Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bác bỏ “quan ngại” của nước ngoài về tình hình tôn giáo ở Việt Nam
Thứ sáu: 23:15 ngày 10/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngay tại Tây Ninh, một tỉnh có gần 70% dân số là người có đạo, đời sống tôn giáo vô cùng bình yên, mọi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng tôn giáo, văn hoá tôn giáo và cả những hoạt động vì cộng đồng của tôn giáo… đều được tạo điều kiện tối đa, được pháp luật bảo vệ.

Chùa Gò Kén. Ảnh: Huỳnh Thanh Liêm

Ngày 9.3, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tôn giáo Chính phủ ra mắt Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” giúp độc giả trong và ngoài nước hiểu rõ, đầy đủ về chính sách tôn giáo, đời sống tôn giáo ở nước ta. Cuốn sách ra mắt trong bối cảnh cách nay chưa lâu, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo.

Việt Nam- quốc gia đa tôn giáo

Thông tin đến báo giới, ông Nguyễn Tiến Trọng- Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, Việt Nam là một quốc gia có truyền thống văn hoá lâu đời, có 54 dân tộc với nhiều tôn giáo khác nhau.

Hiện nay, ở Việt Nam có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số cả nước), hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự; có hàng ngàn nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung (trong đó có các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam).

Nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, ngay từ Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (năm 1946) và các bản Hiến pháp của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau này luôn khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong các quyền cơ bản của con người.

Đặc biệt, bản Hiến pháp được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 28.11.2013 chứa đựng những nội dung mới về quyền con người, thể hiện bước tiến mới về tư duy Nhà nước pháp quyền và thể chế hoá quyền con người ở Việt Nam, phù hợp với các chuẩn mực được nêu trong các công ước quốc tế về quyền con người.

Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo. Các tôn giáo ở Việt Nam đều có đóng góp nhất định cho đất nước trên nhiều phương diện của đời sống xã hội; đồng thời là một nhân tố xã hội và văn hoá tích cực, góp phần làm cho nền văn hoá Việt Nam đa dạng, đặc sắc. Các tôn giáo du nhập từ bên ngoài cũng có quá trình tiếp biến với văn hoá Việt, tạo ra nét riêng của tôn giáo Việt Nam.

Việt Nam là đất nước ôn hoà trong quan hệ giữa các tôn giáo; có truyền thống đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước. Việc chung sống hoà bình và bao dung giữa các tôn giáo cùng với tính nhân ái, nhân bản của con người và xã hội Việt Nam đã tạo ra một bức tranh sinh động về tín ngưỡng, tôn giáo: phong phú, đan xen lẫn nhau.

Ở Việt Nam, sự đồng thuận giữa các tôn giáo và Nhà nước thể hiện rất rõ. Đại đoàn kết toàn dân tộc trong đó có đoàn kết các tôn giáo là nguồn sức mạnh và là nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Không thể bóp méo

Thực tế chứng minh rằng, việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo là việc làm thiếu khách quan. Điều này không có gì lạ, vì đây không phải lần đầu, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có động thái như thế. Dân tộc, tôn giáo, nhân quyền luôn là những chủ đề “ưu tiên” của một số nước khi muốn can thiệp vào chuyện của một quốc gia khác.

Có điều kiện theo dõi, tìm hiểu sẽ không khó khăn gì để chứng minh việc lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, nhân quyền để can thiệp, thông tin sai lệch về những vấn đề nêu trên, là việc làm có chủ đích của một số quốc gia đối với Việt Nam.

Từ khi cách mạng tháng Tám thành công, vấn đề đoàn kết, đại đoàn kết dân tộc đã được Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Sử sách đã nói nhiều, bài viết này xin không nhắc lại. Chỉ tính từ những năm 90 của thế kỷ XX, lúc đất nước còn bộn bề khó khăn, Đảng, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm đến tình hình tôn giáo.

Ngày 16.10.1990, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới. Nghị quyết khẳng định đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới.

Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 2.7.1998 khẳng định cần phát huy giá trị đạo đức, văn hoá của các tôn giáo. Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc tiếp tục khẳng định quan điểm tôn trọng và phát huy giá trị văn hoá, đạo đức của tín ngưỡng, tôn giáo “khuyến khích lý tưởng công bằng, bác ái, hướng thiện...” trong tôn giáo, đồng thời tuyên truyền giáo dục, khắc phục tệ mê tín dị đoan, chống việc lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện ý đồ chính trị xấu.

Gần đây nhất, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thêm một lần nữa khẳng định “phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”. Ðặc biệt, Ðại hội XIII của Ðảng, vấn đề “phát huy các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước” lần đầu tiên được ghi nhận chính thức trong văn kiện Ðại hội. Ðiều này thể hiện tầm tư duy mới của Ðảng được đúc rút, kiểm nghiệm hết sức thận trọng, khách quan, khoa học.

Nguồn lực tôn giáo thể hiện ở hai phương diện cơ bản là nguồn lực tinh thần và nguồn lực vật chất. Nguồn lực tinh thần chính là giá trị đạo đức, văn hoá tốt đẹp được thể hiện trong hệ thống triết lý, giới luật, lễ nghi có tác dụng điều chỉnh nhận thức, hành vi của tín đồ.

Giá trị đó, ngoài việc bảo vệ niềm tin tôn giáo thiêng liêng, còn hướng con người đến một thế giới “chân, thiện, mỹ”. Nguồn lực vật chất của tôn giáo được kết hợp bởi hai yếu tố nguồn nhân lực và nguồn vốn của giáo hội, tín đồ các tôn giáo. Họ chính là người làm ra của cải không chỉ phục vụ đời sống hằng ngày mà còn cùng với các thành phần xã hội khác góp phần vào sự nghiệp phát triển KT-XH đất nước.

Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng khẳng định: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo đúng quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận.

Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”.

Đồng bào theo đạo và chức sắc tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo

Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Ðảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết dân tộc”.

Quan điểm này đã được thể hiện xuyên suốt thông qua nhiều kỳ đại hội. Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ VIII và IX, Ðảng xác định: “Ðồng bào theo đạo và các vị chức sắc tôn giáo có nghĩa vụ làm tròn trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc, sống tốt đời, đẹp đạo”.

Sau 2 kỳ Ðại hội, quan điểm này có sự thay đổi cơ bản khi Ðảng chỉ đạo cần “động viên, giúp đỡ đồng bào theo đạo và các chức sắc tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo”. Ðại hội XI, Ðảng tái khẳng định quan điểm trên, đồng thời bổ sung thêm chủ thể cần vận động là “các tổ chức tôn giáo”.

Ðại hội XII quan điểm này tiếp tục được tái khẳng định. Ðáng chú ý, văn kiện Ðại hội XIII, cụm từ “vận động” được sử dụng thay cho “động viên” thể hiện rõ hơn sự ý thức trách nhiệm của các chủ thể làm công tác tôn giáo, không chỉ là tuyên truyền mà phải bằng các chính sách, việc làm cụ thể để vận động quần chúng tín đồ. Kế tiếp, là tập hợp, quy tụ, phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng.

Như vậy, có thể hiểu “vận động” vừa là yêu cầu, vừa là nội dung trọng tâm được Ðảng ta xác định: “Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng” để đạt được mục tiêu “đoàn kết, tập hợp” các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ “đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Nội dung quan điểm này cũng là sự cụ thể hoá quan điểm xuyên suốt của Ðảng thể hiện trong toàn bộ Văn kiện Ðại hội XIII, đó là chỉ khi nào vận động, đoàn kết, tập hợp được quần chúng, trong đó có chức sắc, tín đồ tôn giáo thì khi đó mới có thể “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Trong nhiều năm qua, các tôn giáo phát triển toàn diện về mọi mặt. Nhiều hoạt động, hội nghị, hội thảo tôn giáo được tổ chức với quy mô lớn, mang tầm quốc gia và quốc tế như Ðại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc (VESAK), Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI, lễ khai mạc Năm Thánh của Giáo hội Công giáo, lễ kỷ niệm 100 năm Tin Lành đến Việt Nam, Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á châu lần thứ X…

Ngay tại Tây Ninh, một tỉnh có gần 70% dân số là người có đạo, đời sống tôn giáo vô cùng bình yên, mọi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng tôn giáo, văn hoá tôn giáo và cả những hoạt động vì cộng đồng của tôn giáo… đều được tạo điều kiện tối đa, được pháp luật bảo vệ. Có những lễ hội tôn giáo ở Tây Ninh thu hút hàng chục vạn người cả trong và ngoài nước tham gia.

Những kết quả đó thể hiện tính đúng đắn của việc đề ra và triển khai thực hiện đường lối, chính sách về tôn giáo của Ðảng. Ðó cũng là cơ sở thực tiễn quan trọng để đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Việt Đông

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục