Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Áp lực nghề y
Thứ hai: 16:27 ngày 12/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ở những nơi mà sự sống, cái chết của con người được đặt lên hàng đầu thì đòi hòi tinh thần trách nhiệm của nhân viên y tế phải tăng lên gấp bội. Những ngày ở khoa Cấp cứu, khoa Sản của Bệnh viện Ða khoa tỉnh, chúng tôi đã lắng nghe những người trong nghề chia sẻ vui buồn cũng như áp lực của nghề.

Có những cái nhăn mày thể hiện sự vất vả của một bác sĩ lâu năm, nhưng cũng có những ánh mắt long lanh vui thích của cô bác sĩ trẻ khi nhìn những sinh linh bé bỏng vừa chào đời. Ở những nơi này, đội ngũ y, bác sĩ lúc nào cũng phải giữ tinh thần “thép”, đồng thời luôn nuôi giữ cho mình những cảm xúc để gắn bó với nghề.

Nơi giành giật sự sống

Có nhiều nguyên nhân để họ- những nhân viên y tế gắn bó với nghề có áp lực cao này. Có người vì yêu nghề nhưng cũng có người xem đó là trách nhiệm phải hoàn thành.

Khoa Cấp cứu- Bệnh viện Ða khoa tỉnh mới buổi sáng sớm đã đông người vào ra. Những giường bệnh đã đầy kín bệnh nhân, một vài người còn phải nằm trên băng ca chờ đến lượt. Những nhân viên trong khoa cũng tất bật với công việc của mình với cường độ cao. Ðược biết, mỗi ngày, tại khoa, vào thời điểm cuối hai buổi sáng và chiều là lúc bệnh nhân đông nhất.

Tại khoa cấp cứu, những nhân viên ở đây phải chuyên tâm với tinh thần “bảo đảm bệnh nhân sống” rồi mới chuyển người bệnh điều trị tiếp theo tại các chuyên khoa. Với những nhân viên y tế tại khoa, niềm vui khi cấp cứu thành công hay nỗi buồn, ray rứt khi bệnh nhân không qua khỏi luôn hiện diện mỗi ngày.

Niềm vui của nhân viên, bác sĩ tại khoa Sản chính là ngắm nhìn những khuôn mặt bé thơ.

“Nếu không còn cảm giác với nghề thì nên đổi nghề. Với chúng tôi khi làm nghề y thì dẫu người già, người trẻ đều là sinh mạng con người, nên trước một sự ra đi nào của bệnh nhân cũng đầy tiếc nuối, ray rứt”- bác sĩ Văn Thế Nghiêm, Phó khoa Cấp cứu Bệnh viện Ða khoa tỉnh chia sẻ. Tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Ða khoa tỉnh, có ngày những nhân viên ở đây chứng kiến đến hàng chục ca tử vong vì nhiều nguyên nhân.

Có những ca cấp cứu thất bại khiến người làm công tác cấp cứu phải ray rứt, buồn bã trong thời gian dài. Nhưng với đặc thù công việc, họ phải tạo cho mình tâm lý vững để hoàn thành được công việc với những áp lực lớn. Theo bác sĩ Nghiêm, trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận khoảng 120 ca với nhiều tình trạng khác nhau, trong đó có những ca muộn màng không thể cấp cứu kịp.

Về khoa hơn một năm, bác sĩ Nghiêm- vốn là một bác sĩ Ngoại khoa với trên 10 năm kinh nghiệm, đã kịp quen với áp lực công việc thường ngày tại khoa Cấp cứu. Những áp lực chuyên môn, áp lực từ người nhà bệnh nhân khiến những nhân viên tại đây luôn mệt mỏi. Bác sĩ Nghiêm chia sẻ: “Có những lúc bệnh đông, bác sĩ miệt mài với những ca mổ gần như là suốt đêm. Nhưng vì công việc phải luôn cố gắng để bảo đảm cho sự sống của bệnh nhân. Nếu mệt quá thì nghỉ cho lại sức rồi lại làm tiếp tục”. Bác sĩ Nghiêm nói vui rằng với áp lực và đặc thù công việc tại khoa Cấp cứu, một nhân viên trẻ tuổi, sung sức cũng sẽ mau bị hao mòn sức khoẻ sau vài năm.  

Nơi đón chào sinh linh

Nếu khoa cấp cứu căng thẳng khi phải giành giật sự sống, cái chết cho người bệnh nơi khoa Cấp cứu, Khoa sản Bệnh viện Ða khoa tỉnh lại là nơi chào đón nhiều sinh linh bé nhỏ chào đời, mang lại niềm vui cho nhiều gia đình. Tuy nhiên, công việc ở đây cũng không kém áp lực. Bác sĩ Nguyễn Thị Quyên, người gắn bó 16 năm tại Khoa sản Bệnh viện Ða khoa đầy chân tình chia sẻ, chị chưa từng có ý nghĩ thôi việc, mặc dù áp lực công việc tại đây khá cao. Theo bác sĩ Quyên, ngày cao điểm tại khoa có khoảng 150 ca bệnh lưu, còn ngày thường cũng hơn 100 ca.

Bác sĩ Quyên rất yêu nghề, yêu những ánh mắt ngây thơ của trẻ sơ sinh. Trong nhiều lý do chị kể ra để mình gắn bó với công việc, có một lý do đặc biệt: “Hiện nay, người đến khám bệnh ở bệnh viện công đa phần là người nghèo khó. Tại Khoa sản, người đến khám thai, sinh nở thường là những bà nội trợ, chị công nhân… hơn 90% là dùng BHYT”.

Bác sĩ Quyên cười: “Cũng lâu lắm Khoa mới tiếp nhận được một ca không dùng BHYT”. Chị nói vậy để thấy rằng, những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn luôn tìm đến bệnh viện công vì chi phí thấp. Hằng ngày, với công việc chuyên môn nặng gánh, bản thân bác sĩ Quyên chỉ cần nhìn những gương mặt thiên thần của trẻ con vừa được sinh ra là quên đi mệt nhọc để rồi tiếp tục gắn bó với nghề.

Nữ hộ sinh Phí Thị Gái cũng có 17 năm gắn bó với công việc của mình. Niềm vui của chị Gái khi làm việc tại khoa Sản chính là nhìn cảnh nôn nao chờ đợi của người thân khi chào đón thành viên mới. Chị Gái khẳng định: “Nghề nào cũng cực nhọc, nhưng nếu làm đúng nghề mình yêu thích thì sẽ gắn bó. Làm việc tốt mình cũng cảm thấy vui vẻ hơn”. Với suy nghĩ đơn giản như vậy, chị Gái đã đi cùng nghề mười mấy năm qua với niềm vui nhiều hơn nỗi buồn.

Và áp lực thời công nghệ số

Không chỉ nặng gánh chuyên môn, những nhân viên y tế tại các khoa có lượng bệnh nhân đông luôn phải chịu thêm nhiều áp lực từ phía gia đình người bệnh. Tại khoa Cấp cứu, các y, bác sĩ khó tránh khỏi việc bệnh nhân, người nhà có hành vi nóng nảy dùng lời lẽ xúc phạm hay đe doạ. Không ít nhân viên tại khoa Cấp cứu đã gặp sự cố khi bị bệnh nhân hay người thân của họ tát tai, hăm doạ… Theo bác sĩ Nghiêm, có những nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến tính mạng mà bác sĩ không thể can thiệp kịp thời, đòi hỏi bệnh nhân hay người nhà phải có sự cảm thông, chia sẻ.

Ða số nhân viên ngành Y cho rằng, thời đại công nghệ số nên khi làm việc cũng rất “ngán”. Bệnh viện có những quy định về việc dùng điện thoại, chụp ảnh trong những khu khám, điều trị nhưng cũng khó kiểm soát. Những sự việc trên mạng xã hội đôi khi khiến những nhân viên ngành Y mất tinh thần, thậm chí có lúc cảm thấy bị xúc phạm.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Quyên: “Có những sự việc ngoài khả năng nhưng người dân không hiểu thưa kiện, live stream (phát trực tiếp lên mạng xã hội) hay phản ánh đường dây nóng làm ảnh hưởng tinh thần nhân viên. Với những người làm ngành Y như chúng tôi khi cấp cứu thành công cho một bệnh nhân là niềm vui lớn nhất. Không ai muốn để sự cố xảy ra làm ảnh hưởng đến uy tín của bản thân, của đơn vị”.

Còn bác sĩ Nghiêm tâm sự: “Có những lúc, chúng tôi như bị xúc phạm đến muốn bỏ nghề. Nhưng vì nghĩ đến bệnh nhân, những người đồng nghiệp đi trước đã cố gắng nên phải tiếp tục”. Những nhân viên y tế có trách nhiệm sẵn sàng giải thích với người bệnh, thân nhân người bệnh nếu nhận được sự đồng cảm. Nữ hộ sinh Phí Thị Gái chia sẻ: “Nếu tôi làm sai, có sự góp ý từ bệnh nhân tôi sẵn sàng nhận và sửa chữa. Nhưng tôi ngại nhất là đối lý với người sai”. Chị Gái khẳng định những nhân viên y tế nếu làm việc bằng cái tâm sẽ luôn cố gắng hết mình. Có những sự việc không may xảy ra, bệnh nhân, người nhà đau một nhưng chúng tôi đau gấp bội, có khi áy náy suốt cả đời”. 

Nghề nào cũng cần những sự cảm thông và chia sẻ. Với những người hành nghề y tại những khoa đầy áp lực như khoa Cấp cứu và khoa Sản ở các bệnh viện, đôi khi sự cảm thông của người bệnh và thân nhân, một lời chào hay lời cảm ơn cũng khiến họ thấy như đời dễ thương hơn rất nhiều, là động lực để tận tâm cống hiến cho nghề. 

VI XUÂN

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục