Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Người dân địa phương cho biết, ngoài Rừng Rong, ấp An Ðước có nhiều địa danh khác như Sở Cốt, Lợi Hoà Ðông, Suối Lội, Trảng Le, Bàu Gõ, Bàu Tràm, Bàu Cá Chạch… Trong đó, có những địa danh người dân biết rõ nguồn gốc, nhưng cũng có địa danh ngay cả những bậc cao niên cũng không rõ.
Bà Huệ bên cây vú sữa khoảng 100 năm tuổi.
Từ trước đến nay, tôi chỉ biết ở ấp An Ðước (xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng) có Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Hội thề thanh niên cách mạng Rừng Rong. Khu di tích này nổi tiếng cả trong lẫn ngoài tỉnh. Về An Ðước kỳ này, tôi may mắn gặp được anh Ðặng Văn Dìa, Bí thư Chi bộ ấp An Ðước và những bậc cao niên trong ấp và biết thêm bao điều lý thú.
Người dân địa phương cho biết, ngoài Rừng Rong, ấp An Ðước có nhiều địa danh khác như Sở Cốt, Lợi Hoà Ðông, Suối Lội, Trảng Le, Bàu Gõ, Bàu Tràm, Bàu Cá Chạch… Trong đó, có những địa danh người dân biết rõ nguồn gốc, nhưng cũng có địa danh ngay cả những bậc cao niên cũng không rõ.
Theo chân anh Dìa, chúng tôi đến xóm Lợi Hoà Ðông, gặp cụ Nguyễn Thị Khoẻ (sinh năm 1927), một bậc cao niên nhưng rất minh mẫn. Cụ Khoẻ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Lợi Hoà Ðông nhưng đến giờ này cụ cũng chưa biết vì sao lại có địa danh như thế.
Chỉ biết, trong kháng chiến chống Mỹ, Lợi Hoà Ðông là khu căn cứ cách mạng. Qua tìm hiểu sách truyền thống địa phương, tôi thấy ghi: “Tháng 10.1954 tại Lợi Hoà Ðông ấp An Ðước, Tỉnh uỷ họp bầu Ban Chấp hành và đề ra nghị quyết đấu tranh trong tình hình mới”…
Sách còn nêu: “Ðược Huyện uỷ chỉ đạo kịp thời, ngày 20 tháng 6 năm 1966, Xã uỷ họp tại Lợi Hoà Ðông để xác định nhiệm vụ mới: phát động phong trào đánh Mỹ, đấu tranh chống tư tưởng sợ Mỹ và kêu gọi đồng bào, chiến sĩ phát huy truyền thống quê hương, vượt mọi khó khăn “quyết đánh Mỹ rồi sẽ tìm cách thắng Mỹ...”.
Về địa danh Sở Cốt (tiếp giáp với ấp Suối Sâu), bà Khoẻ và anh Dìa (nhà anh Dìa ở khu vực Sở Cốt) cho biết, xưa kia, khu vực này là sở cao su của người Pháp, rộng khoảng chừng 40 ha.
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng tiếp quản và phân thành từng lô chia cho những hộ dân nghèo, không có ruộng đất ở địa phương. Nhận được đất, người dân ra công chặt phá, cốt gốc cây cao su để lấy đất sản xuất… Từ đó khu vực này có tên là “Sở Cốt”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Sở Cốt là vùng ven, phía bên ngoài nằm tiếp giáp với ấp chiến lược Suối Sâu của chính quyền Sài Gòn. Còn phía bên trong của Sở Cốt là vùng căn cứ cách mạng gồm xóm Lợi Hoà Ðông và các khu vực Trảng Le, Bàu Gõ, Bàu Tràm, Bàu Cá Chạch… nằm tiếp giáp với huyện Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh).
Từ Suối Sâu, địch muốn càn vào căn cứ cách mạng phải qua Sở Cốt. Vì thế, khu vực Sở Cốt bị địch càn quét liên tục. Anh Dìa cho biết, trước kia, ở Sở Cốt có một cây dầu bóng (bã đậu) và một cây xộp cổ thụ. Hai cây này từng là trạm canh ở bìa ấp An Ðước của du kích xã An Tịnh.
Hằng ngày, du kích xã phân công người leo lên hai cây này, nhìn ra hướng Suối Sâu để quan sát theo dõi đường đi nước bước của địch, từ đó có biện pháp chung. Chiến tranh ngày càng ác liệt, để biến vùng ven và vùng căn cứ cách mạng xã An Tịnh thành vùng đất trắng, địch đánh bom huỷ diệt nhà cửa cây trái của người dân, trong đó có cả hai cây cổ thụ này.
Ðiều thú vị nữa ở giữa ấp An Ðước (thuộc xóm Lợi Hoà Ðông) là còn có trạm gác thứ hai của du kích An Tịnh. Trạm gác này được đặt ở trên cây vú sữa của gia đình bà Nguyễn Thị Huệ. Bà Huệ năm nay đã 75 tuổi. Bà không nhớ rõ cây vú sữa được ba mẹ trồng từ lúc nào, nhưng ngay từ nhỏ bà đã thấy nó cao to, cành lá xum xuê.
Mỗi năm, gia đình bà hái mấy gánh đem đi bán. Trong chiến tranh, để quan sát địch từ xa, du kích xã An Tịnh leo lên cây vú sữa của nhà bà Huệ canh gác. Ðể địch không phát hiện, dưới gốc vú sữa, gia đình bà Huệ cho rào kẽm gai.
Muốn leo lên cây, các anh du kích phải bắc thang, mang theo mấy khúc tầm vông lên bắt chéo làm chỗ ngồi. Nhà bà Huệ bị địch đốt đến hai lần. Nhiều lần chúng định ủi phá cây vú sữa, nhưng gia đình bà Huệ vừa ngăn cản, vừa năn nỉ xin chừa lại vì cây vú sữa cho trái ngon.
Ðến nay, đã 43 năm nước nhà hoàn toàn giải phóng, cây vú sữa bên hông nhà bà Huệ nay vẫn còn. Theo ước tính của bà, cây sống đến nay cũng khoảng 100 năm. Trước đây, có người hỏi mua với giá 10 triệu đồng, nhưng bà không bán.
Bà Huệ tâm sự, dù nghèo khổ đến đâu và ai mua giá nào, bà cũng nhất quyết không bán cây vú sữa vì đây là cây kỷ niệm của gia đình, và còn là chứng tích lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân dân xã An Tịnh anh hùng.
Rời xóm Lợi Hoà Ðông, anh Dìa đưa chúng tôi đến xóm Bàu Gõ (tổ dân cư tự quản số 7, ấp An Ðước) ở gần cuối ấp. Cùng một ấp nhưng đường từ Lợi Hoà Ðông đến Bàu Gõ khá xa.
Ðây là con đường nhựa còn mới nguyên, có nhiều khúc quanh co, uốn lượn giữa các cánh đồng. Hai bên đường là ruộng bắp chín vàng đang vào mùa thu hoạch. Xóm Bàu Gõ có chưa đầy 20 ngôi nhà. Ðiều đặc biệt ở xóm này là ngay đầu xóm có một ngôi miếu nhỏ khang trang. Anh Dìa cho biết, đây là miếu thờ ông Nguyễn Trọng Tuyển.
Bên trong miếu, tôi thấy có tấm biển ghi: “Nơi hy sinh liệt sĩ Nguyễn Trọng Tuyển, sinh ngày 16.11.1921, nguyên quán xã Cộng Vũ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Chức vụ Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Gia Ðịnh. Hy sinh ngày 11.7.1959. Bia tưởng niệm tại An Ðước”.
Anh Dìa kể, con đường từ Lợi Hoà Ðông qua Bàu Gõ, đến Bàu Tràm dài 3.700m. Trước đây là con đường đất qua đồng ruộng, người dân đi lại rất khó khăn. Qua kiến nghị của ấp, được các mạnh thường quân ủng hộ, năm 2017, con đường được nâng cấp mở rộng, nhựa hoá, với kinh phí khoảng 8 tỷ đồng.
Có con đường mới, người dân ấp An Ðước nói chung, người dân các xóm Lợi Hoà Ðông, Cây Gõ, Bàu Tràm đi lại và vận chuyển hàng nông sản rất thuận tiện. Người dân ở đây rất phấn khởi.
Theo anh Dìa, ấp An Ðước hiện rộng khoảng 400 ha, có 460 hộ dân với hơn 1.700 nhân khẩu. Trước đây, người dân trong ấp chủ yếu sống bằng nghề nông. Từ lúc có khu công nghiệp, và nhất là khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cùng với toàn xã, ấp An Ðước có sự đổi thay nhanh chóng.
Ðường sá được mở rộng nâng cấp lưu thông rất thuận tiện. Trên địa bàn ấp có 18km đường giao thông nông thôn, trong đó có 3 tuyến láng nhựa, với tổng dài 9km. Số còn lại đã được cứng hoá bằng sỏi hoặc đá.
Trong quá trình làm đường giao thông nông thôn, người dân trong ấp rất đồng tình hưởng ứng và sẵn sàng đóng góp đất đai, tiền của. Tính chung từ khi thực hiện xây dựng nông thôn mới đến nay, nhân dân ấp An Ðước đóng góp khoảng 2 tỷ đồng.
Nhờ đẩy mạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hợp lý (nhất là nuôi bò vàng và bò sữa), cùng với khu công nghiệp và thương mại dịch vụ… thu nhập người dân trong ấp ngày tăng lên. Số người khá giàu ngày càng nhiều, số hộ nghèo giảm nhanh. Hiện nay, trong ấp chỉ còn một hộ nghèo diện trung ương, 4 hộ cận nghèo.
Chi bộ ấp An Ðước hiện có 43 đảng viên, trong đó có gần một nửa đảng viên từng tham gia công tác ở các cấp chính quyền. Từ năm 2010 đến nay, Chi bộ ấp An Ðước luôn giữ vững trong sạch vững mạnh, nhiều năm được công nhận danh hiệu chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu.
N.H