BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bầu ơi 

Cập nhật ngày: 15/01/2021 - 08:36

BTN - Không phải là tiếng gọi thiết tha trong ca dao, rằng: "Bầu ơi thương lấy bí cùng”, mà là chuyện về những trái bầu thứ thiệt, mơn mởn xanh trên các cánh đồng.

Chẳng là, từ cuối năm ngoái sang đầu năm nay, đi đâu tôi cũng gặp bầu: ở giữa cánh đồng xã Phước Thạnh, Gò Dầu; ở xã Ðồng Khởi, huyện Châu Thành; rồi Suối Ðá, Dương Minh Châu… Và ngay ở chùa Hiệp Long trên đường Hoàng Lê Kha, phường 3, thành phố Tây Ninh cũng có những giàn bầu đang trĩu trái.

Bầu ở các xã vừa kể là rau màu, thường được làm giàn tre để bầu leo. Giàn có hình dạng giống những chiếc hầm chữ A thời kháng chiến. Những khối hình chữ A kết bằng tre trúc tầm vông chạy dài tít tắp, lá bầu ngời xanh và lấp lánh hoa vàng. Trong giàn là những trái bầu đang “lớn xuống”.

Ðấy là theo ý một câu của một nhà thơ: “Chúng con lớn lên, còn bí bầu lớn xuống”. Trái bầu vừa đậu mới bằng ngón tay, càng lớn càng dài và càng gần với đất. Bầu ở chùa Hiệp Long thì hơi khác. Chúng được leo lên giàn cao quá đầu người. Giàn được làm ngang để tạo thành bóng mát.

Vậy nên phật tử đến chùa còn có thể đi dạo dưới giàn bầu, ngước lên ngắm nhìn những trái bầu lửng lơ xanh như giọt nước ở trên cao. Giống bầu ở chùa cũng đặc biệt hơn, đấy là bầu nậm, để làm kiểng hơn là để ăn; và có cả bầu lục bình dài 5-7 tấc. Chúng là loại bầu “siêu lớn”, nên người ta phải sắm cho mỗi trái một cái giỏ treo.

Tôi đã tần ngần hồi lâu trước ruộng bầu ở một xóm sâu mang tên Trà Cốt, thuộc xã Ðồng Khởi, huyện Châu Thành. Xa xa là núi Bà sẫm xanh một ngày đẹp nắng. Mây trời lồng lộng. Tất cả làm bật lên những giàn bầu óng ả tươi non, hoa bầu vàng thắm. Và những trái bầu nhỏ nhắn, thuôn dài cũng bóng bẩy, ngời lên dưới nắng.

Một đống trái đã được hái xuống, xếp đầy trên tấm bạt. Có thêm một cái cân cho biết người ta bán tại vườn. Ðến khi anh chủ ruộng xuất hiện, hỏi thăm mới biết bầu đang “rớt giá thê thảm”. Chỉ được một ngàn năm trăm đồng một ký bầu non. Ấy thế mà khi ngỏ ý mua giúp anh vài ký, anh lại cho không. Anh bảo chỉ bán cho những người bán buôn, còn ai đi qua muốn đem về ăn thì tặng.

Tôi thật lòng muốn kêu lên câu ca dao quen:- Bầu ơi thương lấy bí cùng! Có điều ngày nay cũng đã khác xưa. Không còn là thời “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon” nữa. Bây giờ là lúc bí cần phải thương bầu.

Vì bí còn được “công nghiệp hoá” tạo thành nước đóng lon mang thương hiệu bí đao. Bí còn được chế thành mứt tết phục vụ người tiêu dùng cả nước. Trong khi bầu vẫn chỉ là một loại rau quả thông thường đem bán chợ mà thôi.

Tôi lại nhớ những vụ đông ngoài Bắc. Ðông về cũng là mùa của các loại rau củ quả bộn bề trên khắp các đồng quê. Khoai tây, su hào, bắp cải, cà chua… thu hái quá nhiều, nên đem bán như cho. Một gánh cà chua trĩu nặng vai người, bán xong chỉ mua được hai tô phở. Ở đâu cũng từng có điệp khúc được mùa, mất giá. Và bầu của quê ta cũng không là ngoại lệ. Vậy nên, đây là lúc bí thương bầu.

Sáng nay, đài báo miền núi phía Bắc đang kỳ rét hại. Nhiệt độ Sa Pa, Y Tý xuống dưới 0 độ. Băng tuyết phủ kín trên các cành cây ngọn cỏ, hoa đào. Người các nơi đổ xô lên núi cao ngắm tuyết. Trong khi bà con địa phương đang phải lo chống rét cho người và cho cả trâu bò. Vậy mà vẫn có nhiều trâu bò chết bị đem xẻ thịt bán rẻ. Cũng may là còn có đông du khách, nên còn có thể gỡ lại ít nhiều vốn liếng, hy vọng phục hồi ở những mùa sau.

Còn ở Tây Ninh? Những ruộng bầu vẫn thầm lặng nở lá thắm xanh hoa vàng rực rỡ. Dưới những giàn cây tầm vông, trái bầu vẫn âm thầm lớn xuống mỗi ngày qua. Tôi nhìn những trái bầu non, bóng bẩy với sắc màu xanh non như lá mạ. Và biết rằng để có tất cả những non tươi như thế là những giọt mồ hôi và tâm trí của bao người từng cặm cụi cuốc cày, vun xới.

Nhiều khi tôi chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” để tụng ca cảnh vật, mà quên mất Con Người. Những con người của Tây Ninh quê tôi từng “đổ mồ hôi sôi nước mắt”. Tấm lòng họ luôn thơm thảo như hoa bầu, hoa bí nở vàng tươi trên khắp đồng xa rẫy gần miền thềm sông Vàm Cỏ Ðông hoa gấm quê ta.

NGUYỄN