Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Gửi niềm tin về cuộc “nội soi” trong Đảng
Bài 1: “Chúng tôi không mất niềm tin”
Thứ hai: 10:36 ngày 23/09/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Kể từ thời điểm Đại hội XIII của Đảng đến cuối năm 2023, cả nước có 1.400 tổ chức đảng và 66.000 đảng viên bị kỷ luật.

“Chưa bao giờ việc xử lý tới mức độ này, có thể trước đây ta làm chưa mạnh vì nhiều lý do, con số này rất đáng quan tâm. 83 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó 59 cán bộ vi phạm do khuyết điểm từ trước, 24 đảng viên do vi phạm tại thời điểm hiện nay.

Con số này cho thấy điều gì? Đó là sau khi Đảng đẩy mạnh chủ trương xây dựng, chỉnh đốn, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, vẫn còn tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, trong đó có cán bộ lãnh đạo quản lý, vi phạm do vô ý hay do cán bộ chưa biết sợ, đặt lợi ích của cá nhân cao hơn lợi ích của Đảng mà vi phạm quy định” - lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ngày 18.12.2023. Những con số nêu trên không phải số liệu khô khan, vô hồn.

Đối với những người tâm huyết, đau đáu với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, họ cảm thấy đau lòng, trăn trở, thậm chí có phần hoang mang nhưng sau cùng, họ tin rằng, cuộc “tự siêu âm, nội soi, tự phẫu thuật” trong Đảng sẽ thành công, dù không hề đơn giản. Loạt bài này ghi lại tiếng nói của những người tâm huyết trước công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đang diễn ra quyết liệt hơn bao giờ hết, cả ở Trung ương và địa phương.

Chào cờ trên đỉnh núi Bà Đen. Ảnh: Hải Triều

Huyện biên giới Tân Biên, vào một chiều mưa, nhóm phóng viên Báo Tây Ninh gặp hai đảng viên lão thành là ông Phạm Văn Quynh- nguyên Trưởng Ban Dân vận Huyện uỷ, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tân Biên và ông Nguyễn Chí Hiếu- nguyên Trưởng Ban Dân vận Huyện uỷ Tân Biên. Hai ông đều sinh ra, lớn lên ở Campuchia, tham gia chiến đấu và gầy dựng phong trào cách mạng trên nước bạn sau đó trở về huyện biên giới Tây Ninh. Họ được Đảng đào tạo trở thành thế hệ cán bộ đầu tiên của Tân Biên phục vụ công cuộc hồi sinh và phát triển của huyện biên giới sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước và chiến tranh biên giới Tây Nam.

Tiếng nói của những đảng viên sinh ra ở nước ngoài

Ông Phạm Văn Quynh kể: “Chúng tôi là thế hệ người Việt được sinh ra và lớn lên gắn với nông trường cao su Bến Két, Campuchia - một trong những cái nôi của cách mạng từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Phần đông công nhân ở đây đều gắn bó với cách mạng.

Hồi nhỏ, khi đi học chúng tôi thường bị miệt thị là dân “An-nam-mít”, bị phân biệt đối xử. Tự ái dân tộc dữ lắm! Chính điều này đã dẫn tôi đến với cách mạng. Năm 1968, tôi được kết nạp Đảng, lúc đó mới 21 tuổi, đang là một thợ sửa xe và tham gia vận động phong trào yêu nước của Việt kiều thông qua các đội văn nghệ, đội bóng chuyền, giáo viên dạy tiếng Việt xoá mù chữ...

Những công việc này giúp tôi gắn mình vào nhiệm vụ của cách mạng, được tìm hiểu về truyền thống văn hoá dân tộc Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1970, tôi được phân công làm bí thư xã ở bên đó, đến khoảng tháng 3.1974, tôi trở về huyện biên giới Tân Biên, đưa lực lượng cách mạng về đóng trên địa bàn xã Tân Lập, được phân công làm việc ở Ban Kinh Tài và sau đó tiếp tục được đào tạo, trở thành cán bộ”.  

Đảng viên Phạm Văn Quynh và Nguyễn Chí Hiếu (thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên) trò chuyện cùng PV Báo Tây Ninh về công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Còn đối với ông Nguyễn Chí Hiếu, sau thời gian công tác trong một đơn vị Cơ yếu thuộc Sư đoàn 9 chiến đấu trên chiến trường Campuchia, năm 1974, ông bị trúng bom trong trận chiến đấu ở Bình Phước. Sức khoẻ suy giảm, ông xin ra quân, theo gia đình về Tân Biên tham gia phong trào Đoàn.

Ông Hiếu là Bí thư Xã đoàn đầu tiên của xã biên giới Tân Lập, chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng năm 1975. Ông được cử đi học bổ túc văn hoá và tham gia nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng và đảm nhiệm nhiều vị trí trong hệ thống chính trị huyện Tân Biên. 

Là những người đã đi qua chiến tranh, hai đảng viên Phạm Văn Quynh, Nguyễn Chí Hiếu khảng khái: “Trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là vinh dự lớn lao và không bao giờ hối hận”.

“Cuộc phẫu thuật nào lại không đau”

Trong cuộc trò chuyện, chúng tôi đặt vấn đề muốn nghe những suy nghĩ của hai ông về công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng như công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

“Thú thực, chỉ trong một thời gian ngắn có nhiều cán bộ cấp cao, rất cao, nhiều tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang bị xử lý kỷ luật, chúng tôi rất lo. Trước khi vào Đại hội cũng quy hoạch, sàng lọc kỹ nhưng mới nửa nhiệm kỳ đã bị “rơi rụng” rất nhiều, có những trường hợp bị kỷ luật không ai ngờ được. Điều này chưa từng có trước đó.

Nhưng khi ngẫm kỹ lại, tôi thấy chuyện kỷ luật cán bộ, đảng viên do vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước là công việc thường xuyên của Đảng, của Nhà nước, chỉ là giai đoạn này được đẩy mạnh lên mức độ cao hơn” - ông Nguyễn Chí Hiếu trầm ngâm.

Đảng viên Phạm Văn Quynh tiếp lời: “Thời kỳ của chúng tôi - thế hệ cán bộ được Đảng đào tạo để xây dựng bộ máy hệ thống chính trị huyện biên giới Tân Biên nói riêng và tỉnh Tây Ninh nói chung từ những năm sau chiến tranh hầu hết là những người gắn bó với kháng chiến, gắn bó mật thiết với nhân dân.

Chuyện cán bộ đảng viên móc ngoặc để tư lợi tuy vẫn có nhưng rất ít. Đặc biệt, tư tưởng cực đoan, suy thoái tư tưởng chính trị hầu như “không có đất sống” ở vùng biên giới này. Kể từ khi đất nước đổi mới, cơ chế thị trường kéo theo đó là những hệ luỵ của đồng tiền đã khiến một bộ phận đảng viên không giữ được mình.

Một số đảng viên, trong đó có cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước bị xử lý kỷ luật do những sai phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo, vi phạm nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, vi phạm những điều đảng viên không được làm... Công cuộc chỉnh đốn Đảng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo thực hiện trong suốt hơn 10 năm qua thực sự là một cuộc tự “siêu âm, nội soi” để bắt bệnh, một cuộc tự “phẫu thuật” để cắt bỏ những “tế bào thoái hoá”. Công cuộc này này tuy nhiều đau đớn nhưng theo tôi nên tiếp tục làm và cần phải làm tốt hơn trong thời gian tới”.

Đảng viên lão thành Nguyễn Chí Hiếu khẳng định: “Đại đa số cán bộ, đảng viên, nhân dân đều rất ủng hộ chủ trương, cách làm trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của cụ Tổng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời để lại nhiều tiếc thương trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, khi công cuộc “đốt lò” đang thực hiện dang dở.

Nhóm đảng viên trong chi bộ chúng tôi đã tự tổ chức lễ truy điệu, nhiều gia đình tự treo cờ rủ để kính tiễn biệt một người cộng sản kiên trung, tận lực cống hiến cho Đảng, cho đất nước và nhân dân đến hơi thở cuối cùng. Chúng tôi cũng mong sao di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được những người kế nhiệm thực hiện”.

Tại sao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại có tầm ảnh hưởng lớn, được nhân dân tin yêu đến như vậy? Trả lời câu hỏi, đảng viên Phạm Thị Thu (Chi bộ ấp Phước An, xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu) giải thích, đó là từ chính nhân cách, đạo đức, từ những việc cụ làm rất thiết thực, hợp lòng dân. Những cán bộ, đảng viên tha hoá, tham nhũng, tiêu cực lâu nay làm suy giảm niềm tin của người dân.

Chính vì vậy khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giương cao ngọn cờ chống tham nhũng, tiêu cực, những người làm sai đã phải chịu sự xử lý của kỷ luật Đảng, của pháp luật Nhà nước, trả lại sự công bằng xã hội, lấy lại niềm tin trong dân.

“Suốt hơn 10 năm qua, công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực là hồi chuông cảnh tỉnh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay. Những ai lỡ dính “chàm” cũng tự biết lo sợ, dừng lại, còn cơ hội để sửa sai. Đối với những cán bộ trẻ, họ cũng nhìn vào đó để tự kiềm chế bản thân, biết đâu là điểm dừng.

Trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, có “xây” phải có “chống”, có tôn vinh phải có kỷ luật, có vào phải có ra. Chỉ tiếc và đau lòng ở chỗ, đảng viên đều là những nhân tố ưu tú được lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo, những người có trình độ, giữ chức vụ cao thì lại càng là những người cực kỳ ưu tú, họ cũng cần một quá trình lâu dài phấn đấu mới đạt được. Vậy mà… thật đáng tiếc!” - đảng viên Phạm Thị Thu phát biểu bằng chất giọng, từ ngữ đặc sệt Nam bộ.

Trong cuộc trò chuyện, cả ba nhân vật nêu trên đều không muốn dùng từ “cố” đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Họ biết, dù không còn nữa nhưng hình ảnh của nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc vẫn đang đồng hành cùng dân tộc.

Quần chúng nhân dân, tầng lớp trí thức không phải đảng viên, họ nói gì về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật để xây dựng, chỉnh đốn Đảng? Mời quý độc giả theo dõi bài viết tiếp theo.

Việt Đông - Phương Thuý

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục