Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xuân nơi đầu sóng, ngọn gió
Bài 1: Chở mùa xuân ra đảo xa
Thứ bảy: 08:20 ngày 27/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trước chuyến hải trình, nhiều phần quà ý nghĩa đã được cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân tất bật, tỉ mỉ chuẩn bị. Những chuyến xe nối đuôi nhau, cán bộ, chiến sĩ khẩn trương vận chuyển hàng hoá tập kết đưa lên tàu.

Đoàn công tác dâng hương tại đền thờ Thổ Châu.

Những ngày đầu năm 2024 (cuối năm Quý Mão 2023), vượt hàng trăm hải lý cùng muốn vàn sóng to, gió lớn, hai tàu 528 và 924 của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đã mang những phần quà, nhu yếu phẩm, thực phẩm tết từ đất liền đến với những cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang ngày đêm bám trụ, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên các đảo Tây Nam.

Hải trình lúc nửa đêm

Đúng 22 giờ ngày 15.1, sau lời dặn dò của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, những hồi còi chào tạm biệt vang lên, hai con tàu 528 và 924 từ đảo ngọc Phú Quốc bắt đầu rẽ sóng, vươn khơi.

Với hơn 200 đại biểu đến từ 9 tỉnh, thành phố phía Nam và các đơn vị, doanh nghiệp, phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, đây là một chuyến hải trình đặc biệt, mang theo những phần quà đậm hương vị tết và chứa đựng niềm tin yêu, tình cảm của Đảng, Nhà nước, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Vùng và các tỉnh, doanh nghiệp, tổ chức, quân dân cả nước gửi gắm đến cán bộ, chiến sĩ nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Đó cũng là chuyến tàu chở theo cả sự háo hức, mong chờ của các thành viên trong đoàn khi lần đầu tiên được đặt chân đến với vùng biển Tây Nam.

Trên con tàu “chở mùa xuân ra đảo”, chúng tôi còn thấy những quyển sách, hàng trăm lá thư và những phần quà của các đoàn đại biểu gửi tặng quân và dân các đảo xa, đầy ắp tin yêu, nghĩa tình từ đất mẹ.

Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân dặn dò đoàn công tác trước hải trình đem tết sớm ra đảo.

Nhà báo Trần Thị Bích Chi- Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long kể, khi biết sắp có chuyến ra thăm và chúc tết cán bộ, chiến sĩ các đảo Tây Nam, nhiều trường học ở Vĩnh Long đã phát động phong trào viết thư gửi những người lính Hải quân. Vậy là cùng với việc ghi hình, tác nghiệp trên các đảo, nhà báo Bích Chi có thêm một “sứ mệnh” là gửi tới tận tay các cán bộ, chiến sĩ từng lá thư của các em học sinh.

Theo Chuẩn đô đốc Nguyễn Hữu Thoan- Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Vùng 5 Hải quân, đây là sự quan tâm đặc biệt, là tình cảm sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân các địa phương, các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí hướng về biển, đảo trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn- 2024.

“Những tình cảm đó là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ rất lớn, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân - những người lính biển kiên trung đang ngày đêm chắc tay súng, vững vàng trên tuyến đầu, quyết tâm bảo vệ vững chắc từng tấc đảo, sải biển thiêng liêng của Tổ quốc” - Chuẩn đô đốc Nguyễn Hữu Thoan nói.

Bình yên trên đảo Thổ Chu

Sau hơn 8 giờ lênh đênh trên biển, vượt hơn 60 hải lý, hai tàu 528 và 924 thả neo cập cảng đảo Thổ Chu, xã Thổ Châu, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang để đến thăm các lực lượng đang làm nhiệm vụ và người dân trên đảo. Trước mắt chúng tôi, đảo Thổ Chu hiện lên như dải lụa mềm vắt qua biển trời miền Nam đất nước.

Ở vị trí tiền tiêu phía Tây Nam của Tổ quốc, Thổ Chu là đảo lớn nhất trong 8 hòn đảo thuộc quần đảo Thổ Chu nằm cách đảo Phú Quốc khoảng gần 120km về phía Tây Bắc, cách đất liền hơn 220km về phía Đông; điểm cao nhất của đảo so với mực nước biển là 164m.

 Một góc xã đảo Thổ Châu yên bình.

Thổ Chu là đảo có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội và xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh. Năm 1993, tỉnh Kiên Giang đưa 17 hộ dân đầu tiên ra đảo; đến nay, xã đảo đã có hơn 500 hộ dân với gần 1.900 nhân khẩu.

Người dân trên đảo sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng, khai thác thuỷ sản và dịch vụ du lịch. Hiện đảo Thổ Chu đang được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Ngoài cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của xã Thổ Châu, trên đảo có các đơn vị dân sự và quân đội đứng chân: Trạm ra-đa 610 của Vùng 5 Hải quân; Trạm hải đăng thuộc Bộ Giao thông Vận tải; Đài Khí tượng Thuỷ văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Trung đoàn 152, Quân khu 9; Đồn Biên phòng Thổ Châu thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang; Lữ đoàn 25 CB, Quân khu 9 và Trạm Cảnh sát biển thuộc Vùng Cảnh sát biển 4.

Thấy chúng tôi đến thăm đảo, ông Lê Trường Sơn - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Thổ Châu, cũng là một trong những hộ dân đầu tiên đặt chân lên đảo để sinh sống, lập nghiệp và góp sức bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo không giấu được niềm vui.

Ông Sơn cho biết, những ngày đầu tiên đặt chân lên đảo phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Hằng năm, người dân phải di chuyển nhà 2 lần, mùa gió Nam thì ở bãi Dông, còn mùa gió chướng thì chuyển sang bãi Ngự để tránh gió bão.

Nhưng với sự hỗ trợ, động viên của chính quyền địa phương và các lực lượng trên đảo mà nhân dân đồng lòng vượt khó, quyết tâm bảo vệ và phát triển xã đảo.

Thiếu tá Đặng Ngọc Mạnh- Ngành trưởng Ngành ra-đa Trạm ra-đa 610 thực hiện nhiệm vụ.

“Xã đảo này đã phải trải qua bao đau thương và mất mát, hơn 500 người dân vô tội đã bị Khmer đỏ tàn sát. Để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, quân và dân ta đã chiến đấu, hy sinh để giải phóng Thổ Chu nên chúng tôi quyết tâm “cắm chốt”, quân dân đồng lòng bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia”- ông Sơn nói.

Đời sống của người dân trên xã đảo Thổ Châu đến nay đã phần nào bớt khó khăn, vất vả khi nhận được sự quan tâm đầu tư về kết cấu hạ tầng. Hệ thống giao thông trên đảo đã được bê tông hoá, trường học, trạm xá được xây dựng, nhà cửa kiên cố. Hiện nay, chính quyền, nhân dân xã đảo Thổ Châu nỗ lực, phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới.

Đón chúng tôi lên Trạm ra-đa 610, Trạm hải đăng Thổ Chu, Đại uý Trần Hữu Toán- Chính trị viên Trạm ra-đa 610 cho biết, mặc dù điều kiện trên đảo còn khó khăn nhưng các lực lượng đứng chân trên đảo và chính quyền, người dân xã Thổ Châu luôn đoàn kết một lòng, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng nơi biển đảo Tây Nam của Tổ quốc.

Những lá thư gửi từ đất liền mang theo tình cảm và hơi ấm mùa xuân đến với các cán bộ, chiến sĩ.

“Vì biển trời Tổ quốc, xuân này cán bộ, chiến sĩ đơn vị đón tết nơi đảo xa, chúng tôi đã tổ chức quán triệt sâu sắc mệnh lệnh sẵn sàng chiến đấu của cấp trên đã phê duyệt.

Chúng tôi làm tốt công tác định hướng tư tưởng quân nhân, nhất là đối với những đồng chí chiến sĩ lần đầu tiên đón tết tại đơn vị. Chúng tôi quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, quan sát, phát hiện, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tây Nam của Tổ quốc”- đại uý Toán chia sẻ.

Chiến sĩ Trạm ra-đa 610 trang trí mai đón tết sớm trên đảo Thổ Chu.

16 giờ cùng ngày, tàu nhổ neo xuôi đảo Hòn Khoai, chúng tôi mang theo lời chúc của Thiếu tá Đặng Ngọc Mạnh- Ngành trưởng Ngành ra-đa Trạm ra-đa 610: “Chúc nhân dân trong đất liền một năm mới vui khoẻ, sang năm mới có nhiều thành công mới, thắng lợi mới và luôn luôn sức khoẻ dồi dào và thành công trong năm 2024. Chúng tôi xin hứa quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa trong khu vực đơn vị được phân công”.

Vũ Nguyệt

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục