Ba năm thực hiện Nghị quyết 07 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, củng cố quốc phòng- an ninh khu vực tại các xã biên giới tỉnh ta giai đoạn 2007- 2010 đã đạt được kết quả tích cực.
Ba năm thực hiện Nghị quyết 07 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, củng cố quốc phòng- an ninh khu vực tại các xã biên giới tỉnh ta giai đoạn 2007- 2010 đã đạt được kết quả tích cực. Sản xuất nông nghiệp được duy trì phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với thị trường tiêu thụ. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân hằng năm là 6%, đạt mức tăng bình quân của nghị quyết đề ra. Hệ thống thuỷ lợi tiếp tục được triển khai đầu tư như: dự án thuỷ lợi Phước Hoà, trạm bơm Long Khánh, Phước Chỉ, Long Phước A, Long Hưng, Bến Đình. Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã hoàn thành được 3 hệ thống cấp nước tập trung, đưa tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch ở các xã vùng biên giới đạt 74%. Công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng, công tác xử lý việc lấn chiếm đất lâm nghiệp sai mục đích được quan tâm chỉ đạo. Tình trạng phá rừng làm rẫy được kéo giảm. Tính đến năm 2010 diện tích đất trồng rừng đạt 48.066 ha, góp phần đưa độ che phủ tự nhiên của tỉnh đến năm 2010 đạt 40,5%. Cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng giao thông nông thôn được cải thiện. Khu kinh tế cửa khẩu, dự án công nghiệp, khai thác khoáng sản được tập trung đầu tư đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn biên giới. Tính đến ngày 31.8.2010 đã có 366 cơ sở công nghiệp được xây dựng tại các xã biên giới. Đặc biệt từ khi Nhà máy xi măng Fico với công suất 1,5 triệu tấn sản phẩm/năm bắt đầu chạy thử tháng 12.2008 và từng bước ổn định từ năm 2009 đã góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng biên giới.
Vùng biên giới ngày càng có điều kiện thông thương, phát triển du lịch, vận tải với nước bạn Campuchia. |
Lĩnh vực văn hoá- xã hội có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ trẻ em ra lớp tăng dần qua các năm; xây dựng trường mẫu giáo, trường đạt chuẩn quốc gia đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. 100% xã biên giới đều có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, có 3 trường tiểu học và 1 trường trung học cơ sở được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất trang bị cho các bệnh viện huyện biên giới được quan tâm thực hiện. Đã hoàn thành việc xây dựng Bệnh viện Tân Biên, Trảng Bàng; đang triển khai đầu tư Bệnh viện Bến Cầu, Tân Châu. Trạm Y tế xã đạt chuẩn quy định, 100% xã đều có bác sĩ thường xuyên hoặc tăng cường để phục vụ yêu cầu khám, chữa bệnh; 100% ấp đều có nhân viên y tế cộng đồng. Thiết chế văn hoá xã được quan tâm đầu tư. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, thời gian qua đã công nhận 90,5% gia đình văn hoá, 96/112 ấp văn hoá. Cuộc vận động xây dựng “Điểm sáng văn hoá biên giới”, đã có 10/12 cụm đồn biên phòng đăng ký xây dựng.
Tình hình an ninh, chính trị và trật tự xã hội được ổn định, hệ thống chính trị các xã biên giới được củng cố, kiện toàn. Công tác đối ngoại và hợp tác với các tỉnh của Vương quốc Campuchia có chung đường biên giới được duy trì thường xuyên. Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được quan tâm, đã tổ chức triển khai tìm hiểu Luật Biên giới quốc gia, trợ giúp pháp lý cho cán bộ và nhân dân 20 xã biên giới. Qua tuyên truyền, nhận thức của người dân về pháp luật được nâng lên, phong trào quần chúng tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự biên giới được mở rộng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, việc thực hiện Nghị quyết 07 của Đảng bộ tỉnh ở các xã biên giới vẫn còn một số hạn chế, trong đó đáng quan tâm là việc huy động nguồn lực đầu tư trên địa bàn chưa nhiều, các cơ chế, chính sách ưu đãi vùng biên giới dù được ban hành nhưng chưa nhất quán, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư. Các dự án đầu tư nước ngoài về nông nghiệp đạt hiệu quả chưa cao. Nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng biên giới tuy có được tăng cường nhưng so với yêu cầu phát triển vẫn chưa đủ đáp ứng, một số công trình giao thông huyết mạch trên tuyến biên giới chậm được đầu tư.
PV