Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Áp lực từ điểm thi đại học: Cao chưa hẳn vui, thấp chắc gì kém?
Thứ tư: 08:58 ngày 17/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Điểm thi đại học cao hay thấp, là thủ khoa hay vừa đủ trúng tuyển… hoàn toàn không quyết định tương lai của ai đó.

“Đối với tôi, thủ khoa đầu ra, đầu vào đều chỉ là danh xưng. Quan trọng là bạn có nắm bắt thời cơ và tìm kiếm cơ hội thành công hay không”, Trần Bảo Như (23 tuổi, TP.HCM) nói với Zing.vn.

Trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2014, Như đạt 23,5 điểm, trúng tuyển khoa Báo chí, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. 9X cho biết cô chỉ dư 0,5 điểm so với điểm chuẩn năm ấy.

Là cựu học sinh THPT chuyên Lê Hồng Phong, Như nói điểm số chưa đúng với kỳ vọng của mình, nhưng cũng không quá tệ. Tuy nhiên, nhìn danh sách trúng tuyển, 9X choáng ngợp với thành thích của top 50.

“Một thời gian dài, mình nhìn các thủ khoa, á khoa đầu vào bằng cặp mắt ngưỡng mộ. Có lần, mình còn nói vui ‘Bạn ăn gì mà học siêu thế’, ‘Bạn là siêu nhân à’… Tuy nhiên, đôi khi mình không muốn tiếp xúc nhiều với những người đạt điểm thi cao hơn”, Như nhớ lại.

Sau những ấn tượng ban đầu, Trần Bảo Như thấy dần nhận ra thủ khoa, á khoa cũng giống như cô và những bạn sinh viên khác. Bởi bước vào giảng đường đại học, kiến thức mới, bài giảng mới và cách học, thi cũng khác xa so với thời THPT.

“Một môn học chỉ thi hai lần, giữa kỳ và cuối kỳ. Áp lực dồn hết vào hai ngày đấy. Bạn chỉ có hai lựa chọn một là qua môn, hai là học lại”, Như nói.

Từ kỳ học đầu tiên, Như đã phát huy lợi thế của mình là sử dụng thành thạo tiếng Anh và kỹ năng làm việc nhóm. Suốt mấy năm đại học, cô đều làm đúng điều này, cộng với đó là việc chọn góc nhìn mới lạ trong các đề tài giảng viên giao.

“Với những môn không phải sở trường, nhất là môn học đại cương, tôi chọn cách ‘cần cù bù thông minh’ để giải quyết vấn đề”, Như nói.

Sau nửa năm học, Như đạt điểm cao nhất lớp, giành suất học bổng duy nhất trong học kỳ đầu tiên. Từ lúc đấy cô bạn sinh năm 1996 nhận ra rằng điểm số thi đại học đầu vào không còn quan trọng nữa.

Nhiều người quá quan tâm vào điểm thi đầu vào nên cảm thấy thất vọng với chính mình khi điểm số không như mong đợi.

“Sau học kỳ đầu tiên, tôi nhận thấy bản thân mình quá ám ảnh vào điểm thi ĐH một cách không rõ lý do. Điểm của tôi không quá cao, cũng chẳng ý nghĩa gì. Cô bạn thủ khoa đầu vào kia, người ta nhắc đến nhiều nhất một tháng là cùng”, Như chia sẻ.

Thậm chí, với điểm số không quá cao so với mặt bằng chung, Như nói cô thấy mình may mắn. Bởi điểm thi đầu vào bình bình, Như không quá mệt mỏi để sống với danh hiệu thủ khoa, lỡ làm sai chuyện gì cũng không bị soi mói quá đà.

Bảo Như ra trường sớm hơn tiến độ. Cô tốt nghiệp loại giỏi, là thủ khoa đầu ra của khoa Báo chí năm ấy. Như đang là trợ lý quản lý thương hiệu của công ty nước ngoài. 9X nói hài lòng với công việc hiện tại, từ môi trường làm việc đến mức lương, đồng nghiệp.

Và Trần Bảo Như không phải người duy nhất thấy rằng điểm thi đại học cao hay thấp, là thủ khoa hay vừa đủ trúng tuyển… hoàn toàn không quyết định tương lai của ai đó.

Theo kết quả của một khảo sát được thực hiện với hơn 1.000 thủ khoa đầu vào trong kỳ thi Gaokao (kỳ thi đại học của Trung Quốc) từ năm 1977 đến năm 2008, không ai trong số các thủ khoa đầu vào đại học thực sự thành công hay có thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế, chính trị.

Nhiều nghiên cứu sau đó ở Trung Quốc cũng đã chứng minh những học sinh đạt điểm cao nhất ít thành công trong cuộc sống so với nhóm đạt điểm thấp hơn.

Nhiều người lo ngại rằng chính nền giáo dục quá coi trọng thi cử đã tạo ra một thế hệ học sinh chỉ biết học vẹt và có mục tiêu học tập duy nhất là điểm số. Điều này khiến học sinh hạn chế tư duy phản biện và sáng tạo.

Theo chuyên gia giáo dục Yong Zhao, học sinh Trung Quốc hiện nay phần lớn đạt điểm cao chót vót nhưng kỹ năng xã hội lại kém do dành hết thời gian cho sách vở. Các em không còn tâm trí sáng tạo, chủ động phát triển kỹ năng thể chất và xã hội.

Bên cạnh đó, các chuyên gia chỉ trích việc truyền thông đã thổi phồng danh hiệu “thủ khoa” khiến không ít phụ huynh, học sinh tin rằng đạt điểm số cao tại các kỳ thi đồng nghĩa với việc thành công trong công việc, cuộc sống sau này.

Chỉ là khởi đầu

Với tổng điểm thi 3 môn khối A là 28,75, Đặng Thảo Linh (25 tuổi, Hà Tĩnh) từng là thủ khoa đầu vào của một trường đại học có tiếng tại TP Đà Nẵng.

Trong 12 năm học trước đó, Linh không học trường chuyên lớp chọn, chưa từng giành giải tại các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh và cũng không hẳn là học sinh xuất sắc. Chính vì vậy, kết quả cô đạt được trong kỳ thi đại học vượt xa mong đợi của cô và bố mẹ.

“Mình nhớ lúc đó bố mẹ còn mở tiệc to đãi họ hàng, hàng xóm, bạn bè để ăn mừng việc mình đỗ thủ khoa đại học. Hãnh diện và tự hào lắm! Mình đã nghĩ có lẽ 12 năm học hành chỉ cần vậy là đủ”, 9X nói.

Tuy nhiên, giờ đây, khi đã tốt nghiệp đại học và đi làm được gần 2 năm, Linh nghiệm ra thời điểm hãnh diện nhất của cô năm 18 tuổi thay vì là một kết thúc, nó thực sự chỉ là một khởi đầu.

 Theo kinh nghiệm của nhiều bạn sinh viên, đến giữa năm học đầu tiên chẳng còn ai quan tâm đến điểm đại học hay cái danh thủ khoa nữa.

Khi mới bước vào cánh cửa đại học, Linh vẫn đắm chìm trong cảm giác hạnh phúc tột cùng mà cái mác “thủ khoa” mang lại. Cô được nhà trường tuyên dương, được bạn bè, thầy cô ngưỡng mộ, quan tâm và cũng nhận được nhiều học bổng giá trị.

“Lúc mới nhập học, tôi thường được bạn bè bắt chuyện. Cảm giác như đang sống trên mây, cái danh thủ khoa đầu vào lúc ấy thực sự rất oai và đáng tự hào”, 9X chia sẻ.

Nhưng Linh nói niềm hạnh phúc của cô chỉ kéo dài chưa hết một học kỳ. Sống xa nhà, không có bố mẹ thường xuyên đốc thúc như 12 năm trước đó, cô gái chưa đầy 20 tuổi sa đà vào quá nhiều thứ như game, truyện, phim ảnh… ngoại trừ việc học.

“Điểm tổng kết năm nhất của mình còn không được mức khá. Chẳng còn ai quan tâm đến điểm đại học hay cái danh thủ khoa nữa. Thay vì tự hào, mình cũng tự cảm thấy xấu hổ khi được hỏi về điểm số”, cô nói.

“Điểm thi đại học cao nhất để làm gì?”

Đến bây giờ khi đã ra trường và đi làm được 4 năm, Nguyễn Thành Nhân (27 tuổi, TP.HCM) vẫn thường bị bạn bè lấy danh “thủ khoa chập điện” ra để trêu chọc.

Lý do là vì anh chàng đang làm nghề tổ chức sự kiện trước đây từng đỗ thủ khoa ngành Điện tại một trường đại học ở TP.HCM. Tuy nhiên, sau khi theo học được một năm, Nhân quyết định bỏ học vì cảm thấy ngành này không phù hợp với mình.

“Lúc mới biết quyết định này, đứa bạn học chung cho rằng mình có phúc mà không biết hưởng. Mình không hiểu ‘phúc’ ở đây có nghĩa là gì”, Nhân nói.

Thời điểm quyết định nghỉ học, Nhân bị bố mẹ phản đối kịch liệt. Bố anh thậm chí tuyên bố sẽ từ mặt cậu con trai duy nhất nếu 9X bỏ học đại học.

Nhiều bạn học sinh cho rằng việc ôn luyện vất vả để có điểm thi cao nhất đến cuối cùng cũng không thể hiện được gì.

Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối của gia đình và sự can ngăn của bạn bè, Nhân quyết tâm bỏ học và thi lại vào ngành mình yêu thích.

“Nhiều người nói mình ‘điên’ vì thủ khoa không muốn làm mà đâm đầu đi thi lại. Mình không quan tâm lắm vì điểm thi đại học cao nhất để làm chi khi cuối cùng bạn chẳng biết thứ mình thực sự muốn là gì”, 9X nói.

Bắt đầu một ngành học mới, không còn mang danh “thủ khoa”, Nhân thấy mình thực sự có mục tiêu và động lực để theo đuổi nó đến cùng.

“Nếu nói điểm thi đại học không quan trọng là không đúng nhưng nó chẳng thể theo mình đến hết đời được. Sau này nhìn lại, chúng ta sẽ tự nghiệm ra đó chỉ là một con số mà thôi”, Nhân bày tỏ.

Cấm việc ca ngợi thủ khoa quá mức

Năm 2018, Bộ trưởng Bộ giáo dục Trung Quốc Chen Baosheng tuyên bố nước này sẽ cấm việc tuyên truyền, ca tụng quá mức các thủ khoa của kỳ thi Gaokao.

Nhiều người cho rằng nguyên nhân của lệnh cấm này xuất phát từ xu hướng thương mại hóa danh xưng thủ khoa. Ngoài ra, hành động tuyên dương quá mức người đạt điểm cao đang tạo thêm áp lực với phụ huynh và học sinh.

Hãng truyền thông Meirrirenwu tại Bắc Kinh cho biết thí sinh đạt điểm cao nhất trong kỳ thi đại học quốc gia năm 2017 ở tỉnh Quảng Đông đã được một công ty thưởng căn nhà rộng 130 m2, trị giá ít nhất 500.000 nhân dân tệ (78.587 USD).

Thủ khoa này cũng nhanh chóng được nhiều công ty, tổ chức giáo dục để mắt tới. Các cơ quan này muốn tiếp cận thí sinh đạt điểm cao nhất để mượn hình ảnh quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình.

Trên trang web mua sắm trực tuyến Taobao, sổ ghi chép của những thủ khoa được bán với giá trung bình là 350 nhân dân tệ. Mức giá cao nhất là khoảng 2.000 nhân dân tệ.

Không chỉ các doanh nghiệp, trường học, sở giáo dục địa phương cũng tích cực mượn hình ảnh của thủ khoa để thu hút thêm học sinh và các nguồn tài trợ.

Tại Trung Quốc, danh xưng thủ khoa bị cấm ca ngợi quá mức để tránh gây áp lực cho thí sinh và phụ huynh.

Nhà giáo dục Trung Quốc Xiong Bing Qi cho rằng vấn đề then chốt đằng sau việc "tôn thờ" thủ khoa là một hệ thống giáo dục được định hướng bằng thi cử. Phụ huynh, học sinh luôn bị áp lực về điểm số và thành tích xếp hạng.

Trả lời New York Times năm 2013, Laszlo Bock, Phó chủ tịch nhân sự cấp cao của Google lúc đó, đã khẳng định: Điểm số (trung học lẫn đại học) không đóng vai trò quan trọng trong việc gã khổng lồ công nghệ này đưa ra quyết định tuyển dụng.

Theo ông Bock, có thể bảng điểm đẹp, điểm trung bình môn cao ngất ngưởng là minh chứng cho sự chăm chỉ học hành khổ luyện và từng có thời gian Google yêu cầu bảng điểm, bằng tốt nghiệp đại học. Thế nhưng, thời đấy đã qua rất lâu rồi.

Ông Bock đúc kết: Bảng điểm cao chót vót và những giải thưởng học thuật là thành quả của việc được đào tạo bài bản. Vấn đề mấu chốt là cuộc sống đâu chỉ xoay quanh sách vở, học thuật.

Thi rớt đại học có phải dấu chấm hết?

Tốt nghiệp một trường chuyên có tiếng ở TP.HCM, Bùi Ngọc Thương (sinh năm 1995) kể cô là một trong hai học sinh của lớp cấp 3 rớt đại học nguyện vọng 1.

Với số điểm 21 khối A, Ngọc Thương không thể theo học ngành học yêu thích tại ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM.

“Sau khi biết điểm thi, mình cứ ở trong phòng và khóc suốt. Bố mẹ cũng an ủi, động viên nào là ‘học tài thi phận’ rồi ‘không học ngành này thì còn ngành khác’... nhưng mình biết mọi người đều thất vọng và buồn”, 9X nhớ lại.

Thương kể suốt một thời gian dài cô không liên lạc với bạn bè thầy cô cũ. “Mình có cảm giác bản thân thất bại hoàn toàn. Việc thi rớt đại học thời đó kinh khủng lắm”, Thương nói.

Sau đó, Thương theo học nguyện vọng hai tại trường ĐH Tài chính Marketing. Trong suốt học kỳ một năm nhất, Thương vẫn bị ám ảnh bởi số điểm thi đại học của mình.

Cô chán nản với mọi thứ: trường mới, thầy cô mới, bạn bè mới nhưng cũng không dám tâm sự với người thân hay liên lạc với bạn bè cũ.

Kết thúc học kỳ đầu tiên của năm nhất đại học, Thương xếp loại trung bình và phải học lại nhiều môn.

“Mình tự hỏi bản thân tại sao cứ mãi ám ảnh về điểm thi đại học như vậy trong khi còn quá nhiều thứ phải làm”, 9X nói.

Không ít người cho rằng thi rớt đại học không phải dấu chấm hết, quan trọng bạn phải tự đứng lên và thay đổi chính mình.

Sau năm học đầu tiên, cô tự chấn chỉnh lại mình. Cô tự nhủ, dù gì mình cũng từng học trường chuyên, lớp chọn. Cô cũng tự thấy năng lực của mình không tệ đến thế.

Vì vậy, trong học kỳ sau đó, Thương cố gắng học tập, trả hết nợ môn cũ và tiếp tục đăng ký nhiều môn học mới để tốt nghiệp đúng thời hạn.

“Kỳ nghỉ hè của năm học đầu tiên, mình chọn cách đăng ký học vượt để bù lại khoảng thời gian thua sút bạn bè trước đó”, Thương chia sẻ.

Và những năm học sau cũng thế, cô dành thời gian học tập và nỗ lực thực hiện kế hoạch đã đề ra.

Sau 4 năm học, 9X hoàn thành chương trình học đúng thời hạn. Cô tốt nghiệp loại giỏi. Hiện tại, Ngọc Thương làm việc cho một ngân hàng lớn tại TP.HCM.

“Giờ nghĩ lại mình cảm thấy tiếc khoảng thời gian buông lơi chuyện học tập vì quá quan tâm đến điểm đầu vào. Việc hơn thua về điểm thi đại học theo mình thấy thật sự quá vô nghĩa”, Ngọc Thương khẳng định.

Nguồn Zing

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục