Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu hàng loạt dẫn chứng về các nội dung "mật" và đề nghị bộ trưởng công an, viện trưởng VKSND Tối cao và bộ trưởng Tư pháp lưu ý.
Sáng 12-9, tiếp tục phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo tư pháp và báo cáo về phòng, chống tham nhũng của Chính phủ.
Trước khi nêu ý kiến của cơ quan thẩm tra về những báo cáo trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu quan điểm của bà về những nội dung “mật” trong các báo cáo tư pháp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga.
“Loại trừ Chánh án TAND Tối cao rất minh bạch trong các số liệu gửi Ủy ban Tư pháp, còn lại Bộ Công an, VKSND Tối cao và báo cáo thi hành án hình sự đều đóng dấu “mật” và “tối mật” vào những số liệu mà theo chúng tôi không thể coi là mật được. Điều này gây khó khăn cho công tác thẩm tra, khó khăn cho tiếp cận của đại biểu Quốc hội và của cử tri thông qua báo chí” - bà Nga nói và cho rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội nếu không giải quyết việc này sẽ rất khó khăn, không những phiên họp này mà các phiên họp khác đều khó khăn.
“Trong cuộc họp hôm nay có bảy đồng chí là thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương, các đồng chí cũng biết các phiên họp của Ban chỉ đạo rất nhiều số liệu công khai” - bà Nga nói thêm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp sau đó nêu hàng loạt dẫn chứng và đề nghị Bộ trưởng công an, viện trưởng VKSND Tối cao và Bộ trưởng Tư pháp lưu ý để thuận lợi cho công tác thẩm tra.
Thứ nhất, những vi phạm trong hoạt động tư pháp, “Tại sao VKS lại cho rằng tất cả những vi phạm trong hoạt động tư pháp lại đưa vào danh mục đóng dấu mật? Tại sao khi bắt đầu điều tra, truy tố, xét xử, tác động đến quyền con người, quyền công dân rất lớn thì chúng ta lại công khai. Nhưng sau khi làm oan người ta lại nói các số liệu về oan, vi phạm trong hoạt động tư pháp chúng ta lại bảo là mật.
Như vậy không hợp lý bởi khi chúng ta đã đưa người ra điều tra, truy tố, xét xử công khai hết, làm tan nát cuộc đời của cả một con người và một doanh nghiệp có thể phá sản nhưng khi các cán bộ làm oan thì bao nhiêu trường hợp bị oan và ai làm oan thì chúng ta lại bảo là mật” - bà nói.
Thứ hai, số liệu người bị kết án tử hình. Bà Nga cho biết Ủy ban Tư pháp đã có ý kiến về việc này từ năm ngoái. “Các vụ án tử hình cơ bản là xét xử công khai, vậy tại sao tổng số công khai lại là số mật, không những thế còn là “tối mật”. Chỉ cần một người ngồi đếm bao nhiêu vụ xét xử trong năm thì sẽ tính được bao nhiêu án tử hình” - bà Nga phân tích.
Thứ ba, tổng số phạm nhân trốn trại, tự sát, chết trong trại thể hiện sai phạm của cơ quan quản lý giam giữ. “Tại sao lại đóng dấu “tối mật”? Vậy thi hành án vi phạm có tối mật, các cơ quan khác vi phạm có tối mật không? Điều này không đúng” - vẫn lời bà Nga.
Thứ tư, số liệu cán bộ trại giam bị xử lý kỷ luật cũng đóng dấu “tối mật”.
“Hiện danh mục tài liệu mật và tối mật của các cơ quan tư pháp, có một số danh mục ban hành từ năm 2004. Năm ngoái chúng tôi đã kiến nghị nhưng năm nay vẫn vậy. Hiện có Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, đề nghị các đồng chí phải sửa lại danh mục và xem xét lại cho đến khai mạc kỳ họp Quốc hội, đề nghị các đồng chí xem để sửa lại các danh mục đó, nếu không sẽ không bảo đảm tính công minh trong hoạt động tư pháp” - chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị.
Nguồn PLO