Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ai mới là người lợi dụng dịch bệnh ?
Chủ nhật: 22:49 ngày 13/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong khi lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan chuyên môn đang tập trung cao nhất để phòng chống dịch thì có những người cầm bút có chút ảnh hưởng đến công chúng lại không ngừng khoét sâu những khó khăn của đất nước.

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến ngày càng khó lường, ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới đối mặt nhiều thách thức. Ở Việt Nam, đợt dịch lần thứ tư này có diễn biến khác ba đợt trước ở hai điểm, đó là xuất hiện chủng virus mới và dịch bùng phát trong khu công nghiệp, nơi tập trung hàng chục, hàng trăm ngàn lao động.

Trong khi lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan chuyên môn đang tập trung cao nhất để phòng chống dịch thì có những người cầm bút có chút ảnh hưởng đến công chúng lại không ngừng khoét sâu những khó khăn của đất nước.

“Dịch bệnh toàn cầu vào đúng năm cuối nhiệm kỳ nhân sự. Sa đà vào làm hình ảnh chống dịch trước mắt mà không (chịu) nhìn vào bản chất của một chu kỳ dịch bệnh, nhìn xa hơn, vào điểm kết là vaccine. Giờ các nước tạo ra và sản xuất được vaccine họ có ưu thế hơn cả có vũ khí hạt nhân. Ðàm phán đều ở cửa trên. Ðưa ra điều kiện gì cũng phải chấp nhận.

Thông qua câu chuyện vaccine thì lại thấy thêm: Giáo dục khai phóng và tự do nghiên cứu sáng tạo, từ thể chế chính trị đến môi trường xã hội, tạo nên thế mạnh dân tộc ra sao”.

Ðoạn văn nêu trên (có sửa hai lỗi chính tả) là của một người từng đứng đầu một tờ báo ở TP. Hồ Chí Minh. Từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát ở Việt Nam, người này liên tục có nhiều bài viết trên trang cá nhân với nội dung khoét sâu những khó khăn của đất nước.

Không dừng lại ở đó, người này còn công kích trực tiếp những người lãnh đạo tối cao của đất nước và đặc biệt, người được giao đứng đầu về công tác phòng chống dịch bệnh. Trở lại vấn đề chính, người này bình luận rằng, dịch bệnh xảy ra vào cuối nhiệm kỳ, chuẩn bị đại hội nên lãnh đạo sa đà vào làm hình ảnh chống dịch trước mắt, không tính đường dài, trong đó có việc chuẩn bị vaccine.

Nhận định vừa nêu, xét theo “tự do ngôn luận” là quyền của người viết, họ có quyền nêu ra ý kiến cá nhân. Nhưng ở đây, cần phân biệt cho được tự do ngôn luận với việc cố ý công kích, quy chụp, thậm chí vu khống người khác, dù người đó là ai, lãnh đạo hay dân thường.

Dựa vào đâu để nói rằng, lãnh đạo Chính phủ cuối nhiệm kỳ vừa qua tận dụng cơ hội dịch bệnh để “làm hình ảnh” nhằm đánh bóng vai trò cá nhân mình? Khác với một số nước thuộc “xứ sở tự do”, công tác cán bộ, bố trí cán bộ ở Việt Nam, đặc biệt ở cấp cao, chuyện mượn báo chí, truyền thông để “làm màu, đánh bóng” chưa và không bao giờ là lựa chọn của lãnh đạo.

Cho dù người này người kia, vì tính chất công việc phải xuất hiện nhiều lần trước báo chí nhưng chắc chắn, đây không phải là cách để thăng tiến. Ðặt trong điều kiện cụ thể của đại dịch Covid-19, việc một số vị lãnh đạo Nhà nước hoặc của các cơ quan chuyên môn, xuất hiện trước báo chí để cung cấp thông tin là điều bình thường, thậm chí đáng được hoan nghênh. Hiện tại, không có bất kỳ dấu diệu nào đáng tin cậy để “kết luận” các vị lãnh đạo cao nhất mượn dịch bệnh để đánh bóng cá nhân mình.

Trong ba đợt dịch trước, việc Việt Nam khống chế thành công dịch bệnh là sự thật hiển nhiên. Ðây không phải góc nhìn, đánh giá chủ quan của người dân ở trong nước theo kiểu “nhà trồng được”. Sự thành công trong ba đợt chống dịch trước đây, cả báo chí phương Tây và nhiều chính phủ trên thế giới đều thừa nhận.

