Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nhưng ngày nay, Trà Cốt, Trà Vong đã liền lạc với nhau nhờ một dòng máu của đất đai. Đấy là con kênh TN17, nhờ con kênh ấy, mà cả khu vực ấp Bình Lương đã trở nên một miền ắp đầy sản vật tươi xanh.
Cúng miếu Bà Trà Cốt.
Người Tây Ninh khi nhắc đến Trà Vong thì hầu như ai cũng biết. Đấy là vì các huyện, thành phía Bắc tỉnh có một tín ngưỡng riêng thờ Quan lớn Trà Vong. Ngoài ra, những ai nghiên cứu lịch sử còn biết là từng có một chiến khu Trà Vong của lực lượng cách mạng tỉnh Tây Ninh có từ năm 1948 thời kháng chiến chống Pháp.
Thế còn Trà Cốt? Đã có mấy người biết được. Vì ngày nay người ta thường chỉ nhắc cái tên Bình Lương, tên một ấp của xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành. Đồng Khởi nay cũng là một cái tên đáng nhớ, vì nó ôm trọn trong lòng một di tích đã đi vào lịch sử.
Di tích ấy là Tua Hai, nơi diễn ra trận tiến công vũ trang đầu tiên vào một cứ điểm của trung đoàn quân đội Sài Gòn vào ngày 25 - 26.1.1960. Tua Hai được xem như trận mở màn cho một thời kỳ mới- chiến đấu vũ trang của cách mạng miền Nam trên toàn Nam bộ.
Ngày ấy, Tua Hai còn thuộc xã Thái Bình. Đến năm 1998 mới được tách ra thành một xã riêng, mang tên Đồng Khởi, và Bình Lương là một ấp trong xã mới. Bình Lương là một cái tên xưa. Bằng chứng là cuối thế kỷ 19, xã chỉ có 4 ấp mang tên: Thái Thuận, Thái Hoà, Bình Trung và Bình Lương (Truyền thống cách mạng xã Thái Bình, 2010).
Trong quá trình chuyển dịch các ranh giới hành chính mà ngày nay địa danh này đã “dạt trôi” về các thôn xã khác. Như Bình Trung thì dạt về xã Bình Minh của TP. Tây Ninh; Thái Thuận nay đã thuộc về ấp Thanh Thuận, xã Thanh Điền.
Tuy vậy, dù các cấp chính quyền các thời kỳ đều ghi danh Bình Lương, nhưng tên gọi dân gian mà bà con trong vùng và lân cận đều vẫn gọi là Trà Cốt. Không biết Trà Cốt và Trà Vong- một địa danh nổi tiếng ở khá gần về phía Bắc, có “bà con, hàng họ” gì với nhau không? Cả hai cái tên này đều xuất hiện rất sớm trong phạm vi xã Thái Bình xưa.
Trong sách Nam kỳ và cư dân các tỉnh miền Đông của bác sĩ J.C Baurac, xuất bản năm 1899 (Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, năm 2022) cũng thường nhắc đến. Như trong mục khái quát (các vấn đề) viết về Tây Ninh (trang 375) ông có câu: “Từ Rùng đi Tây Ninh qua ngả Presla, Bàu- Dia, Suối-Kỷ, Trà-Vôn và Trà-Cốt”.
Ở trang 434, ông mô tả rõ hơn: “Từ Rùng đi Tây Ninh có thể theo một con đường khác với đường ta đã đi từ Ké- dol… Từ đó tới Suối-Kỷ chưa đến 3 giờ bằng xe bò chạy nước kiệu/ Sau 4 giờ xuyên rừng ta sẽ gặp thôn Trà-Vôn/ Từ Trà-Vôn đi Trà-Cốt mất 3 giờ và cuối cùng, từ Trà-Cốt đi Tây Ninh (lỵ sở) mất ít nhất 4 giờ…”.
Rùng, theo một bản đồ tỉnh Tây Ninh in năm 1919 thì ở vị trí nay là xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên. Lạ thay bản đồ này vẫn chưa cập nhật (hoặc là chưa có) đường nay là quốc lộ 22B. Dù vậy vẫn có in một tuyến đường nông thôn chạy từ Rùng về Trà Vong, Trà Cốt.
Ngày nay, nhờ quốc lộ mà đường lên Trà Cốt- Bình Lương đã thật dễ dàng. Chỉ cần chạy xe máy, lên tới ngã ba Vịnh thì tiếp tục thẳng theo quốc lộ đi thêm hơn 2 cây số nữa, gặp con đường rẽ phải, quẹo sang đi tiếp hơn cây số nữa là đến trung tâm của xóm ấp Bình Lương. Tất cả chỉ mất chừng 20 phút chạy xe từ TP. Tây Ninh. Vậy mà vào cuối thế kỷ 19, bác sĩ thuộc địa hạng nhất J.C Baurac đã phải đi 4 giờ trên những cỗ xe bò.
Giữa xóm dân cư có khoảng 150 nóc nhà, là ngôi dinh thờ Bà Chúa xứ mang tên dinh Trà Cốt. Vào ngày 9 và 10 tháng 3 âl (28 - 29.4.2023), dinh Bà có lễ hội vía Bà rất mực trang nghiêm và thịnh soạn.
Người từ trong và ngoài xã Thái Bình, Đồng Khởi tấp nập tìm về. Họ dâng cúng lên các ban thờ trong dinh những quả phẩm tươi ngon gồm hoa quả, bánh trái các loại và các món ăn chay tịnh khác. Khác với nhiều ngôi thờ Bà khác, điểm nhấn trong các lễ vật dâng lên có một “cây bông” với một cây chuối nhỏ tươi nguyên.
Quanh thân chuối được kết thêm 5 lọ lục bình nhỏ rực vàng hoa cúc. Ngoài ra còn là những vòi tre nhỏ buộc những mảnh giấy trang kim hoặc giấy đỏ viết chữ Việt hay chữ Hán những lời chúc tụng dâng Bà. Bên cạnh cây bông và quả phẩm, còn là một chiếc “mâm vàng” đẹp mắt.
Dinh Bà Trà Cốt nay đã là một ngôi thờ lớn đẹp, khang trang. Gian thờ chính rộng tới 7m20, sâu vào 9m60, chia thành hai khoảng không gian. Gian trước có ban thờ chính và 2 ban tả, hữu. Gian sau có ban cửu huyền thất tổ, tiền vãng và hậu vãng.
Tường xây, cột đúc lên cao đỡ hai tầng mái ngói kiểu chồng diêm. Dưới mái ngôi thờ tự lớn đẹp này, các bậc cao niên vẫn không quên ngôi dinh thờ thuở trước chỉ có cột cây, mái ngói đơn sơ. Ngôi cũ nằm giữa cụm rừng Trà Cốt, cách vị trí hiện tại hơn 1km. Chiến tranh khốc liệt đã tràn qua đây suốt từ thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp.
Sách Truyền thống xã Thái Bình cũng cho biết trận đầu quân dân xã đánh Pháp là vào tháng 12.1945 trên vùng đất Trà Cốt. Ngôi thờ xưa bom đạn phá tan rồi. Ngôi mới cũng mới chỉ khôi phục được gần 30 năm, kể từ năm 1996, ban đầu cũng chỉ là một gian xây nhỏ hẹp.
Đến vài năm gần đây dinh mới được tôn tạo khang trang với cả cổng tam quan… Có phải do vậy mà từ khi dinh được xây lại, thì khách về dự rất đông vui, trừ vài năm có dịch. Đặc biệt là năm 2023 đã trở lại không khí lễ hội tưng bừng từng có của những năm qua. Có cả các bà các cô múa bóng rỗi mâm vàng. Cả đờn ca tài tử cải lương. Và lễ nghiêm trang thịnh soạn nhất là lễ tế dâng Bà diễn ra ngay chiều ngày mùng 9.
Câu chuyện mối liên hệ Trà Cốt - Trà Vong ngày xưa còn chưa rõ. Nhưng ngày nay, Trà Cốt, Trà Vong đã liền lạc với nhau nhờ một dòng máu của đất đai. Đấy là con kênh TN17 nối đưa nước kênh Tây từ ấp Suối Ông Đình của Trà Vong băng về xóm ấp và ruộng đồng Trà Cốt. Nhờ con kênh ấy, mà cả khu vực ấp Bình Lương đã trở nên một miền ắp đầy sản vật tươi xanh.
Ai đi trên quốc lộ 22B từ TP. Tây Ninh, qua ngã ba Vịnh hơn 2km nhìn về bên phải sẽ thấy cánh đồng thênh thang, lúc mơn mởn xanh, khi lại rực vàng lúa chín. Vào sâu trong xóm Trà Cốt, hai bên bờ kênh là lấp lánh những mặt hồ trắng xoá vịt bơi, là lao xao cá quẫy.
Nơi thì vườn cao su đậm xanh lên cao như những bờ thành. Chỗ lại vun đầy những mì, bắp, hoa màu các loại. Trà Cốt ngày nay đã rõ là một miền “đất lành” theo cả nghĩa bóng, nghĩa đen. Là ríu rít chim kêu quanh những ngôi nhà chim yến xây cao, soi bóng ngay bên bờ nước. Đời sống bình yên, tín ngưỡng hài hoà. Nói như người xưa thì đây là miền quê có thiên thời, địa lợi, nhân hoà.
Trần Vũ