Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Bất chấp việc Mỹ- NATO gây áp lực trên chiến trường và nhân vật số 2 vừa bị bắt giữ, Taliban vẫn kiên quyết bác bỏ lời đề nghị đàm phán hoà bình của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai.

Bất chấp việc Mỹ- NATO gây áp lực trên chiến trường và nhân vật số 2 vừa bị bắt giữ, Taliban vẫn kiên quyết bác bỏ lời đề nghị đàm phán hoà bình của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai.
Tại một hội nghị về Afghanistan ở London (Anh) hồi tháng 1.2010, các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết ủng hộ việc ông Karzai đề ra kế hoạch đàm phán với các thành viên Taliban chấp nhận từ bỏ bạo lực, và sẵn sàng chi hàng trăm triệu đô-la cho “dự án” mua chuộc các tay súng hạ vũ khí. Song song đó, Mỹ và NATO tăng cường các chiến dịch quân sự ở các tỉnh miền Nam – nơi được xem là địa bàn hoạt động của Taliban. Ngoài ra, tình báo CIA còn phối hợp với an ninh Pakistan tiến hành nhiều “phi vụ đặc biệt” ở vùng biên giới Pakistan giáp Afghanistan. Đây được xem là động thái gây áp lực buộc Taliban phải xem xét lại đề xuất của ông Karzai.
![]() |
Lính thuỷ đánh bộ Mỹ cõng một người lính Afghanistan bị thương về tuyến sau khi đụng độ với Taliban ở Marjah, tỉnh Helmand hôm 20.2. Ảnh: AP |
Bước đầu, Mỹ và NATO đã đạt được những thắng lợi nhất định. Chỉ trong tháng 2 này đã có 3 thành viên cao cấp của Taliban bị bắt giữ, trong đó có nhân vật số 2, Mullah Abdul Ghani Baradar. Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự cho rằng, Taliban là một lực lượng có tính thích nghi cao với tình hình, họ nhanh chóng hồi phục ngay cả khi vị lãnh tụ tối cao nhất bị bắt giữ. Trong chiến dịch quân sự hiện đang đang diễn ra ở miền Nam Afghanistan, liên quân Mỹ-NATO và Afghanistan hầu như ít khi vấp phải kháng cự của Taliban. Lực lượng này thường sử dụng chiến thuật tránh trực tiếp đối đầu, nhưng thường xuyên thực hiện các cuộc tấn công, đánh bom tự sát mang tính chất bất ngờ. Điều đó cũng có nghĩa là chiến lược của Tổng thống Mỹ Barack Obama không dễ dàng đạt được mục đích cuối cùng: bình ổn an ninh và rút binh lính khỏi Afghanistan vào cuối năm 2011.
Hôm 21.2, bình luận về lời đề nghị của Tổng thống Afghanistan Karzai, người phát ngôn Taliban Qari Mohammad Yousuf nhấn mạnh: “Ông ta (Karzai) là con rối của Mỹ, vì thế ông ta không thể đại diện cho quốc gia hay chính phủ… Karzai ngày càng chìm sâu vào những bê bối tham nhũng, và đang bị đám lãnh chúa vây quanh nhằm trục lợi, làm giàu”.
Nếu như tại Mỹ, dư luận trong nước liên tục gây sức ép buộc Tổng thống Barack Obama phải chấm dứt hai cuộc chiến vô nghĩa tại Iraq và Afghanistan thì tại Hà Lan, chính phủ liên hiệp của của Thủ tướng Jan Peter Balkenende đã sụp đổ khi hai đảng phái lớn nhất không đạt được thoả thuận việc có nên rút 2.000 binh lính ra khỏi Afghanistan trong năm 2010 này hay không.
“Người dân Hà Lan đã nhận thức được cái gì thật sự đã và đang diễn ra trong cuộc chiến Afghanistan, vì thế họ muốn con em của họ về nước” – Yousuf bình luận.
Sự sụp đổ của chính phủ liên hiệp tại Hà Lan là một dấu hiệu chẳng lành đối với liên minh 40 quốc gia có binh lính đang vất vả chiến đấu trước một Taliban ngày càng trở nên khó tiêu diệt.
Đặng Hoàng Thái
(Theo Reuters/AP/BBC)