Thể thao   Bóng đá

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ai có thể hưởng lợi từ thể thức mới của V-League? 

Cập nhật ngày: 05/06/2020 - 11:52

Hà Nội từng vô địch năm trong 10 mùa gần nhất, nhưng thể thức mới của V-League 2020 có thể làm thay đổi trật tự này.

Hà Nội FC là đội bóng rất giỏi trong những cuộc đua đường dài, điều cũng dễ hiểu khi họ có tiềm lực tài chính và lực lượng dồi dào. Như năm ngoái, dù phải đá đến 11 trận ở châu Á, lại đóng góp cầu thủ nhiều nhất cho các đội tuyển, Hà Nội vẫn lập cú đúp vô địch V-League và Cup Quốc gia. Nghĩa là, với một đội như Hà Nội, giải càng kéo dài, họ càng có lợi.

Từ khi lên chơi V-League năm 2009, Hà Nội hai lần đứng đầu ở giai đoạn một, vào các năm 2017 và 2018. Nhưng chỉ một lần họ tận dụng được ưu thế đó để vô địch, đó là mùa giải 2018 khi họ phá hầu hết mọi kỷ lục về chuyên môn với đội hình "vô đối". Còn mùa 2017, Hà Nội hơn Quảng Nam ba điểm và đá ít hơn một trận (12 so với 13) khi kết thúc giai đoạn một, nhưng cuối mùa lại về sau đối thủ miền Trung với hai điểm ít hơn.

Thể thức thi đấu mới của V-League có thể khiến Hà Nội (áo tím) gặp khó khăn nhiều hơn trên đường bảo vệ ngôi vô địch. Ảnh: Lâm Thỏa.

Ngược lại, trong 10 mùa đã chơi, có hai mùa Hà Nội xuất phát rất tệ. Năm 2009, khi vừa thăng hạng, đội bóng của HLV Triệu Quang Hà đứng chót bảng giai đoạn một với vỏn vẹn 12 điểm, nhưng sau khi bầu Hiển mời Nguyễn Hữu Thắng cầm quân, đội kết thúc với vị trí thứ tư cùng 35 điểm, trong đó, họ thắng tới tám trong 13 trận ở giai đoạn hai.

Năm 2016 thậm chí còn hoành tráng hơn, khi Hà Nội thua đến sáu trận ở giai đoạn một, chỉ đứng thứ bảy, thua đầu bảng Hải Phòng đến 13 điểm. Tình hình căng đến mức, Hà Nội có đến hai lần thay HLV (Phạm Minh Đức thay Phan Thanh Hùng, sau đó bị Chu Đình Nghiêm thế chỗ). Vậy mà cuối mùa, họ lại vô địch với 50 điểm ngang Hải Phòng.

Như vậy, nếu đứng ở góc độ của Hà Nội mà phân tích, thì khi mùa giải chỉ còn 20 vòng, thay vì 26 vòng, cơ hội vô địch của họ sẽ bị thu hẹp đi nhiều. Hiện tại, sau hai vòng đầu tiên, Hà Nội thắng một và thua một, coi như đánh mất lợi thế không nhỏ.

Câu hỏi đặt ra là: Bên cạnh hy vọng Hà Nội sẽ sẩy chân, các đội bóng khác có tận dụng được những thay đổi về thể thức thi đấu để đánh chiếm ngôi vương của đội bóng thủ đô hay không?

Điểm đáng chú ý nhất của thể thức thi đấu này là nhiều khả năng, số trận thắng trong mùa sẽ ít hơn trung bình những mùa trước. Theo thống kê chung, đối với giải đá 26 vòng, nếu đội nào đạt đến con số 14 trận thắng sẽ chắc chắn nằm trong hai vị trí đầu. Tỷ lệ trận thắng để vô địch vào khoảng 53% đến 55%. Nhưng khi chia thành hai nhóm mạnh – yếu ở giai đoạn hai mùa này, thì các trận đấu giữa đội quá mạnh với đội quá yếu sẽ giảm đáng kể. Ngược lại, số trận đấu có tính chất quyết liệt lại tăng lên do cơ hội của các đội mạnh ở giai đoạn hai gần như nhau. Cộng hai yếu tố này với nhau, tỷ lệ trận thắng sẽ khó tăng mà phải giảm.

Như vậy, với chỉ 20 trận phải đá, nhà vô địch mùa này nhiều khả năng chỉ đạt mức 10 trận thắng (50%). Dựa trên phân tích đó, các đội phải cố gắng tích lũy số trận thắng ở 13 trận đầu tiên giai đoạn một (vẫn còn 14 đội) càng nhiều càng tốt. Đầu bảng TP HCM đang có hai trận thắng, nếu họ tìm thêm được năm hay sáu chiến thắng trong 11 trận còn lại ở giai đoạn một, thì sẽ đạt đến con số bảy hoặc tám.

Nếu trong số đó có trận thắng trực tiếp trước Hà Nội tại vòng 11 (dự kiến ngày 24/7) khi được đá trên sân nhà Thống Nhất, thì mọi việc lại càng thuận lợi với thầy trò HLV Chung Hae-seong, vì khi đó, số trận thắng của Hà Nội sẽ bớt đi ít nhất một trận. Mùa trước, TP HCM đã làm được điều này với tám trận thắng.

Theo điều lệ mới nhất, kết quả thi đấu của hai giai đoạn sẽ được cộng chung, qua đó kích thích các đội phải gắng sức suốt cả mùa giải. Đội đá tốt 13 trận đầu tiên, càng có lý do để nỗ lực thêm bảy trận nữa để tranh vô địch. Ngược lại, đội đá không tốt ở giai đoạn một thì vẫn còn cơ hội để thay đổi số phận bằng những trận đấu "được ăn cả, ngã về không" ở giai đoạn hai, khi mà họ không còn phải lo lắng về rủi ro rớt hạng.

Chính tính chất cạnh tranh của giai đoạn hai càng khiến cho việc tích lũy trận thắng ở giai đoạn một sẽ mang yếu tố quyết định cuộc đua vô địch. Xét theo yếu tố này, Hà Nội đang gặp bất lợi. Ngoài ra, việc phân hai nhóm đấu có thể sẽ khiến cho các đội bị nghi ngờ cùng nhóm "năm đánh một" với Hà Nội có thể bị chia nhỏ, càng khiến các ứng cử viên khác có thêm tự tin.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa cứ đá tốt giai đoạn một thì sẽ vẫn đá tốt ở phần còn lại. Về chất lượng chuyên môn cũng như các yếu tố đẳng cấp, V-League vẫn còn hạn chế, nhưng nói về các yếu tố kịch tính, bất ngờ thì giải đấu số một Việt Nam lại chẳng thiếu những cú "twist" (xoay chuyển cốt truyện) đỉnh cao như trong phim Hollywood.

Trong 18 mùa giải V-League đã qua, chỉ sáu đội từng đứng nhất giai đoạn một lên ngôi vương vào cuối mùa, tức tỷ lệ chỉ 33%. "Ngoạn mục" nhất phải kể đến mùa 2006, Đà Nẵng khi đó dẫn đầu giai đoạn một với khoảng cách 11 điểm so với Đồng Tâm Long An nhưng kết thúc mùa giải họ lại xếp ở vị trí thứ 7, kém Đồng Tâm Long An đến sáu điểm, tức là chỉ kiếm được 10 điểm suốt 13 trận giai đoạn hai. 

Đến mùa 2010, đội bóng sông Hàn tại "tái diễn" bi kịch ấy khi đứng đầu giai đoạn một nhưng lại chỉ kiếm được 13 điểm ở giai đoạn hai, tụt xuống thứ sáu chung cuộc. "Kỳ tích" của Đà Nẵng được tái hiện với Hải Phòng năm 2016, khi vô địch giai đoạn một sớm đến hai vòng đấu, bỏ xa đội xếp sau đến chín điểm nhưng cuối cùng lại về nhì sau Hà Nội do kém hiệu số.

Ở chiều ngược lại, ngoài pha "ngược dòng" lịch sử của Hà Nội năm 2009 - đứng chót giai đoạn một, nhưng về thứ tư chung cuộc, thì ở mùa 2006, Đồng Tâm Long An chỉ xếp thứ 12 giai đoạn một nhưng sau đó lại lên ngôi vô địch. 

Nguồn VNE