Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tây Ninh nỗ lực cải thiện các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS và ICT INDEX
Bài 1: Chưa được quan tâm đúng mức
Thứ năm: 10:13 ngày 15/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo UBND tỉnh, thời gian qua (2016 - 2020), thứ hạng các chỉ số phản ánh nền hành chính của tỉnh ngày càng giảm so với các tỉnh, thành trên cả nước. Sự quan tâm của các sở, ban, ngành tỉnh, địa phương và nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với tầm quan trọng của các chỉ số nêu trên còn nhiều hạn chế, chưa đúng mức.

Người dân thực hiện các TTHC tại Trung tâm hành chính công tỉnh (ảnh minh hoạ).

Cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Nội vụ công bố Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Tây Ninh đạt 84,59 điểm, xếp thứ 27/63 - tăng 4,54 điểm và tăng 17 bậc so với năm 2019 (năm 2019 đạt 80,05 điểm, xếp thứ 44/63 tỉnh, thành phổ trực thuộc Trung ương). So với các tỉnh khu vực miền Đông Nam Bộ, Tây Ninh ở vị trí trung vị, chỉ sau Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh.

PAR Index năm 2020 được xác định dựa trên 8 tiêu chí, trong đó, 7 tiêu chí được thực hiện thường xuyên hằng năm theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, gồm: (1) Công tác chỉ đạo điều hành CCHC; (2) Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh; (3) Cải cách thủ tục hành chính; (4) Cải cách tổ chức bộ máy hành chính; (5) Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; (6) Cải cách tài chính công; (7) Hiện đại hóa nền hành chính và nội dung thứ (8) là Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Năm 2020, Tây Ninh chỉ có 2 tiêu chí được đánh giá cao (trên 90%) là công tác chỉ đạo, điều hành CCHC (98%) và cải cách thủ tục hành chính (91%); có 4 tiêu chí đạt mức tốt trên 80%. Còn lại 2 lĩnh vực được đánh giá thấp (dưới 80%) là Cải cách tổ chức bộ máy hành chính và tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển KT-XH của tỉnh.

Trong khi đó, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) được thực hiện đối với 5 yếu tố cơ bản của quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công, gồm: (1) Tiếp cận dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước; (2) TTHC; (3) công chức trực tiếp giải quyết công việc; (4) kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công; (5) việc tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị do Bộ Nội vụ phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện có sự kiểm tra, giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Chỉ số này không sắp xếp thứ tự của các tỉnh, thành phố mà chỉ đánh giá kết quả của các tỉnh theo mục tiêu Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011- 2020, đó là đến năm 2020: “Sự hài lòng của người dân đối với cơ quan hành chỉnh nhà nước đạt trên 80% ”.

Năm 2020, Chỉ số SIPAS của tỉnh Tây Ninh đạt 83,94%, tăng 0,49% so với năm 2019 (năm 2019 đạt 83,45%), nhưng vẫn thấp hơn giá trị trung vị của cả nước (85,48%). Cao nhất là tỉnh Quảng Ninh với 95,76% và thấp nhất là tỉnh Bình Thuận với 75,68%.

Trong 5 yếu tố cơ bản được khảo sát, có 4 yếu tố được đánh giá tốt gồm: (1) Tiếp cận dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước (78,18%); (2) TTHC (85,19%); (3) công chức trực tiếp giải quyết công việc (86,32%); (4) kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công (86,82%). Riêng việc tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị được cá nhân, tổ chức được đánh giá rất thấp, chỉ đạt 72,09%.

Từ kết quả công bố và phân tích nêu trên về Chỉ số CCHC năm 2020 của tỉnh Tây Ninh, Văn phòng UBND tỉnh cho biết, ngoài nguyên nhân tích cực để chỉ số thành phần được đánh giá cao, còn một số nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến những tồn tại, hạn chế đối với Chỉ số CCHC của tỉnh như sau:

Thứ nhất, trong công tác chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện, ở các cơ quan, đơn vị vẫn còn những nhiệm vụ chậm tiến độ hoặc chưa đạt yêu cầu theo quy định của Trung ương, như thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ giao, đăng tải công khai TTHC vào cơ sở dữ liệu Quốc gia sau khi công bố, thực hiện quy định về cơ cấu số lượng lãnh đạo tại các cơ quan hành chính...

Thứ hai, việc đánh giá kết quả thực hiện của cơ quan nhà nước thông qua điều tra xã hội học đối với các lĩnh vực trong Chỉ số CCHC chưa được người dân, tổ chức đánh giá cao. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của tỉnh mặc dù đạt trên 80% nhưng còn đạt thấp hơn mức trung bình của cả nước. Trong đó, việc tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị đạt kết quả chưa cao.

Thứ ba, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin của Tây Ninh trên thực tế (nhất là các dịch vụ công trực tuyến) còn nhiều hạn chế, yếu so với mặt bằng chung của cả nước. Công tác thông tin, tuyên truyền để người dân, tổ chức thay đổi nhận thức trong việc chuyển sang thực hiện các dịch vụ công trực tuyến ở các cơ quan, địa phương chưa sát thực tiễn, hiệu quả thấp hoặc chưa quan tâm đến công tác này; chưa có chính sách mới để khuyến khích người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến; quy trình, thủ tục để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến còn chưa được các cơ quan hành chính các cấp cải cách triệt để, còn rườm rà, khó thực hiện.

AN KHANG

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục