BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện thời sự

Ba lần người Pháp đến Tây Ninh

Cập nhật ngày: 20/08/2018 - 13:21

BTN - Kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám - Quốc khánh 2.9 năm nay, Bàn Dân tìm đọc lại những tư liệu ghi nhận từ các nhân chứng lịch sử trong sự kiện giành chính quyền về tay nhân dân Tây Ninh ngày 25.9.1945, và đọc được một ý tưởng rất đặc biệt mà những người quan tâm theo dõi, chứng kiến xuyên suốt quá trình đấu tranh giành độc lập, bảo vệ thành quả cách mạng và xây dựng phát triển quê hương Tây Ninh mới cảm nhận được. Ðó là chuyện 3 lần người Pháp đến Tây Ninh.

Lần thứ nhất, quân thực dân Pháp đến tỉnh ta giữa thế kỷ 19, và được “đón tiếp” bằng trận đánh đầu tiên của những nghĩa quân yêu nước trong tay chỉ có vũ khí thô sơ, khiến quân xâm lược phải đổ máu đỏ cả cánh đồng ven rạch Tây Ninh, đến nỗi tạo nên địa danh “Ðồng Cỏ Ðỏ”. Vậy mà thực dân Pháp cũng đã bám lấy thuộc địa để khai thác tối đa cho đến 80 năm sau nước ta mới giành được độc lập từ cuộc Cách mạng tháng Tám.

Lần thứ hai, một người Pháp đặt chân đến Tây Ninh, chính là người mở đường cho quân đội Pháp theo chân quân Anh giải giáp quân phát xít Nhật để tái chiếm nước ta: Ðại tá Cédile, Cao uỷ Pháp tại Ðông Dương. Viên sĩ quan này đã được dân tỉnh ta “đón tiếp” áp giải về tỉnh ngay sau khi nhảy dù xuống Ninh Ðiền, địa phương bên bờ Tây sông Vàm Cỏ Ðông. Rồi sau đó quân dân Tây Ninh đã cùng cả nước hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham gia cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp giải phóng một nửa đất nước năm 1954. Sau hiệp định Genève, quân Pháp lẳng lặng rút khỏi nước ta nhường cho đế quốc Mỹ nhảy vào xâm lược miền Nam, để rồi đến ngày toàn thắng 30.4.1975, người Mỹ cuối cùng cũng đã phải tháo chạy khỏi Việt Nam.

Lần thứ ba đến Tây Ninh, người Pháp mới thực sự là “khách mời” theo chủ trương kêu gọi đầu tư nước ngoài của Nhà nước ta để hoạt động kinh doanh trên đất nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, tự chủ. Lần này, người Pháp cũng đã làm cái chuyện họ từng làm tại Tây Ninh, xây dựng nhà máy công nghiệp chế biến mía đường. Tuy nhiên, thời khai thác thuộc địa, nhà máy đường thực dân Pháp xây dựng ở Thanh Ðiền không lớn lắm và chỉ sản xuất được đường thô. Còn nhà máy mang tên một dòng họ hoàng gia của Pháp xây dựng tại Tây Ninh có công suất chế biến tới 8.000 tấn mía cây mỗi ngày (TMN), sau nâng lên gần 10.000 TMN, công suất lớn nhất ngành mía đường Việt Nam ngày nay. Sau đó, các nhà đầu tư Pháp còn xây dựng tại Tây Ninh một khu công nghiệp lớn ở An Hoà, Trảng Bàng.

Còn nhớ trong một lần đến thăm Tây Ninh, nguyên Chủ tịch nước Lê Ðức Anh mong muốn có một ngày phần vốn của Việt Nam trong nhà máy đường Pháp 8.000 TMN không chỉ có 15% như lúc đầu mà phải chiếm 100%. Hơn 20  năm sau, bước sang thập niên đầu thế kỷ 21, mong muốn của nguyên Chủ tịch nước đã trở thành hiện thực. Những người Pháp đến Tây Ninh lần thứ ba đã nói lời chia tay sau khi bán toàn bộ hai dự án đầu tư lớn nhất của họ tại Tây Ninh cho nhà đầu tư trong nước ta.

BÀN DÂN