Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
An Giang cần huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng để đẩy mạnh kinh tế biên mậu
Chủ nhật: 10:09 ngày 18/06/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong chương trình thăm, làm việc tại An Giang dự Lễ khởi công xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, chiều 17-6, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang để cùng đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị năm 2022 và những tháng đầu năm 2023; đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới và giải quyết một số kiến nghị của tỉnh nhằm tạo điều kiện cho An Giang phát triển nhanh, bền vững.

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh An Giang.


Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

GRDP tăng cao nhất từ năm 2018 đến nay

Theo Tỉnh ủy An Giang, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh An Giang đã nỗ lực phấn đấu và đạt được kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Năm 2022, An Giang đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra, trong đó vượt 7 chỉ tiêu. GRDP tăng 6,87%, vượt mục tiêu 5,2% và cao nhất từ năm 2018 đến nay; kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, với công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 62%. Thu ngân sách Nhà nước vượt 23% kế hoạch. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng gần 37,1%.

Nửa đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục khởi sắc. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động được quan tâm; chính sách cho đồng bào dân tộc, giảm nghèo được triển khai đồng bộ. Quốc phòng, an ninh, biên giới quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.

Tỉnh An Giang đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ tỉnh đầu tư một số dự án hạ tầng trọng điểm như: Tuyến nối từ điểm đầu đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến cửa khẩu Tịnh Biên; tuyến đường tránh quốc lộ 91 qua đô thị Cái Dầu - Vĩnh Thạnh Trung; xây dựng cầu Tôn Đức Thắng bắc qua sông Hậu tới Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng; xây dựng cầu Tân Châu - Hồng Ngự trên quốc lộ N1…

Lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu làm rõ các tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh và đề xuất các giải pháp nhằm giúp An Giang phát triển nhanh và bền vững; đồng thời, giải đáp các kiến nghị của tỉnh và đề xuất hướng giải quyết, đề nghị Thủ tướng quyết định.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tỉnh An Giang có vị trí chiến lược quan trọng, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long. Vùng đất giàu truyền thống cách mạng, quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người con ưu tú của dân tộc, người bạn chiến đấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Địa phương có diện tích tự nhiên thứ 4/13 vùng Đồng bằng sông Cửu Long; dân số đứng đầu trong vùng với 4 dân tộc chủ yếu là Kinh, Hoa, Khmer và Chăm. Tỉnh cũng có hệ thống giao thông khá thuận lợi cả đường bộ, đường thủy, đường hàng không. Bên cạnh đó, khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi phát triển nông nghiệp.

Đặc biệt, An Giang có đường biên giới dài 104km với Campuchia, 2 cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và Vĩnh Xương, thuận lợi phát triển kinh tế biên mậu; có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, địa danh nổi tiếng như: Di tích Óc Eo - Ba Thê, khu du lịch núi Cấm, rừng tràm Trà Sư..., thuận lợi phát triển du lịch; tài nguyên khoáng sản phong phú, bao gồm đá granit, đá cát kết, cao lanh, than bùn, vỏ sò và nhiều loại khác; người dân An Giang có truyền thống yêu nước, anh dũng, kiên cường; thân thiện, cần cù, yêu lao động, năng động, sáng tạo…

“Đây là điều kiện riêng, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để tỉnh An Giang phát triển nhanh, xanh, bền vững, trở thành tỉnh phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Tuy nhiên, An Giang chưa phát triển như mong muốn do hạ tầng còn hạn chế, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, trong khi tỉnh chịu tác động không nhỏ bởi biến đổi khí hậu”, Thủ tướng khẳng định.

Bên cạnh biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang đạt được trong thời gian qua góp phần vào thành quả chung của cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại của tỉnh như: Tăng trưởng GRDP chưa bền vững; chuỗi sản xuất chưa gắn kết chặt chẽ với chuỗi tiêu thụ; nông nghiệp vẫn còn sản xuất nhỏ và phân tán; công nghiệp hỗ trợ của tỉnh chưa phát triển; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng dân tộc thiểu số; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, giao thông còn tiềm ẩn…

Huy động mọi nguồn lực cho phát triển hạ tầng xã hội

Nhận định tình hình sắp tới và quán triệt quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành mà An Giang cần thực hiện trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, tỉnh tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; chủ động xây dựng các Nghị quyết, Đề án, Quy hoạch phát triển để triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Với quan điểm “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân”, Thủ tướng yêu cầu, tỉnh An Giang tận dụng tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh; phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, sức mạnh nội sinh, tinh thần tự lực, tự cường vươn lên; huy động mọi nguồn lực, nhất là hợp tác công tư để phát triển.

Trong đó, lãnh đạo tỉnh An Giang phải triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng là xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng - coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng; chương trình ban hành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trước mắt, tập trung tối đa nguồn lực cho Dự án thành phần 1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 và khai thác không gian phát triển mới từ tuyến cao tốc này tạo ra.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, tỉnh An Giang phải chú trọng phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững; Chiến lược trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo; tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, từng bước tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường và tham gia trong chuỗi giá trị.

An Giang phải thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó, tập trung phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu; phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng cường bền vững trong dài hạn; đa dạng hóa sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường.

“An Giang có đường biên giới dài 104km với Campuchia, với 2 cửa khẩu quốc tế, là điều kiện rất thuận lợi để phát triển kinh tế biên mậu, giao thương với Campuchia, kết nối với ASEAN. Do đó An Giang phải xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh - quốc phòng và phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh về phát triển kinh tế”, Thủ tướng chỉ rõ.


Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng lưu ý, tỉnh An Giang phải tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt quan tâm tới tình trạng sạt lở đất; tập trung đầu tư phát triển y tế, giáo dục, đào tạo; triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội, an sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, ý chí, khát vọng vươn lên để giảm nghèo nhanh, bền vững. Tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Tỉnh cần tiếp tục nâng cao các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI); chỉ số cải cách hành chính (PAR Index); chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đặc biệt, Đảng bộ An Giang phải coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường lĩnh vực đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quyết tâm giảm các loại tội phạm hình sự, ma túy, buôn lậu và tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh...

Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh An Giang, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đây đều là những đề xuất chính đáng, xuất phát từ yêu cầu thực tế của tỉnh; đồng ý xem xét và giao các bộ, ngành nghiên cứu, bố trí, sắp xếp. Tuy nhiên, do nguồn vốn Nhà nước còn hạn hẹp, các bộ, ngành cần phối hợp với địa phương để có cơ chế huy động mọi nguồn lực, nhất là hợp tác công tư trong triển khai các dự án, đảm bảo các quy định và phù hợp với nhiệm vụ, tình hình chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Thủ tướng tin tưởng, An Giang thực hiện tốt 4 câu mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc rút: "An Giang đã nói là làm; Đã đi là đến, đã bàn là thông; Đã quyết là dốc một lòng; Quê hương vẫy gọi, Đảng mong dân chờ".

Học sinh phát triển toàn diện: Đức - Trí - Chân - Thiện - Thể - Mỹ

Sáng cùng ngày, sau khi dự lễ khởi công dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT An Giang ở phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc - nơi dành riêng cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số (chủ yếu là Khmer, Chăm), đóng vai trò mũi nhọn trong sự nghiệp giáo dục của tỉnh An Giang; là điểm sáng của giáo dục tỉnh và hệ thống các trường dân tộc nội trú trên toàn quốc.

Thăm hỏi, tặng quà, động viên đội ngũ cán bộ, giáo viên và các em học sinh nhà trường, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và nhiệt liệt chúc mừng những thành tích mà trường đã đạt trong thời gian qua; đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể và toàn thể nhân dân của tỉnh An Giang tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất chăm lo cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà ngày càng phát triển, các em học sinh dân tộc, học sinh yếu thế; ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh cần tạo mọi điều kiện thuận lợi, giúp đỡ Trường Phổ thông Dân tộc nội trú hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Với phương châm “các em học sinh làm trung tâm, nhà trường làm nền tảng, thầy cô làm động lực; đào tạo toàn diện “Đức - Trí - Chân - Thiện - Thể - Mỹ”, Thủ tướng mong các thầy cô cố gắng vượt qua những khó khăn để tất cả vì học sinh thân yêu; tiếp tục rèn luyện, cải tiến phương pháp dạy học, đổi mới tư duy quản lý; hãy giúp các em khám phá những niềm đam mê mới, học những kỹ năng mới cần thiết cho cuộc sống, và tạo ra hứng thú để các em tự tìm ra nghề nghiệp mà các em muốn theo đuổi; hãy luôn là những tấm gương sáng về đạo đức, mẫu mực trong cuộc sống và sinh hoạt để cho các học sinh noi theo; sẻ chia, đồng cảm, giúp đỡ các cháu học sinh.

Cho rằng, để học tốt, làm việc tốt và sau này trở thành công dân có ích, đòi hỏi mỗi em cần phải rèn luyện cho mình phẩm chất đạo đức và năng lực toàn diện; Thủ tướng lưu ý, các em học sinh cần tích cực học tập thêm ngoại ngữ, tin học; khuyến khích phong trào đổi mới sáng tạo, lập nghiệp trong học sinh, sinh viên; tích cực học tập và làm theo 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng; phải tự tin vào bản thân, tin vào năng lực của mình, luôn rèn luyện bản thân, phải có mục tiêu, lý tưởng với niềm đam mê, khát vọng vươn lên…

* Cũng trong sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, động viên gia đình thương binh Huỳnh Quang Vinh tại xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn luôn trân trọng, ghi nhớ và biết ơn những đóng góp, hy sinh của các thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách; đề nghị cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương luôn quan tâm, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình chính sách, người có công, trong đó có thương binh Huỳnh Quang Vinh; chúc mừng và mong muốn thương binh Huỳnh Quang Vinh mạnh khỏe, phát huy truyền thống, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu, đẹp.

Nguồn hanoimoi

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục