BAOTAYNINH.VN trên Google News

An toàn vệ sinh thực phẩm: Cần có sự tham gia của Nhà nước, nhà sản xuất và người tiêu dùng

Cập nhật ngày: 28/11/2009 - 05:30

 

ĐBQH Nguyễn Đình Xuân.

Trước ngày bế mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XII, ngày 26.11 Quốc hội tiếp tục thảo luận sôi nổi về một dự án Luật được cử tri cả nước quan tâm: “Luật An toàn thực phẩm”. Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Đình Xuân nhận định: Ăn uống an toàn là nhu cầu tối thiểu, cơ bản của con người nhưng nhu cầu này đã không được đáp ứng tốt trong thời gian qua.

Để đảm bảo nhu cầu này, cần có sự tham gia của cả Nhà nước, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Người tiêu dùng nào cũng muốn an toàn nhưng cho dù có thông thái mấy cũng không thể phân biệt được những hoá chất độc hại có trong thực phẩm. Người sản xuất kinh doanh phải có lương tâm và trách nhiệm, nhưng không thể có được điều này nếu chỉ vận động suông. Do vậy, theo đại biểu Xuân cần có chế tài nghiêm khắc, bao gồm xử phạt nặng, thu hồi toàn bộ lô hàng, cấm hoạt động... với những hành vi có nguy cơ cao và bồi thường mọi thiệt hại do sản phẩm của mình gây ra bao gồm cả khám chữa bệnh, tổn thất sức khoẻ, tinh thần, thời gian lao động, chi phí xét nghiệm, thuê luật sư, thưa kiện... Quan trọng nhất là vai trò Nhà nước, cần xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của Nhà nước là bảo vệ VSATTP. Nhà nước, các cơ quan nhà nước có quyền gì, trách nhiệm đến đâu để đảm bảo VS nhưng không sách nhiễu, phiền hà. Không phiền hà nhưng vẫn phải hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân cho rằng, quy định bộ máy quản lý như dự thảo Luật thì không khác gì pháp lệnh hiện hành và kết quả cũng sẽ hạn chế như vậy. Cần có một cơ quan thống nhất quản lý theo ngành dọc, ví dụ Uỷ  ban VSATTP quốc gia thuộc Chính phủ hoặc tạm thời thuộc Bộ Y tế, tăng nguồn ngân sách nhân lực cho cơ quan này (hiện chỉ bằng 1/10 các nước trong khu vực). Luật này ra đời, cần trả lời được câu hỏi: Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu để xảy ra mất an toàn? Người dân cần gọi ai nếu cảm thấy dấu hiệu mất an toàn? Cần xem sự phản ánh của người dân và báo chí là thông tin tố giác chứ không phải chỉ là tham khảo. Ví như, các vụ bê bối về nước tương đen, xương thối, bì heo, nội tạng động vật nhập lậu mà báo chí phanh phui vừa qua đều không tìm được địa chỉ trách nhiệm rõ ràng.

Bản chất của an toàn thực phẩm không chỉ là các mối đe doạ trực tiếp mà còn là vấn đề tâm lý và thẩm mỹ. Ví dụ gián, chuột, sâu trong thực phẩm nấu chín, quy trình chế biến dơ bẩn, đem xét nghiệm có thể không tìm thấy vi trùng hay hoá chất độc hại trong sản phẩm nhưng người tiêu dùng không thể ăn được, vì vậy cần phải có hình thức xử lý thoả đáng.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân còn cho rằng tính ngăn ngừa của đạo luật phải cao: cấm, đình chỉ ngay khi có dấu hiệu mất an toàn, ví dụ như vụ sữa gây dị ứng trẻ em vừa rồi, để xảy ra hơn chục vụ rồi mới thu hồi sản phẩm là quá chậm, gây hoang mang trong dư luận. Luật phải quy định công khai nguồn gốc thực phẩm, người bán phải biết rõ nguồn gốc trực tiếp của thực phẩm, kể cả các hộ cá thể.

Thực trạng hiện nay cho thấy tiêu chuẩn đối với thực phẩm nhập khẩu, nhất là hàng đông lạnh còn quá lỏng lẻo, không bảo hộ được sản phẩm trong nước, gây mất an toàn cho người tiêu dùng. Luật cần phải quy định cấm rã đông bán lẻ các sản phẩm thịt đông lạnh, cấm mang hàng tươi sống vào VN nếu chưa qua kiểm tra phù hợp. Đại biểu Xuân so sánh: hàng VN xuất khẩu ra nước ngoài như con tôm, con cá, quả thanh long… thì quá khó khăn, nhưng hàng nhập khẩu thì rất thoải mái, như vậy là không công bằng.

DN

(Lược ghi)