Cách nay chừng ba ngày, chương trình thời sự lúc 19 giờ trên VTV1, một cặp vợ chồng người Vương quốc Anh, khi được tin đợt dịch thứ tư bùng phát ở Việt Nam đã gửi lời chúc Chính phủ, Nhân dân Việt Nam sớm khống chế được dịch bệnh.

Chính hai vợ chồng này trong thời gian đi du lịch ở Việt Nam, bị nhiễm bệnh Covid-19. Cả hai người tưởng đã chết nhưng họ được bác sĩ Việt Nam “đưa về từ cõi chết”. Hình ảnh trên VTV1 cho thấy, đến giờ, cả hai ông bà vẫn còn xúc động khi nhắc đến thời điểm họ được bác sĩ Việt Nam giành giật mạng sống cho họ.

Không chỉ quy chụp, vu khống lãnh đạo mượn dịch bệnh để đánh bóng hình ảnh, nhân vật viết bài nêu trên còn thể hiện tính cơ hội chủ nghĩa, “trở mặt như trở bàn tay”. Vào khoảng năm 2018, khi dịch bệnh chưa xuất hiện, người này có nhiều bài viết ca ngợi người đang đứng đầu về phòng chống dịch hiện nay.

Sau đó, khi dịch mới xuất hiện, người này cũng có bài viết đánh giá cao các vị lãnh đạo. Nhưng, chỉ một thời gian sau, chính tác giả này không ngừng công kích, bỉ bôi người mà bà ta từng ca ngợi nhiều lần trước đó. Thậm tệ hơn, bà ta nói rằng, ông V.Ð.Ð chỉ lo giữ hình ảnh, lo nói sao cho “tròn trịa” còn chống dịch không hiệu quả.

Theo dõi trên truyền hình sẽ thấy, chỉ hơn một năm giữ trọng trách đứng đầu quốc gia về phòng, chống dịch, vị lãnh đạo này tóc bạc gần hết. Ðiều này được khẳng định thêm bằng chi tiết, tại một kỳ họp của Quốc hội khoá XIV, chính Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân công khai động viên trên sóng truyền hình trực tiếp, “đồng chí nên nghỉ ngơi một chút để phục hồi sức khoẻ”.

Vậy, lời nói, bài viết của nhân vật kia có phải “nhổ ra rồi liếm” không?

Chưa dùng lại ở đó, mấy ngày gần đây, nhân vật này liên tục tung ra nhiều bài viết công kích Chính phủ về vấn đề thiếu vaccine để phòng ngừa dịch bệnh Covid-19. Người này dẫn chứng một số quốc gia có tỷ lệ dân số được tiêm phòng ngừa cao hơn Việt Nam, rồi nói rằng, Chính phủ thiếu chuẩn bị, chống dịch kiểu thời vụ.

Câu chuyện vaccine cần được nhìn nhận sòng phẳng. Nghĩa là gì? Có nghĩa, trong nước đang thiếu vaccine là có thật, thậm chí, số thuốc đã có chưa đáng là bao so với nhu cầu. Nhưng chỉ nhìn vào vài con số thuần tuý, sẽ là phiến diện, dẫn đến nhiễu loạn thông tin. Không phải chờ đến khi dịch bệnh lần thứ tư bùng phát, Chính phủ mới “cuống cuồng tìm nguồn cung cấp vaccine”.

Khi dịch bệnh mới xuất hiện, chính xác là ngày 23.1.2020, ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam, vấn đề vaccine đã được nêu ra. Các cơ quan chuyên môn, viện nghiên cứu của Bộ Y tế và cả cơ sở y tế của quân đội bắt tay bào chế, phát triển vaccine.

Nhưng, phát triển vaccine không thể thực hiện trong thời gian ngắn, nó phụ thuộc tiềm lực công nghệ, trình độ nghiên cứu. Cho đến nay, qua các phương tiện thông tin, việc phát triển vaccine đã có bước tiến và thông tin mới nhất cho thấy, một cơ sở y tế sẽ cho ra sản phẩm vaccine hoàn toàn của Việt Nam.

Như vậy, việc nói rằng lãnh đạo chỉ lo làm hình ảnh, không tập trung tìm thuốc chữa bệnh, là sai sự thật. Trong nước chưa sản xuất được, việc tìm nguồn cung vaccine từ nước ngoài để tiêm phòng cho người dân có gì sai? Ðó còn chưa kể, như lời của Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam phát biểu với báo chí, không phải chúng ta không có tiền mua, cái khó nhất hiện nay là nhu cầu vaccine đang rất cao trên toàn thế giới, kể cả những quốc gia dẫn đầu về công nghệ sinh học.

Thế giới phẳng rất dễ kiểm chứng thông tin, nếu ai đó suốt ngày bỉ bôi, chỉ trích Chính phủ chậm chạp trong khâu chuẩn bị vaccine, thử lên mạng tìm hiểu xem thế nào. Thời điểm này, ngay tại nước Úc, quốc gia phát triển tốp đầu thế giới, người dân cũng đang chờ để được tiêm vaccine và chưa biết đến khi nào đảo quốc này mới tiêm chủng được cho toàn dân của họ.

Cần lưu ý, ngay cả khi có tập đoàn dược nào của nước ngoài chào hàng, thì việc có nhập vaccine ngay lập tức hay không, cũng còn nhiều yếu tố phải cân nhắc thận trọng. Một tài khoản viết, trích nguyên văn: “Vì bọn tội phạm quốc tế đang lợi dụng tình trạng khan hiếm của thị trường để “lừa đảo vắc-xin”, bọn cò đểu với đủ thứ vỏ bọc đang tự nhận là đại diện của các nhà sản xuất vắc-xin để chào bán và nhận cọc, khi Bộ Y tế nhận được thông tin đã xác minh thì 100% các thông tin báo về là sai sự thật - nếu không cẩn trọng thì thiệt hại kinh tế không thể nào đong đếm được.

Ðó là lý do Chính phủ phải giao cho Bộ Y tế chủ trì. Không phải cứ có tiền là đạp cửa bắt “bọn sản xuất” giao vắc-xin ra cho ta mang về “cứu dân, cứu nước! Vì nhà sản xuất chỉ bán cho đơn vị đủ năng lực bảo quản và phân phối vắc-xin, tức là mua về phải có kho trữ, phải có chiến lược tiêm chủng chứ không phải mua về để chụp hình câu like.

Tức là dù ông có cả tỷ đô nhưng cũng không thể mua được một lọ vắc-xin nếu công ty ông chỉ có mỗi cái tủ mát ướp bia giải khát cuối tuần”. Ngày 5.6.2021, Báo Thế giới và Việt Nam (cơ quan báo chí thuộc Bộ Ngoại giao) đăng một bài viết dịch từ báo nước ngoài chứa đựng nhiều thông tin đáng tin cậy.

Theo tinh thần bài viết, 70% dân số toàn cầu cần được tiêm vaccine phòng Covid-19, đây là con số ước tính để thế giới đạt được miễn dịch cộng đồng. Thế nhưng, để phân phối được khoảng 5,5 tỷ liều vaccine cho toàn thế giới là điều không hề đơn giản.

“Hơn 600 triệu người đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa Covid-19, nhưng đồng thời có nghĩa hơn 7 tỷ người vẫn chưa được tiêm. Thống kê toàn cầu cho thấy, một nửa số liều vaccine trên thế giới hiện nay tập trung tại các nước phát triển, chủ yếu là Mỹ và châu Âu, chiếm 1/7 dân số thế giới.

Trong khi đó, hàng chục quốc gia, đặc biệt là ở châu Phi, hầu như không có đủ vaccine để khởi động chiến dịch tiêm chủng của mình. Hiện nay, các nước giàu có, chỉ với 16% dân số toàn thế giới đã mua tới 60% nguồn cung cấp vaccine trên toàn thế giới, có quốc gia thậm chí đã đặt mua số lượng nhiều hơn số dân của mình. Canada mua cho 453,1% dân số, Anh mua 270,3%, Australia mua 225,1%, Mỹ mua 182,8% dân số” - bài báo thông tin.

Rõ ràng, trong cơn đại dịch này, việc phát triển hay mua vaccine không đơn giản như mua... gạo. Trước khi kết thúc bài viết, không thể không nhắc đến sự kiện tối 5.6, Quỹ vaccine phòng Covid-19 đã ra đời.

Tại sự kiện này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói rằng, quỹ vaccine là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn, góp phần tạo nên một Việt Nam chiến thắng, để một lần nữa chúng ta lại ghi danh, viết nên lịch sử chiến thắng vẻ vang của dân tộc - chiến thắng đại dịch.

Thế nhưng ngay khi sự kiện vừa kết thúc, nhân vật nêu trên lại mỉa mai: tại sao Chính phủ ngửa tay xin tiền dân? Khi có thiên tai, dịch bệnh, việc huy động sức mạnh toàn dân là điều đã trở thành truyền thống của dân tộc này. Chẳng lẽ bà không biết điều đó? Ở đây, ai mới là người lợi dụng dịch bệnh để "làm màu", thưa bà?

Việt Ðông

Tin cùng chuyên mục