Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ao sâu không rào... nỗi lo còn đó
Thứ năm: 17:50 ngày 17/09/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau vụ 2 em nhỏ (9 tuổi và 12 tuổi) bị đuối nước vào trưa 30.8 tại một ao sâu thuộc địa bàn ấp Tân Định, xã Biên Giới, huyện Châu Thành, người dân địa phương rất lo lắng trước việc nhiều hầm khai thác đất chưa được rào chắn.

Nền đất bên cạnh ao sâu do ông Cường tự ý đào.

Tại ao sâu xảy ra vụ đuối nước nêu trên, chủ đất dùng máy san lấp một phần ao hiện trạng (khoảng 1/3 phần ao). Chủ tịch UBND xã Biên Giới cho biết, người đào ao tên Cường, không phải dân địa phương. Ông Cường đến đây mua đất, tự ý đào ao để lấy đất đắp nền nhà, không vận chuyển đất đi nơi khác, không rào chắn xung quanh ao. Hiện UBND xã đang tiếp tục làm việc với ông Cường về việc san lấp ao, trả lại hiện trạng ban đầu.

Cùng địa bàn ấp Tân Định, từ ao của ông Cường, tiếp tục rẽ về hướng đường tuần tra biên giới khoảng vài km là đến hầm hạ cấp đất của bà Lê Thị Nữ (ngụ xã Phước Vinh, huyện Châu Thành). Theo văn bản cho phép của UBND tỉnh, hầm đất của bà Nữ có diện tích được đề nghị hạ cấp là 76.851,9m², độ sâu sau khi tận dụng đất bằng với mặt đất tự nhiên xung quanh; Khối lượng đề nghị tận dụng là 156.893,9m³; Mục đích để sản xuất nông nghiệp; Công suất 156.893,9m³/12 tháng (tương đương 13.074,49 m³/tháng); Loại sản phẩm là đất làm vật liệu san lấp; Thời gian thực hiện 12 tháng.

Ao của ông Cường mới chỉ được san lấp được khoảng 1/3 sau khi xảy ra một vụ đuối nước tại đây (ảnh chụp ngày 10.9.2020).

Thực tế, khu hạ cấp đất của bà Nữ rộng hơn 7 ha nhưng không có rào chắn xung quanh để đảm bảo an toàn. Theo văn bản của UBND tỉnh nêu trên, công trình này hạ cấp đất bằng với mặt đất tự nhiên xung quanh, nhằm tận dụng đất dôi dư và để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả.

Trong phương án hạ cấp nêu rõ trình tự hạ cấp là khai thác theo phương pháp lộ thiên, với hình thức cuốn chiếu, gối đầu từ trong ra ngoài, chiều dày của lớp vật liệu san lấp vừa phải, phù hợp với thông số đo đạc cho phép... Tuy nhiên, hiện trạng khu đất hạ cấp của bà Nữ trông rất “nham nhở”, nhiều chỗ đã bị khai thác khá sâu so với mặt đất tự nhiên xung quanh.

Nhất là cạnh phải của khu đất (hướng từ cổng chính vào), có đoạn bờ cao thẳng đứng, mặt nước và đáy tại nhiều diện tích bị lấy đất thấp hơn rõ rệt so với mặt đất tự nhiên. Với hiện trạng của một khu đất như vậy, khó có thể còn sử dụng tốt vào mục đích sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả như chủ trương ban đầu đề ra.

Một góc khu đất hạ cấp của bà Nữ.

Bà Lê Thị Nữ cho biết: "Tôi sẽ đầu tư rào chắn trong tháng 9.2020. Do thời hạn được phép hạ cấp khu đất đã hết, trong khi trữ lượng vẫn còn nhiều, nên tôi đã nộp đơn xin gia hạn thêm thời gian khai thác và đang chờ phê duyệt”. 

Từ khu đất của bà Nữ đi về hướng biên giới vài km nữa là đến khu hạ cấp đất của ông Quách Hải Bằng (ngụ quận 1, TP. Hồ Chí Minh). Theo văn bản cho phép của UBND tỉnh về hạ cấp mặt bằng, tận dụng đất dôi dư thực hiện phương án cải tạo đất nông nghiệp, hộ ông Bằng có diện tích đất tận dụng là 27.781,8m², độ sâu hạ cấp trung bình 2,206m (so với mặt đất tự nhiên, bằng với vị trí đang trồng lúa của ông Trương Văn Quấy về phía Đông của Dự án). Khối lượng đề nghị tận dụng là 61.286,7m³, giữ nguyên mục đích sử dụng đất theo GCNQSDĐ được cấp để sản xuất nông nghiệp. Công suất 61,286,7m³/năm. Loại sản phẩm là đất vật liệu san lấp.

Khu đất của ông Bằng rộng gần 3ha nhưng chỉ có một đoạn hàng rào bằng tôn che chắn trước lối vào. Khoảng giữa đoạn hàng rào đã bị đổ sập. Lối vào khu hầm đất rộng mở. Trong khi, dãy nhà dân lại nằm tiếp giáp với một cạnh khu mỏ và phía sau đoạn hàng rào tôn. Có thể thấy, việc lập đoạn hàng rào này như chỉ để đối phó. Đáng nói, theo chủ trương đề ra là tận dụng đất dôi dư, hạ cấp mặt bằng đất bằng với vị trí đất đang trồng lúa của ông Quấy, với mục đích sản xuất nông nghiệp được tốt hơn, thế nhưng thực tế chưa hẳn là vậy.

Nhiều đoạn bờ cao bên ao sâu (giáp sau hè dãy nhà dân) tại khu hạ cấp đất của ông Bằng nhưng không được rào chắn.

Khu hạ cấp đất của ông Bằng chẳng khác nào một cái ao sâu trữ nước, nhiều đoạn bờ vực cao, không có rào chắn xung quanh. Sẽ khó diễn tả về độ sâu của toàn khu hạ cấp đất so với mặt đất tự nhiên tại vị trí đất của ông Quấy, trừ khi trực tiếp chứng kiến. Với một mặt bằng đất hạ cấp kiểu “lỡ cỡ” như vậy thì việc sản xuất nông nghiệp cũng khó đạt hiệu quả. Theo một vị lãnh đạo xã Biên Giới, thời hạn được phép hạ cấp khu đất của ông Bằng đã hết, không còn hoạt động khai thác đất tại đây, mỗi khi có việc cần gặp ông Bằng cũng khó.

Những hầm sâu, có chứa nước nhưng chưa được rào chắn, nguy hiểm khó lường, trong khi bài học nhãn tiền về tình trạng đuối nước vẫn còn đó.

Minh Quốc

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục