Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bà ngoại
Chủ nhật: 10:46 ngày 13/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày nhỏ, khát khao lớn nhất của tôi là được một lần hưởng cái thú… về thăm nội/ngoại.

Nghe lạ đời chưa, ai chẳng có nội ngoại? Ấy vậy mà anh em tôi (gần như) không có. Ba mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên đương nhiên tôi không có ông bà nội. Tệ hơn, ba lại là con duy nhất nên cô chú bác ruột cũng không. Huyết thống phía ba chỉ còn đâu vài người cô chú họ xa, lâu lâu mới gặp nhau. Máu loãng đương nhiên nhạt: gặp cũng vui nhưng không gặp cũng chẳng nhớ nhung gì…

Chuyện về nội là vậy, coi như… hết phim. Còn ngoại??

*

Thì đây, anh em tôi có một bà ngoại. Ngoại ruột hẳn hòi; tức đích thị người đã sinh ra mẹ tôi. Mẹ bảo vậy thì chắc chắn đúng vậy. Có điều, suốt thời gian dài, chuyện ấy với tôi cảm giác cứ như… hư cấu! Nghe mẹ kể: ông ngoại là thầy giáo, đi theo Việt Minh bị Pháp bắn chết. Lúc ấy mẹ mới chào đời, còn nhỏ lắm.

Mãn tang chồng, ngoại đem con gửi mẹ chồng nuôi, đi tiếp bước nữa. Chồng sau ngoại giàu có nhưng gia trưởng, khó tính… Thêm cái ổng trai tân, ngoại mầy gái goá nên càng sợ hơn. Cư xử lem lép một bề, có dám ngó ngàng chi đến tao đâu. Cũng phải thôi, dang dở một lần, được mối tốt vậy phải ráng mà giữ, sao sơ suất được. Tao hiểu nên không buồn…

Mẹ lấp liếm cho qua chuyện chứ sao không buồn? Câu chuyện về con nhỏ tuổi mười hai không có mẹ, sống với ông bà cố nghèo rớt mùng tơi. Sắp tết, thèm manh áo mới không có tiền mua, cố xúi đón đường níu gánh mẹ mà xin. Níu, xin thật. Ngoại mắt trước mắt sau ừ, gật rồi gỡ tay con, quảy gánh đi như chạy. Con nhỏ về nhà mừng khấp khởi, dài cổ ngóng áo mới mẹ mua tới tận… ba mươi Tết không thấy áo đâu. Đêm giao thừa, nó đu theo cố khóc nức nở. Cố nổi điên, cũng vừa khóc vừa rủa: cái đồ ác, không có thì thôi, hứa chi cho con trẻ nó ngó chừng…

Chuyện này mẹ quyết giấu không kể; tôi biết qua lời người khác. Nghe xong giận tràn hông, chạy đi hỏi mẹ. Mẹ nạt: tào lao nà, làm gì có chuyện ấy! Mà… ngoại mầy lúc ấy cũng khó khăn lắm, nuôi một bầy con đông lít nhít đâu có dễ dàng gì.

*

Đời sau của ngoại sinh rất nhiều dì, cậu; những người-em-nửa-dòng-máu của mẹ, tức thị gần như dì, cậu ruột của anh em tôi. Vậy nhưng, gặp nhau chào xã giao hệt khách qua đường, thậm chí ngoại có bao nhiêu cậu, dì tôi cũng không thuộc mặt hết! Dì, cậu với chúng tôi lại càng… hên xui trong vụ nhận mặt.

Anh Ba con trai lớn còn nhiều người nhớ; riêng tôi gặp dì, cậu ngoài đường, ngoài chợ vòng tay cúi chào mười lần hết chín sẽ được “đáp từ” bằng câu: cháu mày con ai?? Giỗ chạp, tết nhất không thấy các cậu, dì mời. Nhà tôi có mời dì, cậu cũng không sang. Chỉ mỗi bà ngoại thi thoảng qua dự đám giỗ ông. Mà ngoại cũng chỉ qua lúc chồng sau của ngoại đã mất. Trước đó thì không bao giờ…

Kiểu huyết thống lấy có này chúng tôi đã quen từ nhỏ, không thấy lạ. Gọi, thưa cho phải phép, thực sự tôi hầu như không nhớ tới sự tồn tại của các cậu, dì con ngoại. Tết nhất có theo ba mẹ đi chúc tết lòng vòng, nhận được ít tiền lì xì là cũng từ những ông cậu, bà dì họ xa (anh em chú bác hoặc cô cậu của mẹ).

Nói hơi kì khôi, nhưng lúc nhỏ tôi hay đánh giá sức nặng của các mối quan hệ ruột rà tuỳ theo sức nặng của… món tiền mừng tuổi. Ai chê tôi mới nứt mắt đã “duy tiền” cũng chịu; chứ kêu bà con, tết nhất định phải có tiền mừng tuổi. Tiền nhiều bà con gần; tiền ít bà con xa; không tiền là… không có bà con! Con Thơ, bạn cùng xóm nghe cái lý luận “ngang ngay sổ thẳng” rất chi hùng dũng của tôi thì mắt tròn mắt dẹt phục lăn.

Chợt nghĩ ra chuyện gì, nó hốt hoảng kêu: vậy mấy cậu, dì con của ngoại mày thì tính sao? Thì tính… không bà con luôn chớ sao? Tôi bí quá, đáp bừa. Đáp xong bụm miệng nhìn quanh, sợ mẹ lẩn quẩn gần đâu đó nghe được. Mẹ mà nghe được là lôi thôi to. Ở nhà, mẹ luôn đè tôi với anh Ba ra giáo huấn không ngơi: các cậu, dì nghĩ sao, hành xử sao là chuyện của cậu dì, mình làm con cháu phải cư xử đúng đạo con cháu.

Giọt máu đào hơn ao nước lã! Không nhớ là… ăn roi, nghe chưa?? Nhớ. Nghe. Vậy nhưng nhớ/nghe vì sợ cây roi của mẹ là chính, chứ còn khuya tôi mới tiêu hoá nổi cái lý luận mang tầm… vĩ mô kia. Thật không hiểu sao mình cứ phải đi nhận người ta làm bà con trong khi người ta không muốn nhận mình??

Với bà ngoại, tình hình có đỡ hơn chút. Ít nhất, ngoại cũng còn lui tới. Không nhiều lắm, nhưng đủ để nhớ mặt mấy đứa cháu. Vẫn không có tiền mừng tuổi. Mẹ mắng át: đừng có hư; ngoại già cả không đi làm được, tiền đâu?? Nói vậy nhưng tôi học chung trường, là bạn (không thân) với nhỏ Xinh, con gái dì Tám. Nó kể: tết nào ngoại sang chơi cũng lì xì cho nó với mấy đứa em…

*

Nhà nuôi bò. Mỗi khi đồng vào vụ, ba thường hay lùa bò sang cày, bừa ruộng giùm ngoại. Anh Ba lớn đủ sức vác cày bừa thì ba giao việc cho anh. Cày ruộng mình anh Ba đi nhưng bừa thì tôi phải đi theo để phụ rong bò. Phần thưởng là được anh cho “ngồi bừa” (ngồi đè lên bừa để khi bò kéo bừa lún sâu, trang mặt bùn cho phẳng). Tiết mục ấy đứa nhỏ nào cũng mê bởi được ngồi im cho bò kéo chạy băng băng, rất đã!

Nhà ngoại có cây bưởi thanh trà, cuối mùa sót lủng lẳng một trái chín vàng ươm, to cộ (nhà tôi có chút xíu đất, mẹ bảo để trồng rau, chỗ đâu trồng cây to mà đòi cam với bưởi?). Ngoại kêu sang bừa ruộng giùm, hai anh em vác bừa lùa bò đi ngang thấy trái bưởi thèm nhỏ dãi. Anh Ba bạo miệng kì kèo: ngoại, bừa ruộng xong ngoại cho tụi con… xin trái bưởi kia hen ngoại? (thèm quá hoá liều; với lại nghĩ mình “có ơn” đi bừa cho ngoại mới dám to gan. Ngày thường có cho kẹo anh cũng chẳng dám xin).

Ngoại gật.

Hai anh em mừng húm, ra sức đánh bò bừa dọc bừa ngang; kỹ đến mức bùn ruộng ngoại hoá mịn mượt, phẳng căng như bôi mỡ mới chịu thôi. Khấp khởi đánh bò về, vô sân đã thấy trái bưởi không cánh mà bay. Hỏi; ngoại đáp tỉnh: con cậu Bảy mày qua chơi, thấy thèm quá xin rồi…

Anh Ba buông phịch cái bừa, đứng sững, chảy nước mắt. Còn tôi không nói không rằng vung roi giáng xuống lưng con bò Cộ một roi thật lực! Lần đầu tiên tôi đánh con bò yêu một roi khủng khiếp dường ấy. Con Cộ đau đớn rống ò, lồng chạy tế như điên bất kể đường sá. Đừng tưởng chỉ mình nó điên. Nó điên một nhưng tôi điên mười. Ca này không điên mới đúng chuyện lạ. Trời sinh tôi con gái nhưng không có (hay có rất ít) nước mắt. Giá mà tôi có thể khóc như anh Ba hãy còn dễ chịu. Đằng này…

Đó là lần cuối tôi bước chân qua nhà ngoại.

*

Đem kể chuyện này với mẹ ba. Ba nghe thở dài. Còn mẹ; hệt như anh Ba tức cũng sững người, khác cái không chảy nước mắt! Mẹ im lặng, không kiếm cách bênh ngoại như mọi bận nhưng trông buồn lắm. Nỗi buồn - tôi hình dung nó đang ướt sũng, chỉ chờ một cú va nho nhỏ là sẽ lập tức chảy tràn…

Thương mẹ, sợ mẹ đau thêm nên tôi im lặng, không “kể tội” ngoại nhiều hơn. Vậy nhưng ấn tượng về ngoại trong tôi đã trở nên xấu, rất xấu. Anh Ba vốn tật lạt lòng, giận hết hồi thôi vẫn chạy qua chạy lại ngoại ơi ngoại ơi. Riêng tôi khỏi mơ. Không qua nhà ngoại thì chớ, ngoại có qua chơi tôi cũng kiếm cớ lủi sang hàng xóm, đợi ngoại đi mới chịu mò về. Mẹ không mắng, chỉ thở dài: giận dai dữ con? Thôi, ngoại già lẩm cẩm, chấp ngoại làm gì…. Tôi gân lên: lẩm cẩm à? Lẩm cẩm sao ngoại không… đưa nhầm cái gì cho anh em con mà toàn “đưa nhầm” sang đứa khác?? Mẹ im, lại buồn ướt sũng. Cái buồn khiến tôi buộc phải thắng gấp cơn tức tối, chạy ra bờ rào thiệt xa mới dám đứng lại lầm bầm… 

*

Ngoại bệnh.

Nghe vậy nhưng tôi không quan tâm. Bệnh kệ ngoại chớ, liên quan gì tới tôi. Mấy đứa cháu nhà đây bệnh - cả mẹ nữa; năm ngoái mẹ bị té trặc khớp tay, bó thuốc hàng tháng - có thấy ai léo hánh hỏi han gì. Vẫn cái đứa ngang ngay sổ thẳng lên tiếng trong tôi. Anh Ba sang thăm, chạy về hốt hoảng báo tin: bệnh ngoại trở nặng, giờ đưa đi bệnh viện! Mẹ tái mặt, lẳng lặng thay đồ cắp nón đi ngay một lèo ra ngõ. Mẹ! - tôi quát. Mẹ quay nhìn tôi; mắt mẹ như mắt con bò Cộ hôm chăn ngoài đồng húc lộn bị thương. Ánh mắt ấy khiến tôi tắt đài, im ngay. Ba trông cảnh ấy cũng lắc đầu, xua tay. Mẹ đi tới tối mịt mới về. Chưa kịp tắm rửa cơm nước đã vội vàng dặn ba;

-Mai ông với mấy đứa nhỏ lo trông nhà, tui xuống bệnh viện.

-….!?

-Tui đi… nuôi mẹ vài bữa. Nhà thằng Út neo người quá, bỏ mẹ nằm một mình tui không an tâm.

Ba không đáp, thở dài. Anh Ba cũng im. Chỉ tôi không nhịn nổi, gào lên:

-Ngoại bệnh thì cậu nuôi, mắc mớ chi mẹ phải đi nuôi??

-Thì cậu đi làm xa; mợ bận việc nhà không rảnh…

-Vậy nhà mình rảnh chắc? Mẹ nghĩ lại coi: mẹ bệnh ai quan tâm? Tụi con bệnh ai quan tâm? Phải cậu mợ không đâu; luôn cả bà ngoại…

Ba nghiêm mặt quát:

-Gái, không được hỗn!

Ba đã nổi hung lên thì không đùa được. Tôi bụm miệng, bỏ chạy ra ngoài. Tức cơ hồ nghẹt thở. Lần đầu tiên tôi bật khóc. Tại sao, tại sao chớ? Tại sao mẹ cứ phải quan tâm, chăm sóc bà ngoại trong khi bà không ngó ngàng đến mẹ? Có cái gì đó phi lí, bất công tới mức tôi không hiểu nổi. Mẹ từng kể tôi nghe chuyện vua Thuấn. Chuyện vua cảm hoá được mẹ con bà dì ghẻ nhờ đức nhẫn nhịn, khoan dung. Nhưng đó là… bà dì ghẻ; còn đây rõ ràng là bà ngoại ruột, là mẹ của mẹ cơ mà???

*

Ngoại nằm viện ngót tháng. Mẹ cũng sáng đi chiều về ngót tháng. Có hôm bệnh ngoại trở nặng mẹ còn trực luôn đêm, sáng ra mặt mũi xanh xao phờ phạc.

Tôi hờn, lầm lũi lo công việc không hé răng một lời với mẹ. Tính tôi khi giận ít còn nói; tới lúc quá giận rồi thì đừng ai mong cạy miệng tôi. Ba trông mặt tôi “sát khí đằng đằng” cũng đâm ớn, không dám dây vô. Ngày thường ba hay bảo: đáng ra mầy phải đổi chỗ cho thằng Ba; nó làm con gái còn mầy  làm con trai mới xứng!

Đêm. Tôi nghe tiếng rột rẹt ngoài mùng; rồi cảm giác có người chui vô nằm, choàng tay qua lưng tôi ôm chặt! Thừa biết là mẹ nhưng tôi cứ làm bộ ngủ say không động đậy. Cảm giác được mẹ ôm, được hít mùi quần áo, tóc tai của mẹ quả là dễ chịu. Mẹ “xuống nước”, thấy nguôi nguôi bớt nhưng không vội. Con gái mẹ đã nổi điên lên là ghê gớm lắm. Mẹ phải “biết điều” hơn…

-Hết giận mẹ chưa?

-…

-Thôi đi cô, tui biết cô thức từ nãy giờ. Đừng làm bộ…

Mấy ngón tay luồn, cù nhẹ vào hông khiến tôi giãy người, bật cười sặc. Mẹ thừa biết tính tôi rất dở chịu nhột. Cười xong, tôi vùng vằng:

-Chưa đâu! Còn giận! Mẹ ra ngoài đi…

Mẹ không ra, trái lại còn ôm tôi chặt hơn, vỗ vỗ:

-Nghe mẹ hỏi nè: con có thương mẹ không?

Lòng tôi như tan ra:

-Con… ư… có…

-Mai mốt biết mẹ làm sai con có bỏ mẹ không?

Tôi nhổm người:

-Sao bỏ được? Mẹ hỏi gì kỳ…

-Vậy sao con đòi mẹ bỏ ngoại? Ngoại là mẹ của mẹ mà?

-Nhưng mẹ khác ngoại khác…

-Không khác đâu con. Mẹ cũng có chuyện sai. Làm người ai cũng có sai. Tại con chưa thấy cái sai của mẹ…

Tôi im, nằm ngẫm nghĩ, cố hiểu lời mẹ. Không hiểu nổi. Mẹ thì làm gì sai? Vậy nhưng, giả dụ mẹ làm sai (như ngoại) thì một đứa cố chấp như tôi liệu có bỏ qua? Khó quá. Bỏ qua dễ dàng thì… không phải tôi; nhưng không bỏ qua lại cũng không xong. Mẹ của mình mà…

*

Ngoại khỏi bệnh về nhà, sang chơi bên tôi nhiều hơn. Mẹ mừng ra mặt khi thấy ngoại thường sang, có lúc còn chịu ở lại ăn cơm. Mắt mẹ long lanh; những vệt chân chim nơi đuôi mắt tuần tự dãn ra. Nhìn cảnh mẹ đón, dắt ngoại vào nhà; lấy nước, lấy quạt, lấy khăn, chuyện trò mẹ mẹ con con mới biết rất chi tâm đắc!

Từ bữa được mẹ vô giường thủ thỉ, tôi thấy bớt ghét ngoại. Thôi kệ. Nghĩ chín, tôi sao cũng được miễn là mẹ vui. Trước đây tôi giận phần nhiều cũng “giận thay” mẹ mà thôi. Giờ mẹ không tính sao tôi phải tính?

Cậu Út chở ngoại sang chơi thi thoảng cũng dựng xe ghé nhà uống chén nước, chuyện năm câu ba sợi. Chuyện lạ trước đây chưa từng...

*

Mợ Út nấu nướng không hợp khẩu vị nên ngoại phải tự nấu ăn riêng. Sắp tết sang dự giỗ ông, đang ngồi chơi nghe ngoại phàn nàn:

-Tết nhất tới nơi, ăn chung với cậu mợ mày thì không được mà ăn riêng nấu nướng mất công quá…

Tự dưng anh Ba hứng chí, kêu:

-Hay ngoại thu xếp qua đây ăn tết với nhà con, mình ngoại lui hui nấu nướng làm gì…

Sực nhớ, anh bụm miệng, lấm lét nhìn tôi xem thử thái độ. Tôi lơ không nhìn anh, ý bỏ phiếu trắng. Ba liếc thấy, cười nhẹ:

-Cháu nó nói phải đó mẹ. Mẹ sang ăn tết với gia đình con cho vui…

Ngoại buông miếng trầu têm dở nhìn anh em tôi chăm chăm. Rồi, ngoại chảy nước mắt…

Y.N

Tin cùng chuyên mục