Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cùng với chương trình “Nâng bước em đến trường” mà chúng tôi đã thực hiện được 4 năm qua, mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” lần này cũng không nằm ngoài mục đích chung tay cùng các cấp uỷ, chính quyền địa phương chia sẻ khó khăn cùng đồng bào các dân tộc, tiếp sức cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được an tâm vững bước tới trường.
“Ba” Lâm hướng dẫn cho cậu “con nuôi” cách sắp xếp nội vụ.
Đại tá 220.000 đồng, thượng tá 210.000 đồng, thiếu tá 190.000 đồng và thiếu uý - cấp bậc thấp nhất đóng 150.000 đồng. Đó là mức đóng góp xây dựng Quỹ “Con nuôi đồn biên phòng” theo từng cấp hàm của cán bộ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong lực lượng bộ đội Biên phòng tỉnh vừa được Bộ Chỉ huy triển khai cách đây gần một tháng. Số tiền này được phân khai đến các đồn biên phòng nhằm trang trải việc ăn uống, quần áo, sách vở cho 11 cháu nhỏ vừa được các đồn nhận làm con nuôi.
Đại tá Nguyễn Tài Sơn - Chính uỷ BĐBP tỉnh chia sẻ: “Xuất phát từ những năm tháng “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” và gần đây là khi thực hiện chương trình đảng viên phụ trách hộ gia đình trên biên giới, chúng tôi nhận thấy nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn; nhiều cháu nhỏ mồ côi, cha mẹ ly dị, phải sống chung cùng ông bà, nhiều hộ đông con, nghèo túng…
Sau khi Bộ Tư lệnh BĐBP triển khai mô hình "Con nuôi đồn biên phòng", BĐBP tỉnh Tây Ninh là một trong những đơn vị thực hiện sớm nhất mô hình này trên tuyến biên giới ở phía Nam. Cùng với chương trình “Nâng bước em đến trường” mà chúng tôi đã thực hiện được 4 năm qua, mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” lần này cũng không nằm ngoài mục đích chung tay cùng các cấp uỷ, chính quyền địa phương chia sẻ khó khăn cùng đồng bào các dân tộc, tiếp sức cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được an tâm vững bước tới trường.
Đồng thời đây còn là sự tri ân của lực lượng BĐBP đối với nhân dân các dân tộc trên địa bàn biên giới đã cưu mang, giúp đỡ BĐBP trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”.
Sau nhiều lần liên lạc, chúng tôi mới gặp được chị Trần Thị Bích Chi (mẹ của cháu Nguyễn Hoàng Kim Sơn, con nuôi của Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu), ngụ ấp Bến Cầu, xã Biên Giới, huyện Châu Thành. Chị Chi làm công nhân nên chỉ nghỉ được ngày chủ nhật. Chúng tôi vừa đến nhà cũng là lúc chị Chi vừa lên Đồn đón cháu Sơn về chơi và thăm ông bà ngoại.
Trong bộ quân phục nhỏ nhắn do các chú bộ đội biên phòng cấp, Sơn đã làm cho mẹ và ông bà ngoại hết sức ngạc nhiên vì sự chững chạc từ hình thức bên ngoài đến nhân cách. Nhìn con, rớm nước mắt, chị Chi nói: “Từ ngày cháu lên đồn ở đến nay, mỗi chiều tan ca về đến nhà là em khóc vì nhớ con. Nhiều lúc muốn chạy lên đồn để thăm cháu nhưng lại sợ tạo thành thói quen xấu cho cháu, ảnh hưởng đến công tác giáo dục của các anh Biên phòng”.
"Ba" Trường và "con trai".
Tìm hiểu thêm về hoàn cảnh, chúng tôi mới thấy được nỗi khổ tâm, sự nhọc nhằn của chị. Giống như bao nhiêu người mẹ khác, có ai muốn xa con bao giờ. Lương công nhân ít ỏi của chị Chi không bảo đảm cuộc sống của ba mẹ con. Cái khó, cái khổ ngày càng nhiều, rất khó bảo đảm tương lai cho 2 cháu. Chị Chi cho biết, cha của Sơn sống ở thành phố Hồ Chí Minh.
Lấy nhau có đến 2 mặt con, chị Chi mới biết chồng mình nghiện ma tuý. Làm được bao nhiêu tiền, chồng chị “đốt” hết vào ma tuý. Hết tiền, hết của, gia đình chị phải bán nhà, rồi lâm cảnh nợ nần… Nhiều lần khuyên can không được, chị quyết định chia tay, dắt 2 đứa con nhỏ rời thành phố trở về nương nhờ nhà ông bà ngoại. Lương công nhân chưa đầy 6 triệu đồng chỉ tạm đủ lo cơm gạo mỗi ngày cho 3 mẹ con, dư chút ít để dành trả dần món nợ ngày xưa.
Ông Trần Ngọc Rạng, cha của chị Chi, đã ngoài 70 tuổi. Ông là người động viên chị Chi gửi Sơn vào đồn. Bây giờ mỗi lần nhắc lại quyết định đó, ông Rạng rưng rưng, nghẹn ngào: “Khi biết về chủ trương nhận con nuôi của đồn biên phòng, tôi cùng gia đình và cả bà con lối xóm quanh đây đều khuyên Chi nên gửi cháu Sơn vào đồn. Tôi từng đi bộ đội nên tôi biết môi trường giáo dục của quân đội như thế nào. Chi đi làm tối ngày, tôi và ngoại nó già yếu không sao quản được 2 đứa cháu… Bây giờ nhớ cháu, tôi chỉ biết ngồi khóc. Nhưng tôi rất mừng vì cháu mình đã được các chú Biên phòng nuôi nấng dạy bảo, chắn chắn nó sẽ nên người".
Chúng tôi cùng chị Chi và cháu Sơn trở lại Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu thăm nơi ở của cháu. Tận mắt nhìn thấy nơi ăn ở, học tập, sinh hoạt của con quá đầy đủ - điều mà trước đây chị chưa làm được cho con, chị Chi rất cảm động. Bước đến Đại uý Lê Trung Tuấn - Chính trị viên phó của Đồn, chị Chi ngẹn ngào: “Em cảm ơn mấy anh đã nuôi nấng chỉ dạy cho con của em. Em sẽ cố gắng làm ăn để sau này còn lo nhà cửa cho mấy đứa nhỏ. Từ xưa đến giờ, em đi làm chỉ đủ ăn và trả nợ. Bây giờ mấy anh phụ nuôi giúp cháu, em tin tưởng sau này cháu sẽ trở thành người có ích cho xã hội”.
Chia tay mẹ con Sơn, tôi cùng Thượng tá Nguyễn Công Tuân - Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh xuôi về hướng Nam đến Đồn Long Phước thăm 2 con nuôi của đồn. Giống như hoàn cảnh của Sơn, hai cậu bé Võ Thành Lượng và Huỳnh Minh Phú, cùng sinh năm 2008, là con của 2 hộ gia đình nghèo ngụ trên địa bàn xã Long Phước, huyện Bến Cầu. Gia cảnh nghèo khó, không ai chăm sóc nên kết quả học tập của hai cháu chỉ ở mức trung bình. Tuy nhiên, kể từ khi vào sống ở đồn, các cháu đã được đơn vị phân công các sĩ quan trẻ kèm cặp, hướng dẫn mọi thứ, từ ăn uống, sinh hoạt đến học tập, giờ các cháu đã tiến bộ, quen dần nề nếp trong quân đội.
Thượng tá Phạm Lương Tâm - Chính trị viên của Đồn Long Phước cho biết: “Hằng ngày, ngoài việc phân công quản lý, đưa đón các cháu đến trường, đơn vị còn lựa chọn các sĩ quan trẻ hướng dẫn, dạy kèm các cháu học tập. Nhờ vậy, chỉ hơn tháng nay, các môn học của cháu đã có điểm 10. Không chỉ các cháu mà chúng tôi, ai nấy đều vui mừng”.
Cháu Võ Thành Lượng nhớ lại: “Mới đầu vô đây con rất sợ nhưng được ba Lâm và các chú động viên, chỉ dạy nên quen dần. Các chú dạy con rèn chữ viết, tập đánh bóng chuyền… Bây giờ con học khá hơn trước nên rất vui. Bạn bè của con nói cũng muốn được vô đây sống và học tập giống như con”.
Cháu Huỳnh Minh Phú kể những ngày mới đến đồn ở: “Ba tuần đầu con rất nhớ nhà, nhưng các chú luôn gần gũi động viên. Các chú chỉ bảo mọi thứ như: sáng tập thể dục, xếp chăn màn, chơi thể thao… Chú nào cũng vui hết, đặc biệt ba Lâm của con dạy mọi thứ trên đời”. Nói đến đây, Phú chỉ tay về anh sĩ quan trẻ mang hàm thiếu uý đang ngồi giường bên cạnh.
Thiếu uý Lê Văn Lâm là một trong hai người được đơn vị phân công nuôi dạy trực tiếp hai cháu Lượng và Phú. Năm nay Lâm 24 tuổi, vừa tốt nghiệp ra trường và về đây nhận công tác. Trong những ngày đầu công tác, trên cương vị Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Lâm rất chịu khó tìm hiểu về đời sống bà con nơi đây. Khi có chủ trương nhận con nuôi, Lâm giới thiệu về hoàn cảnh của hai cháu Lượng và Phú, sau đó lại được đơn vị phân công trực tiếp quản lý, giáo dục cho hai cháu.
Mẹ con chị Chi vui mừng sau gần một tháng xa cách.
Mỗi lần 2 đứa nhỏ gọi bằng ba, chúng tôi thấy Lâm cứ ngượng ngùng và phân bua: “Em chưa lập gia đình. Bỗng dưng có người gọi bằng ba nên hơi mắc cỡ. Hơn nữa, kinh nghiệm nuôi dạy con chưa có, nên em cũng cố gắng tìm hiểu học hỏi các anh lớn tuổi, học qua mạng để nắm bắt tư tưởng cũng như cách nuôi dạy con cho tốt. Nay quen rồi, bây giờ đi đâu, làm gì em cũng đều cảm thấy nhớ đến 2 đứa nhỏ nên cố quay về sớm để thăm con”- Lâm cười thật tươi.
Chia tay "cha con" cháu Phú, cháu Lượng, trên đường về, Thượng tá Nguyễn Công Tuân - người được Bộ Chỉ huy BĐBP phân công trực tiếp theo dõi chương trình này chia sẻ thêm: “Chuyện nhận con nuôi này không mang tính ràng buộc về pháp lý, nhưng để thực hiện được mô hình, từ Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho đến cấp uỷ, chỉ huy các đơn vị đều có nghị quyết và kế hoạch để triển khai thực hiện.
Kế đến là hồ sơ lý lịch của các cháu, cam kết của cha mẹ và chứng thực của địa phương. Sau cùng là các quyết định phân công cán bộ phụ trách theo dõi, chăm sóc hằng ngày. Quy trình này được thực hiện như việc tuyển chọn một thiếu sinh quân trong quân đội. Phải làm chặt chẽ như thế mới bảo đảm cho mô hình duy trì hoạt động liên tục, có hiệu quả.
LÊ QUÂN