Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhân dân là nguồn gốc mọi sức mạnh của Đảng
Bài 1: “Cơ bản, hệ trọng, sống còn”
Thứ hai: 10:07 ngày 04/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trên góc độ của báo chí, có thể thấy chưa bao giờ, vấn đề thông tin, tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được chú trọng như thời gian qua, đặc biệt từ khi có Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị.

Như đã thông tin, chiều 29.11, Ban Chỉ đạo 35 - 57 tỉnh tổ chức hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh Tây Ninh ngày càng trong sạch, vững mạnh”. Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng- Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II có một đề nghị đáng chú ý, đó là “báo chí cần có tiếng nói kịp thời, định hướng những thông tin quan trọng, kể cả đối nội và đối ngoại, có những vấn đề của cuộc sống hôm nay và có những câu chuyện của lịch sử”. Trên góc độ của báo chí, có thể thấy chưa bao giờ, vấn đề thông tin, tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được chú trọng như thời gian qua, đặc biệt từ khi có Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị. Loạt bài viết này góp thêm tiếng nói để lý giải vì sao vấn đề nêu trên lại đang là tâm điểm trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng- Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II phát biểu tại hội thảo.

Trong bản tham luận có tên gọi “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; định hướng giải pháp đối với Tây Ninh, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng và TS. Nguyễn Thị Huỳnh Như (Học viện Chính trị khu vực II) nêu, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng. Nhìn lại hơn 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Thành tựu đó đã luận chứng cho sự đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh- nền tảng tư tưởng của Đảng. Hiện nay, tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến khó lường, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Một số cán bộ, đảng viên không đủ bản lĩnh, sa vào chủ nghĩa cá nhân, dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá.

Mặt khác, các thế lực thù địch, đối tượng cơ hội chính trị đã tận dụng mọi cơ hội để khoét sâu, thổi phồng những hạn chế của chúng ta, ra sức bôi đen, tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình”, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Bởi lý do đó, việc thống nhất, nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng, ý nghĩa của bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và ở Tây Ninh nói riêng là hết sức cần thiết.

Một trong những nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần thiết phải tiến hành đó là xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị - tư tưởng; đặc biệt là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đây chính là “mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng”, hướng tới thiết lập một trật tự, ở đó “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Điều này đã được nhấn mạnh tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đó là: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”.

Chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ thống các quan điểm và học thuyết khoa học do C.Mác và Ph.Ăngghen xây dựng, V.I. Lênin bảo vệ và phát triển. Chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết duy nhất trừ trước đến nay bàn về sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng nhân dân lao động khỏi mọi chế độ áp bức, bóc lột và tiến tới giải phóng con người.

Sự vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể Việt Nam là sự sáng tạo mang dấu ấn lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết hợp nhuần nhuyễn tinh hoa văn hoá Đông - Tây với chủ nghĩa Mác - Lênin, thấm đậm bản sắc văn hoá và bản lĩnh của dân tộc, có sức sống mạnh mẽ, góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và đã trở thành di sản tinh thần vô cùng quý báu, đã đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đến thắng lợi.

Với giá trị, ý nghĩa to lớn đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã yêu cầu phải “kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh... nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”. Kiên định và vận dụng sáng tạo, phát triển là những yêu cầu có mối quan hệ gắn bó mật thiết, xuất phát từ chính đòi hỏi thực tiễn cách mạng không ngừng và từ trong bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hai tác giả viết tiếp, mặc dù vậy, ý thức xã hội luôn mang tính chất giai cấp, thể hiện ở chỗ ý thức xã hội đó sẽ thuộc về giai cấp nào và phục vụ cho lợi ích giai cấp nào. Trong xã hội có giai cấp bao giờ cũng có những quan điểm tư tưởng hoặc những hệ tư tưởng đối lập nhau.

Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, các thế lực thù địch, phản tiến bộ, các đối tượng cơ hội chính trị đã thực hiện nhiều phương thức, thủ đoạn để chống phá cách mạng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực tư tưởng.

Bằng các thủ đoạn tinh vi, thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau như đài, báo hải ngoại, mạng xã hội, họ ra sức phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, tuyên truyền các luận điểm sai trái, thù địch, tấn công trực diện vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc tình hình đất nước, xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng, ca ngợi những đối tượng cơ hội chính trị nhằm kích động đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.

Họ kích động các vấn đề nhân quyền, dân chủ, dân tộc, tôn giáo… nhằm phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận thành tựu mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đạt được với mục tiêu cuối cùng của chúng là phá hoại con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Sự suy yếu và sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu vào những thập niên cuối của thế kỷ XX xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng một phần cũng do các âm mưu, hoạt động nói trên.

Trước bối cảnh trên, việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng phải gắn bó với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Quyết tâm này thể hiện qua việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

Nghị quyết số 35-NQ/TW khẳng định: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước”.

Gắn liền với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cần phải đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, ở đây cần nhận diện đâu là quan điểm sai trái, thù địch, xác lập luận cứ và sử dụng lý lẽ, lập luận để chỉ ra tính phản khoa học, sai lệch về lý luận và thực tiễn; âm mưu, ý đồ phản cách mạng, đi ngược lại với lợi ích dân tộc, nhân dân của các quan điểm đó.

Việt Đông

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục