, Bộ Tài chính đã trình lên Thủ tướng và Thủ tướng đồng ý điều chỉnh thuế suất than từ 13% quay về 10%. Với động thái này, hy vọng tình hình sản xuất than đạt kết quả khả quan hơn.
Về xuất khẩu gạo, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, cấp phép cho các thương nhân đầu mối, khống chế không quá 150 đầu mối trong tiêu chí xem xét. Trước hết ưu tiên doanh nghiệp có vùng nguyên liệu có sẵn; các doanh nghiệp có hợp đồng tiêu thụ với lúa gạo của nông dân. Trong trường hợp doanh nghiệp liên tục 2 năm liền không đạt được khối lượng xuất khẩu trên 2 ngàn tấn thì sẽ rút giấy phép./.
Theo cpv.org.vn