Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Giới thiệu sách
Bác sĩ Trưởng khoa- một hồi chuông cảnh tỉnh
Thứ sáu: 05:45 ngày 27/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian gần đây, hiện tượng các sự cố y khoa xảy ra trong bệnh viện khá nhiều khiến dư luận xã hội bức xúc. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Có nhiều cách trả lời khác nhau. Tôi đi tìm lời giải đáp trong Bác sĩ trưởng khoa- tiểu thuyết của Vũ Oanh (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn).

Trước khi cho ra mắt bạn đọc Bác sĩ trưởng khoa, Vũ Oanh đã có hơn 20 truyện ngắn, một truyện vừa viết về ngành Y- lĩnh vực nghề nghiệp mà anh đã theo suốt cả cuộc đời. Tôi nghĩ rằng tác giả sẽ có một câu trả lời, tạo niềm tin cho độc giả về chiều hướng tốt đẹp của ngành Y. Nhưng đọc xong, tôi vẫn băn khoăn.

Nhân vật chính của Bác sĩ trưởng khoa là bác sĩ Trần Tử Khang. Anh sinh ra trong một gia đình có ông nội làm nghề thầy lang nhưng bị kết tội oan trong cải cách ruộng đất. Bố là liệt sĩ kháng chiến chống Pháp. Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội được điều động vào quân đội. Những năm tháng ở chiến trường Tây Nguyên khốc liệt, bằng năng lực chuyên môn, trách nhiệm của một bác sĩ quân y, anh đã cùng đồng nghiệp cứu chữa cho biết bao thương binh, bệnh binh thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Sau chiến tranh, về công tác tại khoa Ngoại sản của Bệnh viện Hồng Phúc, bác sĩ Khang “... vẫn cứ thầm lặng với những công việc mổ xẻ và điều trị khi đến tay mình. Ông không thể không biết lãnh đạo trù dập, khống chế, ăn chặn, ăn bớt của mình mà vẫn bình thản...” (364). Anh hiểu rằng “Thầy thuốc thông minh và cần cù mấy cũng không đủ. Phải học cách làm việc và suy nghĩ chân xác suốt đời” (373).

Anh cũng hiểu được rằng: “Họ đua nhau săm soi y đức của các thầy thuốc. Không phải vì là bác sĩ mà anh ca tụng nghề nghiệp mình. Họ chưa hiểu, nghề y khó nhất trong các nghề... (69). Anh không xu nịnh, không phe cánh, móc ngoặc, không có lợi ích nhóm với Giám đốc bệnh viện Bùi Cường. Trải qua bao thăng trầm, cuối cùng bị Bùi Cường... ép phải nhận công việc Trưởng khoa.

Ở vị trí đó... “ngoài việc uốn nắn, nhắc nhở nhân viên về chuyên môn, lão Khang không nói xấu một ai...”  (385). “Lão chỉ coi trọng công việc y khoa mà không khéo ăn khéo nói với lãnh đạo...” (385).

Xoay quanh nhân vật chính là hàng loạt nhân vật khác. Trước hết là giáo sư Nguyễn Đức Tấn, người được Bùi Cường coi như thần tượng, chuyên giúp Bệnh viện Hồng Phúc mổ những ca khó nhưng vẫn có ca bệnh nhân viêm ruột thừa lại... cắt niệu quản; còn giáo sư Lương Ngọc Bình không biết mổ làm sao mà bệnh nhân... thủng cả tử cung.

Lã Hồng Quân, giảng viên đại học Thiên Đức chạy chọt, nịnh bợ để về Bệnh viện Hồng Phúc, leo lên trưởng khoa mà khi cầm dao mổ lóng ngóng, chẳng biết phải làm gì. Sau các giáo sư, giảng viên là các giám đốc bệnh viện. Đại tá, Viện trưởng Quân y 101 Phạm Quang Minh thì khệnh khạng, gia trưởng... “Khi nào ông cũng như cần phải khẩn trương, việc gì cũng làm như mình phải tranh thủ...”, đối xử với đồng nghiệp theo suy nghĩ: “Tài năng mấy thì thằng Khang này vẫn là sĩ quan cấp dưới, là nhân viên dưới quyền...”. Bùi Cường- Giám đốc Bệnh viện Hồng Phúc lại khôn khéo, ranh mãnh, nịnh trên, đạp dưới…

Trong tác phẩm, Vũ Oanh còn cho bạn đọc tiếp xúc với hàng loạt bác sĩ như Phạm Quang Thoảng, Bảo Long, Bảo Hiên, Nguyễn Quí Thân... Có thể nói mỗi người một vẻ, chẳng ai giống ai nhưng có một điểm giống nhau là hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, yếu về y đức, phẩm cách. Phải chăng là mỗi người phải chịu trách nhiệm về hành vi, nhân cách của mình, không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh, cuộc sống, nghề nghiệp?

Đọc Bác sĩ trưởng khoa, tôi muốn đi tìm câu trả lời xác đáng cho câu hỏi về thực trạng ngành Y hiện nay. Nhưng đọc xong tôi khá thất vọng và tự đặt ra một câu hỏi hết sức... ấu trĩ: đây là hư cấu hay hiện thực? Nếu là hư cấu thì nhà văn chưa làm tròn trách nhiệm của mình.

Nhân vật tích cực đã ít ỏi (Khang- Trưởng khoa, Lam Khương- sinh viên mới ra trường), thụ động và mờ nhạt, mong manh quá! Còn các nhân vật tiêu cực thì đông đúc, mạnh mẽ, áp đảo...

Nếu đó là hiện thực thì thật đáng lo, đáng báo động về đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Y. Nhưng cho dù hư cấu hay hiện thực thì Bác sĩ trưởng khoa cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội. Đã đến lúc, mọi cấp, mọi ngành, mọi người phải chung tay, góp sức xây dựng ngành Y đúng với lịch sử, truyền thống tốt đẹp, thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”.

DIỆU MAI

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục