Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xây dựng Đảng về đạo đức - vừa lâu dài vừa cấp bách
Bài 1: “Cần - kiệm - liêm - chính - đặc điểm của một xã hội hưng thịnh”
Thứ hai: 08:09 ngày 12/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Năm 2020, Nhà xuất bản Quốc gia - Sự thật xuất bản (lần thứ ba) cuốn sách “Hồ Chí Minh - tinh hoa và khí phách của dân tộc”. Cuốn sách dày, tập hợp tất cả bài viết trong 50 năm (1948 - 1998) của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

 Trong cuốn sách đồ sộ này, tác giả viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải chỉ dưới góc độ một học trò, một cộng sự gần gũi, thân cận của vị lãnh tụ. Phạm Văn Đồng còn viết về Hồ Chí Minh trên phương diện của một nhà nghiên cứu, một nhà văn hoá. Đây là một tác phẩm rất có giá trị, rất đáng tham khảo. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin tóm lược, đề cập đến hai bài viết được công bố vào năm 1948 và 1950 liên quan đến công tác xây dựng Đảng về đạo đức - một vấn đề có tính thời sự hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng - một học trò, một cộng sự gần gũi, thân cận của Bác.

Tháng 8.1948, đồng chí Phạm Văn Đồng viết về “cần kiệm liêm chính”. Tác giả khẳng định, bốn chữ nêu trên tập hợp “mỹ đức cần thiết cho mọi người Việt Nam trong việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, tiêu biểu lòng chí công vô tư đối với của công, việc công”. Học cần, kiệm, liêm, chính là phận sự của nhân viên Chính phủ.

Đó là phận sự của mọi người hoạt động trong các tổ chức nhân dân. Đó cũng là phận sự của mọi người công dân Việt Nam. Chữ cần, chữ kiệm của Hồ Chủ tịch, dân ta phải học vì nước ta nghèo, lại đang kháng chiến. Mỗi một người chúng ta phải đem mồ hôi đổi lấy bát cơm, làm ra bát cơm đầy, song chỉ ăn bát cơm lưng.

“Quốc dân Việt Nam không dung thứ cho cái xấu”

Chữ liêm, chữ chính của Hồ Chủ tịch, theo tác giả cuốn sách, “dân ta phải học vì đó là hai công đức làm nền tảng cho đời sống công cộng của chúng ta. Liêm và chính trong cử chỉ và hành động, đối với đồng tiền, đối với công việc. Liêm và chính đối với láng giềng, đối với làng xóm, đối với quốc dân. Cần, kiệm, liêm, chính là đặc điểm của một xã hội hưng thịnh. Những điều trái lại là đặc điểm của một xã hội suy vong”.

Tác giả viết tiếp: “Hiện tượng không cần, không kiệm, không liêm, không chính là những điều trái ngược không có quyền tồn tại, quốc dân Việt Nam không thể dung thứ được. Thế mà những hiện tượng trái ngược ấy chúng ta vẫn còn thấy trong một số người ở một số ngành hoạt động, tại một số đô thị.

Cho nên học cần, kiệm, liêm, chính là bài trừ xa xỉ, hối lộ, biển thủ, cờ bạc, đầu cơ, tích trữ, chợ đen, buôn lậu, bài trừ tất cả cái gì xấu xa, mục nát, đồng thời là tôn trọng, giữ gìn, vun xới cái gì có ích, có lợi cho đồng bào, cho quốc dân, cho Chính phủ”. Tác giả đặt câu hỏi học gì ở Hồ Chủ tịch, và ông trả lời: Học Hồ Chủ tịch là học trung với nước, hiếu với dân, học đoàn kết, học phấn đấu, học lý thuyết và phương pháp khoa học, học cần, kiệm, liêm, chính... nhưng học Hồ Chủ tịch cần học nhiều bài học khác nữa.

Ngày 19.5.1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh tròn 60 tuổi. Dịp này, đồng chí Phạm Văn Đồng viết: “Mỗi một chủ trương, mỗi một lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch là một bài học cho chúng ta. Phải biết huy động, tổ chức lãnh đạo quần chúng nhân dân. Sức mạnh của quần chúng nhân dân là vô cùng”. Tác giả viết tiếp, cần biết huy động sức dân, lãnh đạo quần chúng để thực hiện những nhiệm vụ cách mạng thích hợp với từng giai đoạn, từng địa phương, từng ngành công tác. Phải luôn luôn sát nguyện vọng của quần chúng nhân dân, nghe ngóng để hiểu biết nguyện vọng của quần chúng nhân dân, tìm tòi phát huy sáng kiến của quần chúng nhân dân rồi căn cứ vào đó chủ trương cho đúng và kịp thời sửa chữa những chủ trương sai lầm. Có tin tưởng quần chúng nhân dân thì mới vì quần chúng nhân dân mà hy sinh chiến đấu để mưu lợi ích cho quần chúng nhân dân, thì mới nghe ngóng nguyện vọng, phất huy sáng kiến của quần chúng nhân dân và như thế mới lãnh đạo được quần chúng nhân dân, thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Trái lại, kẻ nào không tin tưởng quần chúng nhân dân, thiếu tinh thần phục vụ quần chúng nhân dân, thì quần chúng nhân dân cũng không tin tưởng mình, còn nói gì lãnh đạo? Nhân dân Việt Nam tin Hồ Chủ tịch, nghe Hồ Chủ tịch, theo Hồ Chủ tịch là vì suốt đời Hồ Chủ tịch rất tin tưởng nhân dân Việt Nam, hy sinh chiến đấu để mưu lợi ích cho nhân dân Việt Nam. Hiện nay và sau này trên con đưòng cách mạng, Hồ Chủ tịch hy sinh chiến đấu đưa nhân dân tiến đến thắng lợi thì nhân dân lại càng tin tưởng. Đây cũng là trường hợp và kinh nghiệm riêng của mỗi một người chúng ta đối với quần chúng nhân dân. Chúng ta lãnh đạo quần chúng nhân dân nhưng đồng thời cũng học tập quần chúng nhân dân, chúng ta là thầy dạy nhưng cũng là học trò quần chúng nhân dân. Chúng ta muốn lãnh đạo thì phải học tập, muốn làm thầy dạy thì phải làm học trò quần chúng nhân dân và chúng ta càng học được bao nhiêu thì càng lãnh đạo vững vàng sáng suốt bấy nhiêu. Đó là nội dung quan điểm nhân dân, quan điểm quần chúng của Hồ Chủ tịch.

Trọng dân - dân trọng

“Mỗi một chủ trương, mỗi một lời tuyên bố với quốc dân của Hồ Chủ tịch biểu lộ quan điểm ấy rất rõ rệt, thế mà một số cán bộ chúng ta không nhìn thấy hoặc không làm theo. Hồ Chủ tịch rất coi trọng đạo đức cách mạng, đó là linh hồn của người cách mạng. Hồ Chủ tịch không ngừng nhắc nhở phải giáo dục đạo đức cách mạng, giáo dục đảng viên, cán bộ, giáo dục quần chúng nhân dân, luôn luôn nhắc nhở mọi người trau dồi đạo đức cách mạng. Phải cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Hồ Chủ tịch đòi hỏi người đảng viên, người cán bộ phải gương mẫu, biết lo trước thiên hạ và vui sau thiên hạ, phải xung phong đi trước, làm trước, lôi cuốn mọi người theo mình, biết tổ chức thi đua, cổ vũ lòng hăng hái, cố gắng của mọi người, phát huy những đức tính tốt đẹp nhất và những khả năng dồi dào, lực lượng vô cùng vô tận của quần chúng. Làm cách mạng, đánh đổ cái cũ và xây dựng cái mới, cuối cùng là vì lợi ích của nhân dân, vì đời sống tự do và hạnh phúc của mọi người. Ý chí cách mạng của Hồ Chủ tịch phát nguồn từ tình cảm, tình cảm dân tộc, tình cảm giai cấp, sự thông cảm với biết bao đau khổ và bất công, với biết bao mơ ước một đời sống tươi sáng. Tính nhân đạo, tình thương đồng bào, đó là điều sâu sắc nhất và tốt đẹp nhất trong con người của Hồ Chủ tịch. Đồng bào nước ta ai nấy đều biết tình cảm của Hồ Chủ tịch đối với đồng bào, cho nên đối với người lãnh tụ gần gũi của mình, lòng của đồng bào tràn ngập tình thương, biết ơn và tin cậy. Đồng bào hiểu rõ rằng Hồ Chủ tịch sống đời sống của đồng bào, đau khổ những khó khăn của đồng bào, vui mừng những thắng lợi của đồng bào. Đối với đồng bào, đó là một sự an ủi, một niềm phấn khởi, một sự cổ vũ và một sức mạnh trong đời sống hằng ngày cũng như trong cuộc đấu tranh cách mạng. Đồng bào tin tưởng Hồ Chủ tịch bao nhiêu, Hồ Chủ tịch tin tưởng đồng bào bấy nhiêu. Hồ Chủ tịch tin vào lòng yêu nước và sức đoàn kết của đồng bào, ý chí đấu tranh và năng lực sáng tạo của đồng bào. Hồ Chủ tịch thường nói: “Trước đây, hai bàn tay không, dựa vào lực lượng của nhân dân, chúng ta dựng nên cơ đồ như ngày nay. Ngày nay, lực lượng của chúng ta lớn mạnh gấp bội, nhất định chúng ta sẽ vượt mọi khó khăn và sẽ thắng lợi hoàn toàn”.

Những nội dung nêu trên, nhà cách mạng tiền bối Phạm Văn Đồng viết từ năm 1948 và 1950. Gần 80 năm sau, điều đó vẫn đã, đang trở thành “vấn đề hôm nay” của Đảng, của Nhân dân và Tổ quốc. Thật vậy, Điều 1 (Quy định 144) ngày 9.5.2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới như sau: “Yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc. Suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng; nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Tôn trọng, tin tưởng, gần gũi và gắn bó mật thiết với Nhân dân. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; tạo điều kiện để Nhân dân phát huy quyền làm chủ, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh. Đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân lên trên hết, trước hết; kiên quyết, kiên trì đấu tranh với mọi hành vi gây phương hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân”.

Việt Đông

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục