Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Anh nông dân mê chụp ảnh
Thứ năm: 05:01 ngày 24/06/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Khác với những đồng nghiệp trong Phân hội Nhiếp ảnh (Hội VHNT tỉnh Tây Ninh), Huỳnh Long Tiến có dáng vẻ của một nông dân thực thụ. Người chắc lẳn, khoẻ mạnh và đôi bàn tay đầy vết chai sần của người quen lao động vất vả.

Anh Huỳnh Long Tiến...

Khác với những đồng nghiệp trong Phân hội Nhiếp ảnh (Hội VHNT tỉnh Tây Ninh), Huỳnh Long Tiến có dáng vẻ của một nông dân thực thụ. Người chắc lẳn, khoẻ mạnh và đôi bàn tay đầy vết chai sần của người quen lao động vất vả.

Quê ở quận 4, thành phố HCM, chàng trai thị thành Huỳnh Long Tiến lên đường làm nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc vào ngày 25.11.1976. Sau mấy năm “đánh Đông, dẹp Bắc”, hết ở biên giới Tây Nam lại ra biên giới phía Bắc, anh lính pháo thủ thuộc Binh đoàn 678 sau cùng tìm về xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên, nơi có một người con gái yêu thương hẹn chờ. Cưới vợ xong, anh ở lại luôn Tây Ninh xây dựng quê hương mới. Anh tâm sự: “Tôi ham đất quá! Vùng Hoà Hiệp lúc đó loe hoe bóng người, bạt ngàn đất hoang. Tôi chọn thửa đất cạnh suối Bà Sự để khai phá”. Ba mươi năm trôi qua, cùng với sự thay đổi kỳ diệu của vùng đất biên giới, cuộc đời của Tiến cũng thay đổi rất nhiều.

Huỳnh Long Tiến tâm sự: “Tôi đã có quãng đời cực khổ”. Anh kể, những năm đầu thập niên 80 trước, ở Hoà Hiệp chưa có ai phải ăn cơm bằng miểng dừa như vợ chồng anh. Là cán bộ tài chính xã nhưng anh rất nghèo. “Tôi từng đóng quân ngoài Bắc nên học tập làm kinh tế theo kiểu miền Bắc. Ăn xài thế nào cho phù hợp hoàn cảnh gia đình, có tiền thì chi tiêu khoản nào trước…”. Làm được 80 giạ lúa, dự trữ lương thực cho ba năm đủ để vừa công tác vừa đi làm mướn. Số tiền làm mướn gom góp được, anh mua một chiếc xe đạp dùng để đi cắt mây, chở mây đem bán. Gom số tiền bán mây anh mua một chiếc xe bò. Khi tiền chở mướn từ xe bò tích luỹ được kha khá, anh lại đầu tư nuôi bò. Đến năm 1984, gia đình anh đã có một đàn bò cày.

Năm 2004, Tiến xin nghỉ làm trưởng ban văn hoá xã để về lo kinh tế gia đình và theo đuổi nghề nhiếp ảnh. Lao động sản xuất cũng như lao động nghệ thuật đều cho kết quả không phụ công sức của anh.

Tiến kể rằng, anh mê chụp ảnh từ hồi còn ở bộ đội nhưng hồi đó chiếc máy ảnh đối với anh như một vật cao sang, xa vời. Mãi đến năm 2005, sau khi 8 mẫu đất của anh cho hoa lợi, anh mới sực nhớ tới ước mơ của mình ngày nào. Vườn chôm chôm, sầu riêng gần một mẫu, cho thu hoạch 20 triệu đồng. Biết chồng mê máy ảnh, chị vợ không ngần ngại cấp thêm 10 triệu đồng nữa cho anh mua chiếc máy ảnh hiệu Nikon gần ba chục triệu đồng. “Bả dám cấp tiền cho tôi chơi máy ảnh là cũng tin tưởng tài năng của chồng, chớ bả đâu có dại”. Anh Tiến nói vui như vậy và vợ anh đã đặt niềm tin đúng chỗ. Cầm máy đi săn ảnh nghệ thuật, năm 2006 Huỳnh Long Tiến đã có giải. Trong dịp thi sáng tác văn học nghệ thuật về “Người và đất Tây Ninh” năm nay, tại phòng triển lãm tranh của Trung tâm văn hoá tỉnh, trong số 51 bức ảnh được treo, có đến 4 bức của Tiến. Gia đình mừng cho anh. Bạn bè mừng cho anh. Đất quê mừng cho anh. Những bức ảnh nghệ thuật của anh bắt đầu xuất hiện trên Báo Tây Ninh, tạp chí Văn nghệ Tây Ninh và một số tạp chí chuyên ngành khác. Mới đây nhất, bạn đọc được thưởng thức 2 bức ảnh Chăm sóc hoa màuCông đoạn cuối của anh in trên bìa 2 tạp chí Văn nghệ Tây Ninh mà bối cảnh là những công việc thường nhật của người nông dân lao động.

Trong những ngày cuối tháng 6 này, nếu ai có dịp ghé thăm tư gia của người “nghệ sĩ nông dân” Huỳnh Long Tiến, sẽ bắt gặp anh đang trần lực điều khiển máy cày làm đất trồng mì. Áo nâu, quần cụt, mồ hôi đầm đìa trên mặt, anh tiếp tục cày xới trên đất để chờ mùa bội thu mới. Năm nay, 6 mẫu mì của anh trúng mùa, bán đúng dịp giá mì lên, tổng thu được 190 triệu đồng. Anh Tiến dự định mua cho vợ một chiếc xe tay ga xịn, còn lại sẽ tái đầu tư sản xuất. Vườn cây ăn trái của anh năm nay thu được 30 triệu, bà vợ yêu chồng quyết định chuyển hết số tiền đó vào tài khoản của anh “cho ổng chơi ảnh nghệ thuật”. Bảy năm nữa, 7 mẫu cao su của gia đình cũng sẽ cho thu hoạch và lúc đó chắc nghệ sĩ nhiếp ảnh nông dân Huỳnh Long Tiến sẽ càng có cơ hội “bay nhảy” với nghệ thuật.

...và anh nông dân Tiến trên ruộng đồng.

P.Q

 

 

 

Từ khóa:
data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục